Phát triển bền vững: Hành trình xanh cần sự chung tay của cả cộng đồng

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên là những vấn đề cấp bách không chỉ đối với Việt Nam mà còn với toàn thế giới. Chúng không chỉ đe dọa sức khỏe cộng đồng mà còn tác động sâu rộng đến sự phát triển kinh tế và an ninh xã hội. Để đối phó với những thách thức này, phát triển bền vững đã trở thành một chiến lược quan trọng.

Chuyển mình vì tương lai: Phát triển bền vững tại Việt Nam

Tại Việt Nam, khái niệm phát triển bền vững không chỉ đơn giản là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn phải đảm bảo sự bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Khái niệm “phát triển bền vững” ngày càng được cụ thể hóa qua các chiến lược dài hạn. Trong hơn hai thập kỷ qua, Chính phủ đã lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững vào các chương trình hành động quốc gia, Trong Chương trình hành động quốc gia về phát triển bền vững giai đoạn 2012 - 2020, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã tham gia vào Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, cam kết đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là về bảo vệ môi trường, giảm nghèo và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng.

Một trong những chiến lược quan trọng của Việt Nam là phát triển các ngành công nghiệp xanh, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu ô nhiễm. Những nỗ lực này đã phần nào giúp Việt Nam giảm được lượng khí thải CO2 và gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng và giao thông vận tải. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp và đô thị lớn.

Cộng đồng - Trái tim của hành động môi trường

Một trong những yếu tố quyết định thành công của chiến lược phát triển bền vững chính là sự tham gia của cộng đồng. Ở nhiều địa phương, người dân không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là những người trực tiếp tạo ra sự thay đổi.

Tại Quảng Trị, Dự án bảo vệ rừng cộng đồng không chỉ giúp bảo vệ những khu rừng nguyên sinh quan trọng mà còn tạo công ăn việc làm bền vững cho hàng nghìn người dân địa phương. Các cộng đồng ở đây tham gia vào việc trồng rừng, bảo vệ động vật hoang dã, và đối phó với nạn phá rừng.

Các thành viên tổ tuần rừng ở thôn Tà Rùng, xã Húc, huyện Hướng Hóa, tuần tra bảo vệ rừng - Ảnh: Đ.V  
Các thành viên tổ tuần rừng ở thôn Tà Rùng, xã Húc, huyện Hướng Hóa, tuần tra bảo vệ rừng - Ảnh: Đ.V  

Đặc biệt, các chiến dịch bảo vệ môi trường ở các khu đô thị cũng đang ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Từ các chiến dịch "Làm sạch biển" đến các chương trình giảm thiểu rác thải nhựa, cộng đồng đã tham gia tích cực vào việc cải thiện môi trường sống của mình. Các tổ chức như GreenViet và WWF đã triển khai những chiến dịch mạnh mẽ ở các khu vực biển, giúp tăng cường nhận thức về bảo vệ đại dương và ngừng sử dụng nhựa dùng một lần.

Các đoàn viên thanh niên tham gia dọn rác, bảo vệ môi trường biển trong chương trình “Thanh niên hành động vì đại dương không rác nhựa”  
Các đoàn viên thanh niên tham gia dọn rác, bảo vệ môi trường biển trong chương trình “Thanh niên hành động vì đại dương không rác nhựa”  

Bên cạnh đó, những chiến dịch như "Hành động vì rừng" do các tổ chức phi chính phủ (NGO) phát động đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Các hoạt động này không chỉ nâng cao nhận thức mà còn góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại các bãi biển và khu vực rừng.

Doanh nghiệp xanh: Từ ý tưởng đến hành động thực tiễn

Doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường thông qua việc áp dụng các mô hình doanh nghiệp xanh.

Vinamilk, một trong những công ty tiên phong trong việc sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu rác thải. Vinamilk đã xây dựng các nhà máy sử dụng năng lượng mặt trời và xử lý nước thải sinh hoạt bằng công nghệ tiên tiến, đồng thời giảm thiểu lượng khí thải CO2 trong quá trình sản xuất. Công ty này cũng chú trọng đến việc giảm thiểu sử dụng nhựa trong bao bì sản phẩm và chuyển sang sử dụng các vật liệu dễ tái chế.

