Yên Bái: Khắc phục khó khăn, nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Yên Bái dù là tỉnh miền núi, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những năm qua với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cùng cách làm hay, sáng tạo đã tạo được nguồn lực phát triển kinh tế, đời sống người dân được nâng lên, Yên Bái đã từng bước vượt khó xây dựng nông thôn mới (NTM).

Các địa phương ở Yên Bái đang có những điều chỉnh và cố gắng nhiều hơn trong quá trình xây dựng nông thôn mới - Trong ảnh: Phong cảnh yên bình vùng quê Lâm Thượng (Lục Yên, Yên Bái).
Các địa phương ở Yên Bái đang có những điều chỉnh và cố gắng nhiều hơn trong quá trình xây dựng nông thôn mới - Trong ảnh: Phong cảnh yên bình vùng quê Lâm Thượng (Lục Yên, Yên Bái).

Nếu như những giai đoạn trước, chương trình XDNTM chủ yếu tập trung vào các tiêu chí xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất thì sang giai đoạn 2021-2025, chương trình XDNTM ở tỉnh Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung đặt ở mức độ cao hơn, sâu hơn, bền vững hơn… 

Được biết, năm 2022 là năm đầu tiên tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025. Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm trong chặng đường phát triển, tỉnh Yên Bái đã và đang tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Trong năm đầu tiên tổ chức triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí mới của giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM, 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 3 xã đạt NTM kiểu mẫu. Với cấp thôn, bản thì phấn đấu có thêm 75 thôn, bản đạt chuẩn thôn NTM và 76 thôn, bản đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu.

Xác định xây dựng NTM có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái đã ban hành bộ tiêu chí mới với nhiều tiêu chí được nâng lên. Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu thành phần cũng mới được đưa vào bộ tiêu chí. Do vậy, để hoàn thành các mục tiêu về xây dựng NTM trong năm đã đề ra, các địa phương vừa phải đầu tư, đánh giá lại chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí đã có, vừa phải phấn đấu thực hiện đạt yêu cầu của bộ tiêu chí mới.

Năm 2022 huyện Yên Bình đặt mục tiêu có 4 xã cán đích NTM là: Ngọc Chấn, Yên Thành, Phúc An và Tân Nguyên; 3 xã đạt NTM nâng cao là: Xuân Long, Đại Đồng, Thịnh Hưng. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, Yên Bình đã từng bước tháo gỡ những “nút thắt” trong XDNTM như tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, y tế...

Người dân thôn Khuôn Đát, xã Phúc An, huyện Yên Bình hiến đất làm cầu và đường giao thông nông thôn.
Người dân thôn Khuôn Đát, xã Phúc An (Yên Bình, Yên Bái) hiến đất làm cầu và đường giao thông nông thôn.

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, kết quả duy trì các tiêu chí NTM ở huyện Yên Bình có biến động. Thế nhưng, căn cứ các quyết định, hướng dẫn của trung ương, của tỉnh Yên Bái. Ngay từ đầu năm 2022, huyện Yên Bình đã xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện; xây dựng bộ tiêu chí thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo XDNTM các cấp thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu NTM, thôn NTM kiểu mẫu; xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu; huyện NTM gắn với Phong trào thi đua "Huyện Yên Bình chung sức XDNTM” giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, huyện đã đạt 2/9 tiêu chí huyện NTM, 4 xã phấn đấu về đích NTM, NTM nâng cao đã đạt từ 8 - 10 tiêu chí… 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình Lã Tuấn Hưng cho biết, xác định chương trình XDNTM là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức, tồn tại. Đồng thời học hỏi những cách làm hay từ các địa phương khác, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân để triển khai hiệu quả XDNTM. Trước mắt, huyện chỉ đạo tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; xây dựng và tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”. 

