Tại huyện Văn Chấn, thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên thi đua phát triển kinh tế; thay đổi cách nghĩ cách làm, giúp nhau giảm nghèo. Thông qua các phong trào phát triển kinh tế, hội viên cựu chiến binh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cùng nhau thi đua phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho hội viên, đóng tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Hàng năm, Hội CCB các cấp huyện Văn Chấn đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phát huy tinh thần tự lực tự cường, vượt khó vươn lên, dám nghĩ, dám làm, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua như: “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, “CCB chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì đồng đội”… Đến nay, Hội Cựu chiến binh huyện Văn Chấn có trên 178 hộ gia đình CCB có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên/năm; thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả Câu lạc bộ doanh nhân CCB. Tích cực thành lập mới và duy trì hoạt động hiệu quả 5 HTX do hội viên CCB làm chủ, 35 tổ hợp tác, 16 trang trại, 121 gia trại đã góp phần giúp cho gần 1.000 lao động là CCB và con em CCB có việc làm ổn định, có mức thu nhập bình quân hàng tháng từ 4 triệu đến 7 triệu đồng.
Các cấp Hội cũng đã tập trung chỉ đạo khai thác, quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Thông qua 78 tổ tiết kiệm và vay vốn tạo điều kiện cho 2.537 hộ hội viên vay vốn với số tiền trên 110 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Giúp cho trên 2.000 hộ gia đình CCB được tiếp cận các nguồn vốn vay, giải quyết việc làm cho trên 4.000 lao động là CCB, con em CCB.
Trong 5 năm qua đã 442 hộ hội viên thoát được nghèo, hiện nay Hội Cựu chiến binh Văn Chấn có trên 1.200 hộ có mức sống khá và giàu, đạt trên 41%, tăng 3.2% so với đầu nhiệm kỳ. Toàn huyện hiện chỉ còn 261 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 5,7% theo chuẩn nghèo đa chiều. 20 hội viên CCB đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều mô hình tiêu biểu được vinh danh.
Cựu chiến binh Trần Hữu Vượng ở thôn Noong Tài, xã Thượng Bằng La (Văn Chấn, Yên Bái) đã chọn lĩnh vực chăn nuôi là hướng đi cho phát triển kinh tế gia đình. Với diện tích 1ha vườn đồi và mặt nước, ông Vượng đã quy hoạch 1.000m2 để nuôi ba ba, 2.000m2 nuôi cá và xây dựng 200m2 chuồng trại để nuôi 1.000 con vịt đẻ, trung bình mỗi ngày ông thu 750 quả trứng vịt. Kết hợp với kinh doanh thức ăn chăn nuôi, hiện thu nhập của gia đình cựu chiến binh Trần Hữu Vượng đạt từ 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm đã trừ chi phí. Không chỉ xây dựng được ngôi nhà khang trang và mua sắm các thiết bị trong gia đình, ông Vượng còn có điều kiện nuôi các con ăn học trưởng thành và có cuộc sống ổn định.
Với những nỗ lực, cố gắng của bản thân và gia đình, ông Trần Hữu Vượng đã được tặng nhiều bằng khen và giấy khen; trong đó có Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi giai đoạn 2016 - 2021. Ông Trần Hữu Vượng, thôn Noong Tài, xã Thượng Bằng La cho biết: Sau khi được tập huấn các kiến thức về chăn nuôi, tôi nhận thấy, muốn chăn nuôi đạt hiệu quả thì phải tuyển chọn từ con giống đến thức ăn chăn nuôi và tiêm vắc xin phòng dịch bệnh, phun tiêu độc khử trùng định kỳ, đảm bảo sản phẩm đưa ra thị trường phải là sản phẩm sạch.