Không dừng lại ở đó, các doanh nghiệp còn kết hợp cùng tổ chức xã hội triển khai những chương trình hướng tới cộng đồng. Sáng kiến “Đổi vỏ hộp sữa lấy quà” do Vinamilk phối hợp cùng Tetra Pak và các đối tác tổ chức. Đây là một trong những chương trình tiên phong tại Việt Nam trong việc thúc đẩy tái chế vỏ hộp sữa – một loại rác thải thường bị bỏ sót trong hệ thống phân loại truyền thống.

Không chỉ mang lại hiệu quả rõ rệt về mặt môi trường, chương trình còn góp phần lan tỏa tư duy sống xanh và xây dựng thói quen phân loại rác tại nguồn – điều vốn còn xa lạ với nhiều người dân đô thị. Hàng trăm nghìn vỏ hộp sữa được gom lại, tái chế thành vật liệu xây dựng và đồ dùng công cộng, trong khi người dân, đặc biệt là trẻ em và phụ huynh, được giáo dục về phân loại rác ngay tại nguồn.

Một số công ty khác như Mascope (nhà sản xuất đồ gia dụng) cũng tham gia vào các hoạt động tái chế và sản xuất các sản phẩm từ nhựa tái chế. Những doanh nghiệp này không chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, và là hình mẫu cho các công ty khác trong việc áp dụng các phương thức sản xuất sạch hơn.

Mô hình "Doanh nghiệp xanh" đã và đang được nhiều công ty tại Việt Nam áp dụng, không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn nâng cao giá trị thương hiệu, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, những người ngày càng quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường.

Phát triển bền vững: Hành trình xanh cần sự chung tay của cả cộng đồng - Ảnh 1

Báo chí – Người đưa đò của nhận thức xanh

Không thể không nhắc đến vai trò của báo chí trong công cuộc phát triển bền vững. Là cầu nối giữa chính sách và người dân, truyền thông giúp chuyển tải thông tin môi trường một cách sinh động và dễ tiếp cận.

Các chiến dịch báo chí như Giờ Trái Đất, Chống rác thải nhựa, và Cứu sông Mekong đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề môi trường. Báo chí đã giúp đưa các thông tin, số liệu cụ thể về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và các giải pháp bảo vệ môi trường đến với công chúng một cách dễ tiếp cận. Chẳng hạn, các phóng sự điều tra của VTV về ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận và thúc đẩy các chính sách cải thiện chất lượng không khí. Lao Động, Tuổi Trẻ, và nhiều cơ quan báo chí khác đã phát động các chiến dịch truyền thông về bảo vệ môi trường, không chỉ cung cấp thông tin mà còn đưa ra các giải pháp cụ thể để giảm thiểu ô nhiễm.

Các chương trình truyền thông không chỉ giới hạn trong phạm vi trong nước mà còn lan tỏa ra quốc tế. Các chiến dịch bảo vệ môi trường do báo chí phát động như "Giờ Trái Đất" đã thu hút sự tham gia của hàng triệu người dân trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Chương trình đã kêu gọi người dân tiết kiệm điện năng, giảm thiểu khí thải và bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Đây là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của báo chí trong việc tạo ra các thay đổi tích cực trong cộng đồng.

Mặc dù các nỗ lực bảo vệ môi trường tại Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định, nhưng vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt. Các vấn đề như ô nhiễm không khí, rác thải nhựa, và quản lý tài nguyên thiên nhiên vẫn là những vấn đề nóng cần giải quyết. Để đối phó với các thách thức này, một giải pháp quan trọng là tăng cường giáo dục và tuyên truyền. Báo chí cần tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự thay đổi nhận thức trong cộng đồng về bảo vệ môi trường. Đồng thời, các chính sách phải được thực thi nghiêm ngặt hơn và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng.

Phát triển bền vững là mục tiêu lâu dài và thách thức lớn đối với Việt Nam. Tuy nhiên, với sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng, doanh nghiệp và báo chí, chúng ta có thể đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc bảo vệ môi trường không phải là nhiệm vụ của một cá nhân hay một tổ chức duy nhất, mà là của toàn xã hội. Báo chí, với vai trò tiên phong trong việc truyền tải thông tin, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động, sẽ tiếp tục là động lực quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

 

Lê Thị Thảo

Từ khóa: