Hình dáng cong như lưỡi câu của trà móc câu đến từ một công đoạn chế biến trà xanh. Đó chính là quá trình vò. Mục đích của việc vò lá trà đó là làm rách lớp biểu bì của bề mặt lá. Nhờ vậy mà khi bạn pha trà thì ‘chất trà’ cũng sẽ dễ dàng tan vào nước hơn. Giúp cho chúng ta có thể chiết được toàn bộ tinh tuý của lá trà khô.
Hương vị là điểm đặc biệt nhất của trà móc câu khi nằm trên bàn cân đo so sánh với những loại trà khác. Trà móc câu có hương cốm Tân Cương thoang thoảng và phảng phất cả khi ngửi và nếm ngụm trà đầu tiên. Vị trà chát nhẹ tuy nhiên khi uống sau 5 giây bạn sẽ cảm nhận được sự ngọt dịu lan tỏa ở cổ họng.
Pha trà móc câu theo cách của các nghệ nhân trà
Mỗi người sẽ có một sở thích và thói quen pha trà khác nhau nhưng thông thường để có một bình trà móc câu thơm ngon nhất ta cần tuân thủ theo những quy trình cơ bản:
Bước 1: Tráng sơ ấm và chén để khử trùng. Sử dụng nước nhiệt độ 100 độ C.
Bước 2: Đánh thức trà. Cho trà vào ấm rồi dùng nước sôi tráng qua thật nhanh và đổ đi. Bước này sẽ giúp loại bỏ được phấn trà đồng thời khiến cánh trà được nở bung dễ dàng hơn khi pha. Không ngâm nước tráng.
Bước 3: Hãm trà. Đổ đầy nước vào trong ấm (nước sôi 80 độ C), đậy nắp lại và hãm. Bạn có thể xối nước sôi lên phía ngoài ấm trà nhằm giữ cho nhiệt độ bên trong được ổn định. Đợi khoảng 10 - 15 giây.
Bước 4: Rót trà. Xếp chén trà thật ngay ngắn và sẵn sàng, nhanh tay rót hết trà từ trong ấm ra chén theo vòng. Nếu bạn sử dụng tống trà cũng làm tương tự, nhưng rót hết nước trà ra tống, rồi từ tống mới từ từ rót ra từng chén con.
Bước 5: Thưởng thức trà móc câu. Thưởng trà móc câu nên uống chậm rãi, nhẹ nhàng để cảm nhận vị ngon của trà.
Những nguyên tắc cần lưu ý khi pha trà
Theo nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn - người lan tỏa giá trị trà Việt ra thế giới, để có tách trà ngon phải tuân thủ 5 nguyên tắc: "Nhất thủy - nhị trà - tam pha - tứ ấm - ngũ quần anh", áp dụng nguyên tắc này vào việc pha trà sẽ tạo nên một thức uống tuyệt vời, ý nhị, đầy tinh tế.
Chọn nguồn nước pha: Một trong những điều chú ý trong cách pha trà móc câu đó là trà móc câu hay mọi loại trà khác khi pha đều cần lưu ý về nguồn nước, nước phải sạch, phải tinh khiết thì chén trà mới có mùi vị thơm ngon nhất. Người xa xưa có câu “Sơn thủy thượng, giang thuỷ trung, tĩnh thủy hạ", câu này được hiểu là nếu lấy nước suối thì sẽ lấy đầu nguồn, nước giếng lấy dưới đáy và nước sông thì lấy đầu dòng.
Cầu kỳ hơn nữa là những người sành trà còn hứng những giọt sương đọng trên hoa cau, hoa sen để có một ấm trà móc câu cực phẩm. Tuy nhiên trong điều kiện thành phố chúng ta hoàn toàn có thể thay thế bằng các loại nước tinh khiết để đảm bảo độ ngon của trà.
Nhiệt độ: Pha trà luôn phải dùng nước nóng, thế nhưng nước nóng bao nhiêu là đủ và có phải loại trà nào cũng có thể pha bằng nước sôi già? Câu trả lời là không. Nước sôi già chỉ hợp khi pha các loại như trà đen và Ô long, còn riêng với trà móc câu, chúng ta nên sử dụng nước pha ở nhiệt độ khoảng 80 độ C.
Nhiệt độ phù hợp giúp trà móc câu tán được hương vị tốt, giữ được sự tinh tế của chất trà, các hợp chất bên trong có thể dễ dàng được đánh thức hoàn hảo nhất.
Chọn trà: Với loại trà móc câu, bạn nên chọn loại được trồng và chế biến từ vùng Tân Cương - Thái Nguyên. Trà nơi đây được ưu ái thiên nhiên, thổ nhưỡng rất phù hợp, lại thêm nhiều kỹ thuật làm trà nổi tiếng của các nghệ nhân lâu đời nên cho được nước xanh, vị tiền chát dịu hậu ngọt đặc trưng bởi hương cốm mới.
Lượng trà và thời gian hãm: Lượng trà quá nhiều khiến trà chát, đắng, nhiều caffeine không tốt cho sức khỏe nếu dùng thường xuyên. Lượng trà quá ít khiến hương vị yếu, lá trà không đủ điều kiện để khai mở. Với trà móc câu, bạn có thể dùng 10G trà pha cùng 150ml nước sôi để có được hương cốm thoang thoảng, vị ngon vừa đủ chứ không hề chát gắt. Trà móc câu cũng nên được ủ/hãm trong khoảng 10 giây thay vì quá lâu nhé, nếu không trà sẽ có vị đắng chát và mùi nẫu, pha ra không được ngon.
Người cùng thưởng trà: Theo quan niệm của người xưa, bạn trà tâm giao sẽ là người bạn tri kỉ, có thể chia sẻ mọi điều phiền muộn, vui sướng trong cuộc sống thường nhật. Rót trà ra mời bạn cũng cần lưu ý, phải mời người lớn tuổi nhất, sau đó mới đến những người trẻ tuổi hơn.
Tận hưởng vị ngon của trà là cách giúp bạn giải tỏa căng thẳng khi làm việc. Ngoài ra, thưởng trà là một hình thức văn hóa đậm đà bản sắc Việt. Bạn có thể cảm nhận điều này khi đến bất kỳ tỉnh thành nào của Việt Nam. Đồng thời đây cũng là nét riêng của nước ta khiến bạn bè thế giới yêu thích và mong muốn được trải nghiệm.
Di Linh (tổng hợp)