Cùng đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về NTM, triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào thi đua "Yên Bái chung sức XDNTM”, biểu dương tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong XDNTM, tạo sức lan tỏa lớn trong nhân dân, cộng đồng, xã hội; tiếp tục thực hiện tốt cải cách hành chính và thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. 

Kết hợp việc tuyên truyền với phát động các Phong trào "Ngày cuối tuần cùng dân”, "6 không, 6 sạch” và huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng làm với người dân để tạo động lực, niềm tin cho nhân dân. 

Lãnh đạo huyện Yên Bình cùng nhân dân tham gia mở rộng đường thôn Tân Minh, xã Mông Sơn trong “Ngày cuối tuần cùng dân”.
Lãnh đạo huyện Yên Bình cùng nhân dân tham gia mở rộng đường thôn Tân Minh, xã Mông Sơn trong “Ngày cuối tuần cùng dân”.

Ở Mù Cang Chải, mỗi địa phương đều huy động nguồn lực phù hợp với thực tế. Tại xã Chế Cu Nha, chính quyền xã cũng chỉ đạo các thôn, bản tập trung vận động nhân dân hiến đất, góp công bê tông hóa các đường giao thông nội bản. Cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, xã Chế Cu Nha đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng NTM. Với phương châm "lấy dân làm chủ thể, lấy sức dân để xây dựng cuộc sống ấm no”, cùng với công tác tuyên truyền xã đã huy động được sức mạnh toàn dân, từ đó người dân tự nguyện hiến đất, tự di dời vật kiến trúc để xây dựng các công trình phúc lợi; trong đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được xã ưu tiên hàng đầu. 

Đến nay, 90% đường đi các bản và đường vào các nhóm hộ được bê tông hóa; 52% hộ gia đình có đường bê tông vào đến nhà; 50% khu sản xuất có đường bê tông. Đến nay, toàn xã Chế Cu Nha có trên 70% km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, đây là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Với xuất phát điểm còn nhiều khó khăn do địa hình chủ yếu là đồi núi, đất rộng, dân thưa… huyện Mù Cang Chải xác định để hoàn thành các tiêu chí NTM, nhu cầu về vốn là rất lớn. Ngay từ những ngày đầu, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm huy động các nguồn lực thực hiện chương trình. 

Theo đó, huyện vận dụng linh hoạt, lồng ghép hiệu quả chương trình xây dựng NTM với các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án trên địa bàn để tập trung nguồn lực hoàn thành các tiêu chí theo lộ trình. Từ nguồn lực đầu tư, các xã trên địa bàn huyện đã mở mới 390,3 km; sửa chữa nâng cấp 217,3 km đường giao thông nông thôn; thực hiện kiên cố 119 công trình thủy lợi… 

Người dân xã Chế Cu Nha làm đường giao thông thôn, bản.
Người dân xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải, Yên Bái) làm đường giao thông thôn, bản.

Mục tiêu của huyện Mù Cang Chải phấn đấu đến năm 2025 có 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Để đạt mục tiêu này, các địa phương đang tích cực hơn nữa, phát huy hơn công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận, huy động nhân dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới.

Có thể thấy, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước, song xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng NTM, các địa phương của tỉnh Yên Bái vẫn luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra.

Để có thể thực hiện tốt hơn nữa các mục tiêu đó, tỉnh Yên Bái cũng đã đưa ra một số những phương hướng, nhiệm vụ cần được chú trọng, quan tâm trong thời gian tới như: Triển khai hướng dẫn các xã, huyện xây dựng hồ sơ đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch năm 2022, hoàn thiện hồ sơ cho các xã đảm bảo đúng quy định; Thực hiện tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, vận động về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Xây dựng hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các bước tiếp theo của dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo đúng quy định hiện hành;...

Xác định rõ mục tiêu XDNTM chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Yên Bái đang ra sức phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ có trên 80% tổng số xã đạt chuẩn NTM; khoảng 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Để có thể hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, địa phương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới trên toàn địa bàn tỉnh Yên Bái.