Còn tại thị xã Nghĩa Lộ, hiện nay có 72 tổ hợp tác phát triển kinh tế của cựu chiến binh. Các tổ hợp tác này là nơi các cựu chiến binh cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ, giúp nhau, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, hơn 1.800 hội viên cựu chiến binh có thu nhập khá và giàu, chiếm gần 57% hội viên; 985 cựu chiến binh đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Trong đó có thể kể đến như tổ hợp tác trồng dưa hấu của hội cựu chiến binh xã Thanh Lương, Thị xã Nghĩa Lộ được thành lập từ năm 2020 với mong muốn chia sẻ, học tập kinh nghiệm để trồng dưa hấu. Tổ hợp tác có 5 thành viên, trong đó có những người trồng dưa hấu hàng chục năm, nhưng cũng có những người chỉ mới bắt đầu chuyển đổi. Cựu chiến binh Cầm Ngọc Du - xã Thanh Lương, Thị xã Nghĩa Lộ là một trong những tổ viên có nhiều kinh nghiệm nhất, khi đã có nhiều năm trồng dưa hấu trên đất ruộng kém hiệu quả. Sau nhiều lần thử nghiệm các loại cây trồng khác nhau, ông Du nhận thấy dưa hấu là loại cây hợp với thổ nhưỡng tại địa phương, dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, có đầu ra ổn định. Trung bình mỗi năm từ 1.400 m2 ruộng, gia đình ông cũng có thu nhập trên 100 triệu đồng, cao hơn nhiều lần trồng lúa. Khi tham gia tổ hợp tác thì đầu ra sản phẩm dưa được ổn định hơn, mang lại thu nhập cũng cao hơn.
Những ngày đầu mới thành lập, tổ hợp tác trồng dưa hấu của hội cựu chiến binh xã Thanh Lương, Thị xã Nghĩa Lộ chỉ có tổng diện tích là 3.000 m2. Đến nay, diện tích đã được nhân rộng lên 1,7ha. Tham gia tổ hợp tác, các hội viên được giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây dưa hấu và được hội viên cựu chiến binh giúp đỡ khi đến kỳ thu hoạch. Qua đó đã góp phần khích lệ hội viên cựu chiến binh tham gia phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và cho quê hương.
Có thể thấy, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí vượt khó, vươn lên, Hội viên CCB trong tỉnh Yên Bái với nhiều cách làm hay, chủ động, sáng tạo, tiếp cận thị trường, huy động được nhiều nguồn lực, các chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế.
Với phương châm không cam chịu đói nghèo, các cấp Hội đã tích cực động viên cán bộ, hội viên CCB, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, làm giàu hợp pháp. Đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, nâng cao đời sống hội viên, giảm nghèo nhanh và bền vững, tiêu biểu trong Phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, đã có hơn 1.400 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.
Mỗi năm có trên 650 hộ gia đình CCB có mức doanh thu trên 200 triệu đồng trở lên. 5 năm qua, các cấp Hội đã huy động trên 18 tỷ đồng, giúp nhau vay không lấy lãi để trồng, chăm sóc trên 540 ha cây ăn quả, 11.201 ha cây công nghiệp, 511,5 ha ao hồ nuôi các loại thủy sản, chăn nuôi trên 135.060 con trâu, bò, dê, 402.357 con gia cầm.
Khai thác, quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội gần 900 tỷ đồng, vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm trên 7 tỷ đồng giúp trên 18.600 hộ gia đình CCB được tiếp cận với các nguồn vốn vay, giải quyết việc làm cho trên 24.000 lao động. Đã có 2.469 hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi; nhiều mô hình tiêu biểu được các cấp hội vinh danh, học tập nhân rộng.
Từ những kết quả đạt được trong thực hiện phong trào cựu chiến binh thi đua phát triển kinh tế đã khẳng định vị thế vai trò của người lính Cụ Hồ trên mặt trận chống lại đói nghèo, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Với những mô hình hay, cách làm hiệu quả, nhiều cựu chiến binh trở thành tấm gương sáng vượt khó vươn lên, không chỉ góp sức cho sự phát triển kinh tế của địa phương, họ còn là tấm gương sáng để thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo.