Giữa cao nguyên xanh mướt, nơi đỉnh núi Tà Đùng vươn mình giữa trời mây của Đắk Nông,một kho báu sinh học đặc biệt vừa được phát hiện: quần thể chè cổ thụ với khoảng 28.000 cây, phân bố trên diện tích gần 300 ha ở độ cao hàng nghìn mét. Nhiều cá thể chè trong số đó đã tồn tại hơn một thế kỷ, một số cây cao đến 25 mét và có đường kính thân lên tới 40 cm.
Nhiều loại chè hơn 100 năm tuổi được phát hiện tại Vườn quốc gia Tà Đùng.
Ông Khương Thanh Long – Giám đốc Vườn quốc gia Tà Đùng – cho biết, Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Nông đang phối hợp với các chuyên gia Trường Đại học Tây Nguyên triển khai đề tài nghiên cứu "Các loài chè bản địa tại Vườn quốc gia Tà Đùng". Dự kiến, kết quả nghiên cứu sẽ được công bố vào cuối năm nay, mở ra hướng đi mới trong việc bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm của núi rừng Tây Nguyên.
Các nhà nghiên cứu đã và đang khảo sát về rừng chè đặc biệt này.
Theo kết quả khảo sát ban đầu, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận 117 mẫu chè thuộc nhiều loài quý hiếm trong chi Camellia – chi thực vật nổi tiếng với giá trị dược liệu và văn hóa, như: Camellia kissii (chè kiss), Camellia bidoupensis (trà mi Bidoup), Camellia sinensis (chè xanh), Camellia luuana (chè lưu), và Camellia furfuracea (chè cám). Đây là những loài chè ít gặp, phân bố hẹp, thường chỉ tồn tại trong các hệ sinh thái rừng nguyên sinh với điều kiện môi trường khắt khe.
Cây chè to nhất có đường kính khoảng 40cm.
“Trong những chuyến đi rừng, chúng tôi từng hái thử lá chè để pha uống. So với các loại chè thông thường, chè ở Tà Đùng có vị đắng hơn, nhưng hương thơm lại rất đặc biệt và đậm đà. Cảm giác như đang thưởng thức tinh chất của núi rừng Tây Nguyên vậy,” ông Long chia sẻ.
Việc phát hiện quần thể chè cổ thụ này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học, mà còn mở ra tiềm năng lớn trong phát triển sản phẩm trà dược liệu bản địa, gắn với du lịch sinh thái và văn hóa bản địa. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nhiều cây chè đang có dấu hiệu hư hại, rỗng thân do tuổi đời lâu năm và điều kiện sinh trưởng tự nhiên khắc nghiệt. Vì vậy, bảo tồn khẩn cấp quần thể chè cổ này là một nhiệm vụ cấp thiết.
Song song với quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đang đề xuất các giải pháp bảo tồn bền vững, trong đó bao gồm: lập bản đồ phân bố, đánh giá sức khỏe từng cây, lưu giữ nguồn gen, phục hồi sinh thái và xây dựng mô hình du lịch giáo dục về hệ sinh thái trà cổ thụ một kho tàng tự nhiên quý giá giữa đại ngàn Tà Đùng.