Khảo sát của các nhà khoa học cho thấy, hồ Thác Bà (Yên Bái) có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trai lấy ngọc. Do đó, Công ty TNHH Phong Lan Phương Bắc đã triển khai Dự án "Ứng dụng kỹ thuật cấy ngọc trai nhân tạo và xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại hồ Thác Bà tỉnh Yên Bái” từ tháng 10/2019. Sau 3 năm triển khai, đến nay, Dự án đã mang lại những kết quả khả quan, mở ra triển vọng mới cho khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Tại hồ Thác Bà - địa danh ngoài mang ý nghĩa là một điểm du lịch sinh thái nổi tiếng còn đóng vai trò khá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều kiện tự nhiên, tiềm năng mặt nước cũng như các hệ sinh thái thủy vực trên địa bàn tỉnh Yên Bái rất phù hợp cho các loài thủy sản nước ngọt phát triển, đặc biệt là các loài trai.
Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc kết hợp nuôi các loại thủy đặc sản khác. Minh chứng cho nhận định trên là khi phỏng vấn các hộ sống ven hồ tại các xã: Thịnh Hưng, Đại Minh, Mông Sơn và Hán Đà..., huyện Yên Bình đều cho biết khi bắt trai về làm thức ăn, thỉnh thoảng có thu được những viên ngọc trai tự nhiên có màu sắc rất đẹp, to bằng hạt đậu xanh.
Từ kết quả đó, nhóm xây dựng dự án (đơn vị chủ trì và đơn vị hỗ trợ công nghệ) đã điều tra sơ bộ và đã bắt gặp các loài trai sống tự nhiên trong lòng hồ. Qua mổ khảo sát kiểm tra lượng thức ăn trong dạ dày trai, đã bắt gặp một số con trai có viên ngọc tự nhiên, kích thước các viên ngọc này có đường kính dao động từ 2,0 - 4mm.
Đến nay, Dự án "Ứng dụng kỹ thuật cấy ngọc trai nhân tạo và xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại hồ Thác Bà tỉnh Yên Bái” đã thả nuôi 90.000 con trai, chi phí cho mỗi con khoảng 60.000 đồng. Sau thời gian nuôi từ 16 đến 24 tháng kể từ khi cấy ngọc đã bắt đầu cho thu hoạch. Thống kê cho thấy, trên 40.000 viên ngọc trai đã được thu hoạch (số còn lại tiếp tục nuôi nhằm tăng giá trị), với giá bán từ 150.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/viên.
Theo bà Đặng Phương Bắc - Chủ trì Dự án Ứng dụng kỹ thuật cấy ngọc trai nhân tạo và xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại hồ Thác Bà tỉnh Yên Bái đã bước vào giai đoạn kết thúc. Tuy nhiên, Công ty vẫn duy trì việc sản xuất, kinh doanh (tiếp tục nuôi trai lấy ngọc). Cùng đó, sẵn sàng chuyển giao công nghệ, hợp tác làm ăn với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nông dân sống quanh vùng hồ Thác Bà, bao tiêu toàn bộ sản phẩm bà con làm ra.
Qua nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học và thực tiễn đã chứng minh, nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc không ảnh hưởng đến vấn đề ô nhiễm môi trường, mà trái lại do đặc tính hút lọc nước (si phông) để bắt mồi, thức ăn của trai là các loài khuê tảo, chất cặn vụn hữu cơ trong nước ở một số nơi người ta lấy việc nuôi trai dưới đáy hồ nuôi để làm phương tiện lọc nước theo phương pháp lọc nước sinh học.
Việc nuôi trai nước ngọt lấy ngọc còn tạo điều kiện thuận lợi để giảm cường độ khai thác nguồn lợi tự nhiên, tạo việc làm, sinh kế ổn định cuộc sống cho cộng đồng dân cư sống quanh các hồ chứa, sông suối lớn.
Trên thị trường Việt Nam hiện nay, mỗi viên ngọc đẹp có giá trị lên tới hàng trăm đô la; viên phẩm cấp thấp cũng vài đô la; ngoài ra, có thể tận thu ngọc trai tự nhiên để phục vụ cho những mục đích khác.
Các sản phẩm khác từ trai được sử dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ; thịt trai được làm thực phẩm hoặc thức ăn phục vụ chăn nuôi. Mặt khác, nuôi trai chủ yếu là nuôi phần đáy ao nên có thể kết hợp với nuôi các loại thủy sản khác để lợi dụng tối đa các tầng nước trong thủy vực. Đây là hướng đi mới trong sản xuất thủy sản hiện nay.
Bên cạnh đó, sản phẩm ngọc trai của dự án sản xuất được bán tại địa phương cho khách du lịch trong, ngoài nước sẽ là một hình thức xuất khẩu tại chỗ, làm tăng doanh thu và giá trị của sản phẩm. Mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc triển khai thành công, sẽ tạo hướng đi mới cho người nuôi thủy sản tập trung khai thác tối đa tiềm năng mặt nước theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị, tạo việc làm, thu nhập cho một số lao động lúc nông nhàn.