Tại Hội nghị Giải pháp phát triển và Xúc tiến đầu tư: Bất động sản Du lịch Nông Nghiệp Việt Nam do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnRea) và Tổng cục Du lịch chỉ đạo tổ chức. PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, nhận định những loại hình bất động sản du lịch nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển một cách tự phát, nhỏ lẻ, thiếu chiến lược quy củ, thiếu bài bản, chuyên nghiệp như các phân khúc bất động sản khác, dẫn đến phân khúc này chưa thể bứt phá.
Phân tích cụ thể, ông Tuyến cho hay: Loại hình du lịch nông nghiệp được quy định trong Luật Du lịch năm 2017 còn khá mờ nhạt, chưa có chiến lược tổng thể, dài hạn, thiếu cơ chế, chính sách về ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp,…
Bên cạnh đó, đất du lịch, nông nghiệp chưa được định danh chính thức trong Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể, tại Điều 3 của luật này không đưa ra giải thích hiểu như thế nào là đất du lịch nông nghiệp. Điều 10 về phân loại đất cũng không quy định đất du lịch nông nghiệp được xếp vào nhóm đất nào, theo tiêu chí phân loại đất của Luật là căn cứ vào mục đích sử dụng đất, theo đó, loại đất này được xếp vào nhóm đất nông nghiệp hay nhóm đất phi nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Chung - Chuyên viên cao cấp, Trưởng phòng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng, đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trong nông nghiệp là hết sức cần thiết. Ngày 24/5/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Ngày 21/6/2022, Văn phòng chính phủ có Văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đồng ý. Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại như trên, khi được Chính phủ ban hành sẽ tháo gỡ khó khăn cho cả chủ trang trại và cơ quan quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý để kinh tế trang trại phát triển.
Cũng tại Hội nghị, ông Phạm Thanh Tùng – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch Nông nghiệp – Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, Việt Nam là nước có hai lợi thế rất lớn trong việc phát triển du lịch nghiệp.
Thứ nhất là Việt Nam có nền nông nghiệp lâu đời. Ở nước ta, lực lượng nông nghiệp rất đông đúc với tính cách chịu thương, chịu khó và có nhiều kinh nghiệm canh tác. Khí hậu Việt Nam cũng rất thuận lợi cho việc phát triển nhiều giống cây trồng, vật nuôi.
Thứ hai, Việt Nam là quốc gia có vị trí nằm ở trung tâm Đông Nam Á; là cầu nối giao thông đường bộ của Campuchia, Lào ra biển Đông; loại hình giao thông hàng không và đường biển cũng có nhiều thuận lợi.
“Nếu tận dụng được hai lợi thế này thì du lịch nông nghiệp tại Việt Nam sẽ được đẩy mạnh và đem lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội”, ông Tùng nói.
Cụ thể, khi du lịch nông nghiệp Việt Nam được phát triển xứng tầm sẽ góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, tăng thu nhập cho các nông hộ. Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Đặc biệt, phát triển du lịch nông nghiệp đúng nghĩa sẽ còn giữ gìn, bảo tồn các di sản, phát triển văn hoá truyền thống của các dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp cũng là giúp Việt Nam đón đầu xu hướng chuyển dịch du lịch của thế giới; tạo ra các sản pẩm du lịch khác biệt cho Việt Nam gia tăng khả năng cạnh tranh; thúc đẩy phát triển các ngành liên quan đến du lịch và nông nghiệp như vận tải hàng hoá, tiêu dùng, giáo dục…
Vì vậy, Việt Nam cần định vị thương hiệu quốc gia về du lịch nông nghiệp. Chỉ khi có sự đồng nhất giữa các cấp cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân thì Việt Nam mới có thể phát triển mô hình du lịch nông nghiệp bền vững.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, Du lịch nông nghiệp (Farmsaty) là chỗ ở, nơi nghỉ dưỡng cho du khách khi đến với trang trại để trải nghiệm các công việc hằng ngày của một người nông dân, tận hưởng không gian yên tĩnh, tham gia vào các hoạt động của nông trại.
Bản chất của Farmstay phải là một nông trại thực thụ (không phải các mảnh vườn nhỏ kèm theo những căn nhà được phân lô trong một dự án).
Tại Farmstay khách du lịch có thể thử làm nông dân, trực tiếp tham gia vào canh tác, nuôi trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cấy - gặt lúa, trồng cây ăn quả hay rau xanh… Những sản phẩm thu hoạch được có thể sử dụng làm nguyên liệu nấu ăn tại nơi nghỉ dưỡng.
Chủ nhân của Farmstay sẽ nhận được một khoản tiền từ việc cung cấp nơi ở, dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp và bán sản phẩm từ nông trại cho du khách. Một dịch vụ du lịch nông nghiệp ấn tượng là một Farmstay tạo ra trải nghiệm của khách hàng xuất phát từ chính tình yêu, sự am tường và thấu hiểu đối với thiên nhiên, cây trồng của người chủ trang trại.
Tiến Hoàng