Phân biệt Atiso đỏ và Atiso xanh

Hiện nay, trà Atiso trở thành thức uống phổ biến tại Việt Nam bởi hương vị thanh mát và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Nhiều người thường cho rằng Atiso đỏ (Hibiscus) và Atiso xanh là cùng một loại, thế nhưng hai loại này lại có nhiều sự khác biệt cả về đặc điểm lẫn công dụng.

Atiso đỏ và Atiso xanh có phải là “họ hàng”? 

Phân biệt Atiso đỏ và Atiso xanh - Ảnh 1

Cùng có tên gọi là Atiso nên không ít người khi nghe đến sẽ nghĩ rằng Atiso đỏ và Atiso xanh là hai loại cây cùng họ chỉ khác nhau về sắc màu. Tuy nhiên, thực tế hai giống cây này hoàn toàn khác nhau. Atiso đỏ là cây thuộc họ Cẩm quỳ (Malvaceae), có tên khoa học đầy đủ là Hibiscus Sabdariffla Linn hay còn được gọi với nhiều tên gọi khác như Bụp giấm, Lạc thần, Hồng đài …  Cây Atiso đỏ đạt độ cao từ 1.5 - 2m, hoa màu đỏ và có nguồn gốc từ Tây Phi. Loại cây này du nhập vào nước Việt Nam từ những năm 1970 của thế kỷ trước, không có họ hàng gì đối với Atiso xanh họ cúc.

Mặt khác, Atiso xanh lại thuộc họ Cúc (Asteraceae) và có tên khoa học là Cynara Scolymus. Phần bông mọc ra sẽ có lông tơ mềm bao phủ, cây cao khoảng tần 1 - 2m. Ở Việt Nam có 2 vùng trồng Atiso xanh nổi tiếng đó là Sapa và Đà Lạt.

Vậy nên, ngoài màu sắc, hai loại cây này có rất nhiều điểm khác biệt về đặc điểm, nguồn gốc, công dụng của từng loại đối với cơ thể. 

Nguồn gốc của Atiso đỏ và Atiso xanh 

Dù cả Atiso đỏ và Atiso xanh đều được trồng và ngày càng phổ biến. Thế nhưng, chúng đều không phải là giống cây có nguồn gốc tại Việt Nam. Cả hai đều là giống cây du nhập, nhờ hương vị tươi mát và nhiều lợi ích cho sức khỏe, chúng ngày càng trở thành giống cây được ưa chuộng, dần dần được nghiên cứu và trồng rộng rãi tại Việt Nam. 

Atiso đỏ (Hibiscus) 
Atiso đỏ (Hibiscus) 

Atiso đỏ (Hibiscus) được biết đến đầu tiên tại một số vùng thuộc Châu Phi, và là niềm tự hào của người dân bản địa. Sau đó, hoạt động mua bán nô lệ qua Thái Bình Dương ở những thế kỷ trước chính là con đường đã đưa Atiso đỏ đến các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới ở Trung Mỹ, Brazil, Mexico và Tây Ấn. Sau đó được du nhập vào Việt Nam khoảng đầu thế kỷ 20, và được trồng nhiều ở một số tỉnh như Hà Tây, Thái Nguyên, Sơn La, Lâm Đồng,...

Atiso xanh
Atiso xanh

Còn Atiso xanh vốn được xem là đặc sản của Đà Lạt nước ta. Tuy nhiên, Atiso xanh là loại cây lá gai có nguồn gốc từ miền Nam châu Âu (quanh Địa Trung Hải) và đã được người Cổ Hy Lạp và Cổ La Mã sử dụng như một loại rau. 

Sự khác nhau về đặc điểm bên ngoài của Atiso đỏ và Atiso xanh 

Cây Atiso đỏ là loại cây sống một năm, thân thảo và cao khoảng 1.5 – 2m. Lá cây có dạng hình trứng, có răng cưa quanh mép. Hoa màu đỏ mọc đơn ở nách, có cuống rất ngắn và có lông thô bao quanh bên ngoài. Trà Atiso đỏ được phơi sấy từ các những bông hoa và đài hoa màu đỏ này. 

Atiso xanh cũng là giống cây thân thảo, có chiều cao khoảng hơn 1m – 2m và rất cứng, có phủ lông trắng bên ngoài. Lá của Atiso xanh to, dài và mọc so le, ở mặt dưới có lông, mặt trên có màu xanh lục. Khác với Atiso đỏ, hoa của cây Atiso xanh có hình dạng to, chỉ mọc ở đầu ngọn cây, có nhiều cánh nhỏ bên ngoài mọc so le nhau (được gọi là lá bác với đặc điểm khá to, dày, ngọn, cứng) và tạo thành búp hoa. Búp hoa Atiso xanh có màu xanh lục, xen lẫn màu tim tím, trên bề mặt búp hoa có lông tơ mềm. 

