Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy xuất khẩu thủy sản, dệt may của doanh nghiệp Việt Nam sang EU trong tháng 8 tăng trưởng tốt nhờ hiệp định EVFTA, giúp cổ phiếu các ngành này tăng điểm ở ngành dệt may với VGG (+1.3%), MSH (+1.1%), ngành thủy sản ở VHC (+4.2%), TS4 (+4.4%). Nhà đầu tư nước ngoài có phiên bán ròng ở BCM (+6.9%), VHM (+0.5%), VCB (-1.5%).
KBSV: Khuyến nghị đối với cổ phiếu HVN
Kết phiên giao dịch ngày 4/9, cổ phiếu HVN giảm -0.8% xuống 26,200 VNĐ/cổ phiếu.
Với việc đợt dịch Covid-19 thứ 2 đang chuyển biến khả quan, số ca nhiễm mới giảm mạnh, HVN đang lên kế hoạch nối lại các đường bay đã tạm dừng trước đó do lo ngại dịch bệnh, bao gồm các đường bay: Hà Nội – Chu Lai, Hà Nội – Tuy Hòa, Hải Phòng – Điện Biên, Vinh – Buôn Ma Thuột, Vinh – Đà Lạt và Huế – Đà Lạt. Dự kiến các đường bay sẽ được nối lại vào ngày 9/9 tới đây.
KBSV: Khuyến nghị đối với cổ phiếu VHM
Kết phiên giao dịch ngày 4/9, cổ phiếu VHM tăng 0.5% lên 80,000 VNĐ/cổ phiếu.
Công ty Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes, công ty con của VHM, thông báo đã được UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý cho tiếp cận, nghiên cứu, và đề xuất phương án triển khai dự án đầu tư hạ tầng khi công nghiệp Nam Cam Ranh (tổng diện tích 352ha). Dự án này sau khi hoàn thành được kỳ vọng mang lại hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận các ngành công nghiệp cơ khí, phụ trợ, chế tạo, lắp ráp, công nghiệp nhẹ… ít gây ô nhiễm môi trường.
KBSV: Khuyến nghị đối với cổ phiếu VHC
Chúng tôi ra báo cáo lần đầu đối với CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) với khuyến nghị MUA và giá mục tiêu 47,100 VND dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền. Chất lượng sản phẩm vượt trội và không chịu thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ sẽ giúp VHC hưởng lợi nhiều nhất khi Mỹ quay lại tích trữ hàng tồn kho. VHC là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam tại Mỹ, với doanh thu từ Mỹ chiếm tỷ trọng khoảng 60% doanh thu xuất khẩu của công ty.
Người tiêu dùng châu Âu rất quan tâm đến vấn đề bền vững môi trường và an toàn thực phẩm, và do vậy thị trường này chú trọng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Chúng tôi ước tính khoảng 80% vùng nuôi của VHC đã nhận được chứng nhận quốc tế (ASC, BAP hoặc GlobalG.A.P). Với tỷ lệ tự chủ nguyên liệu khoảng 55%, chúng tôi ước tính có khoảng 44% sản lượng cá tra của VHC đáp ứng các tiêu chuẩn nuôi trồng quốc tế, cao hơn các công ty khác. Điều này là lợi thế của VHC để hưởng lợi từ việc giảm thuế quan tại EU khi EVFTA bắt đầu có hiệu lực vào tháng 8.
Vùng nuôi Tân Hưng 220 ha sẽ tăng 58% tổng diện tích vùng nuôi của VHC lên 600 ha vào cuối năm 2019. Khoảng một nửa vùng nuôi mới này đã sẵn sàng thả nuôi trong năm nay, kỳ vọng tăng tỷ lệ tự chủ nguyên liệu lên 55% vào năm 2020E và 60% vào năm 2021E. Trại ương cá tra giống tại vùng nuôi này (50 ha) kỳ vọng sẽ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu cá giống của VHC (so với 0% hiện tại) nhằm kiểm soát chi phí và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu.
KBSV: Khuyến nghị đối với cổ phiếu ANV
Chúng tôi ra báo cáo lần đầu đối với CTCP Nam Việt (ANV) với khuyến nghị MUA và giá mục tiêu 21,700 VND dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền. ANV đang mở rộng vùng nuôi nhằm tăng sản lượng lên hơn gấp đôi để mở rộng thị trường Trung Quốc, quay lại thị trường Mỹ, tăng xuất khẩu sang EU và các nước khác (chủ yếu là Trung Đông và Mỹ Latinh). Dự án vùng nuôi Bình Phú có quy mô khá lớn, dự kiến sẽ tăng sản lượng từ mức 120,000 tấn năm 2019 lên 200,000 tấn vào năm 2020E và 250,000 tấn vào năm 2021E.
ANV đạt 100% tỷ lệ tự chủ nguyên liệu nhưng chưa chú trọng vào việc đạt các giấy chứng nhận nuôi trồng quốc tế. Tuy vậy, ANV dự kiến sẽ xin cấp giấy chứng nhận quốc tế cho vùng nuôi Bình Phú. Trại ương giống 150 ha tại vùng nuôi Bình Phú dự kiến sẽ tăng tỷ lệ tự chủ con giống của ANV lên 100% vào năm 2021E. Như vậy, ANV sẽ hoàn toàn kiểm soát chuỗi sản xuất của mình, gồm cá giống, thức ăn cho cá và cá nguyên liệu cho khâu chế biến.
Vùng nuôi Bình Phú giúp kiểm soát tốt quy trình nuôi cá tra, tạo điều kiện cho ANV quay lại thị trường Mỹ sau khi rời thị trường này vào năm 2014 do bị đánh thuế chống bán phá giá cao. Giá thành thấp hơn cũng sẽ tạo điều kiện cho ANV thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc (ANV chỉ mới gia nhập thị trường này từ năm 2018), trong khi các chứng nhận quốc tế sẽ hỗ trợ xuất khẩu sang EU.
KBSV: Khuyến nghị đối với cổ phiếu MPC
Chúng tôi ra báo cáo lần đầu đối với CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) với khuyến nghị MUA và giá mục tiêu 31,700 VND dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền. Chúng tôi kỳ vọng MPC sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc xuất khẩu tôm tiếp tục đà tăng trưởng trong Q4 khi đây là doanh nghiệp tôm lớn nhất của Việt Nam. Các yếu tố ngắn hạn hỗ trợ ngành tôm trong Q4 bao gồm: 1) xuất khẩu sang Trung Quốc có xu hướng tăng khi hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam (Ấn Độ và Ecuador) đang bị gián đoạn nguồn cung do đại dịch; và 2) Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8 xóa bỏ ngay mức thuế 4.2% đối với tôm đông lạnh, cải thiện khả năng cạnh tranh về giá tại thị trường EU.
Đà tăng trưởng xuất khẩu tôm sang Mỹ và Nhật Bản kỳ vọng sẽ tiếp tục trong năm 2021E, do: 1) giành thị phần tại thị trường Mỹ từ tay các doanh nghiệp tôm Trung Quốc giữa cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung; và 2) tăng nhu cầu tiêu thụ tôm tại Nhật Bản khi Olympic Tokyo được tổ chức giữa năm 2021E.
Ban lãnh đạo hiện đang nâng cấp mô hình nuôi tôm để tăng sản lượng và tỷ lệ tự chủ bằng cách tăng số vụ thu hoạch. Mô hình “2-3-4” mới của MPC hứa hẹn sẽ đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, tính bền vững về môi trường và quan trọng nhất là quy tắc xuất xứ. MPC hiện đang bị Mỹ điều tra chống bán phá giá khi sử dụng tôm Ấn Độ (rẻ hơn) làm nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm tôm chế biến của mình.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tú Thành