Atiso xanh là giống cây phù hợp với khí hậu ôn đới mát mẻ. Còn Atiso đỏ phù hợp với khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đà Lạt là vùng trồng được cả hai giống cây này. Sở hữu những nông trường lớn nhất, cho ra đời những sản phẩm chất lượng nức tiếng và đưa chúng trở thành đặc sản của xứ sở ngàn hoa. Ngoài ra, Sapa cũng ngày càng được biết đến trồng nhiều hai loại cây này. 

Công dụng của trà Atiso đỏ và trà Atiso xanh

Hiện nay, Atiso đỏ và Atiso xanh được sử dụng nhiều trong việc chế biến thành dược phẩm, thực phẩm hoặc được pha chế thức uống. Trong đó, trà Atiso đỏ và Atiso xanh được sử dụng phổ biến, nhờ có vị dễ chịu cùng nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. 

Atiso đỏ chứa nhiều vitamin (vitamin A, C, D, E…)
Atiso đỏ chứa nhiều vitamin (vitamin A, C, D, E…)

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng Atiso đỏ hiệu quả trong việc hỗ trợ hạ huyết áp, giảm cholesterol trong máu. Đặc biệt, trong Atiso đỏ chứa nhiều vitamin (vitamin A, C, D, E…) và giàu các chất chống oxy hóa nhờ đó làm chậm quá trình lão hoá và giúp làn da sáng mịn hơn. 

Nếu bạn sử dụng trà Atiso đỏ thường xuyên sẽ hỗ trợ giảm cân, giải tỏa stress, tăng cường trí nhớ, tăng khả năng tập trung. Ngoài hỗ trợ tiêu hóa, nhuận tràng, lợi tiểu, chống táo bón, uống trà Atiso còn làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, gan, thận và cả ung thư… 

Còn Atiso xanh thì giúp tăng chức năng gan, giúp gan đào thải chất độc tốt hơn, phòng chống các loại bệnh như: gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan… Trà Atiso xanh và các sản phẩm chế biến từ giống cây này sẽ giúp kích thích sự điều tiết, lưu thông tuyến mật, cơ thể dễ dàng hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Atiso xanh cũng sẽ làm giảm hàm lượng cholesterol xấu, ngăn chặn quá trình xơ vữa động mạch và giảm khả năng mắc các bệnh liên quan tới tim mạch…

Hương vị của trà Atiso đỏ và trà Atiso xanh 

Nếu trà Atiso đỏ khi pha chế có sắc đỏ đẹp mắt thì Atiso xanh lại có màu vàng xanh đặc trưng. Bên cạnh đó, hương vị của 2 loại trà này cũng hoàn toàn khác nhau. Trà Atiso xanh có vị ngọt tự nhiên, phù hợp với khẩu vị của nhiều người. Riêng trà Atiso đỏ thiên về vị chua thanh, ngon hơn khi kết hợp cùng các chất tạo ngọt như đường, mật ong, syrup…

Atiso xanh giúp tăng chức năng gan, giúp gan đào thải chất độc
Atiso xanh giúp tăng chức năng gan, giúp gan đào thải chất độc

Cây Atiso xanh có mùa vụ chính rơi vào tháng 4 – 5. Mùa vụ phụ rơi vào tháng 6, 7. Lúc này bạn có thể mua hoa tươi về để chế biến thành món ăn ngon, bổ dưỡng cho gia đình. Hoặc có thể đun nước hãm trà Atiso tươi rất tốt cho sức khỏe.

Còn Atiso đỏ (Hibiscus) thường sẽ được gieo trồng vào mùa Xuân, khoảng tầm tháng 2, 3. Cây sẽ cho quả sau 9 tháng, vì thế chính vụ Atiso đỏ (Hibiscus) sẽ rơi vào khoảng tháng 11. Hoặc ở một số vùng trồng sớm thì sẽ có hoa bán từ tháng 8. Mọi người có thể mua hoa tươi về để tự sên mứt, làm siro, nấu canh chua, làm salad hay làm đồ uống.

Cả Atiso đỏ và Atiso xanh đều là những loại thảo mộc tốt cho sức khỏe của con người. Bởi thế, hai loại cây này ngày càng phổ biến tại Việt Nam và trở thành thức uống được mọi người yêu thích.

Hương Trà (t/h)