Phát triển bền vững vùng chè Shan tuyết cổ thụ: Nâng cao giá trị kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa

Cây chè Shan tuyết cổ thụ từ lâu đã trở thành biểu tượng đặc trưng của các vùng núi phía Bắc Việt Nam. Không chỉ nổi tiếng với hương vị đậm đà, chè Shan tuyết còn mang giá trị văn hóa sâu sắc, là nguồn sống của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số. Thời gian qua, các địa phương đã triển khai nhiều chính sách và giải pháp nhằm phát triển bền vững các vùng chè Shan tuyết cổ thụ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và bảo tồn di sản quý giá này.

Cây chè Shan tuyết mọc chủ yếu trên các triền núi cao, nhiều vùng chè Shan tuyết cổ thụ đã có từ lâu đời và gắn bó với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái. Tổng diện tích chè Shan tuyết trên toàn tỉnh hiện có đạt khoảng 3.500ha, tập trung ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Căng Chải, Văn Yên và dải rác trên một số ngọn núi cao của huyện Trấn Yên.

Phát triển bền vững vùng chè Shan tuyết cổ thụ: Nâng cao giá trị kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa - Ảnh 1

Tỉnh Yên Bái xác định cây chè là một trong những sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế. Việc bảo tồn và phát triển bền vững cây chè Shan tuyết được coi là yếu tố quan trọng để không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung vào việc xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết Suối Giàng, một loại chè có chất lượng cao và hương vị đặc biệt, nhằm nâng cao giá trị kinh tế và bảo vệ nguồn lợi từ chè Shan tuyết.

Cây chè Shan tuyết đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Suối Giàng Văn Chấn” cho sản phẩm chè Shan tuyết từ cuối năm 2022. Bên cạnh những vùng chè Shan tuyết nổi tiếng đã được cấp chỉ dẫn địa lý, tỉnh Yên Bái còn phát hiện nhiều vùng chè Shan tuyết cổ, tiêu biểu như: quần thể chè Shan tuyết cổ thụ tại bản Khe Loong 1, xã Kiên Thành, huyện Văn Yên...

Cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị trên diện tích chè Shan tuyết cổ thụ đã có thì việc mở rộng diện tích chè Shan tập trung, áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại là hướng đi phù hợp, mang lại hiệu quả cao của tỉnh Yên Bái trong những năm vừa qua.

Ông Đinh Văn Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Văn Chấn, cho biết bên cạnh việc bảo tồn, phục tráng ít nhất 10ha chè Shan tuyết cổ mỗi năm, huyện Văn Chấn đã xây dựng vườn ươm, nhân giống và tổ chức trồng mới trên 100ha mỗi năm để bảo đảm gìn giữ và phát huy nguồn gen quý của chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng.

Hướng dẫn người dân về cách trồng, chăm sóc, thu hái chè Shan theo quy trình sạch, hữu cơ đã và đang mở ra cơ hội lớn phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc vùng cao trong huyện. Tỉnh Yên Bái đẩy mạnh việc áp dụng các mô hình sản xuất chè hữu cơ và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Nhờ những nỗ lực này, sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng đã được xuất khẩu ra thế giới, khẳng định được chất lượng và giá trị của mình.

Là một trong những địa phương nằm trong khu vực vùng cao Đông Bắc, Hà Giang là tỉnh có diện tích chè Shan tuyết cổ thụ lớn nhất cả nước (chiếm tỷ lệ 70% trong tổng diện tích đất trồng chè gần 20.400 ha của tỉnh Hà Giang).

Vùng chè Shan tập trung chủ yếu ở Huyện Hoàng Su Phì với 4.658 ha, diện tích cho thu hoạch 3.589,7 ha, năng suất đạt 39,0 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 14.000 tấn/năm. Doanh thu hàng năm từ chè búp tươi đạt khoảng 210 tỷ đồng. Dù vậy, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh sản phẩm chè nơi đây chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Phát triển bền vững vùng chè Shan tuyết cổ thụ: Nâng cao giá trị kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa - Ảnh 2

Gắn liền với việc khai thác, nâng cao giá trị kinh tế và nâng tầm thương hiệu, Hà Giang cũng chú trọng bảo tồn cây chè di sản. Tỉnh Hà Giang có vùng chè 1.629 cây đã được công nhận là Cây Di sản, trong đó riêng năm 2022 có 1.324 cây được công nhận. Hà Giang cũng là tỉnh có số lượng cây chè shan tuyết cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam nhiều nhất cả nước.

Để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà, huyện Hoàng Su Phì đã tổ chức tập huấn trồng, chăm sóc, thu hái và sơ chế chè cho hộ nông dân trồng chè, nâng cao kỹ thuật trong chăm sóc thu hái cho các hộ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ với trên 2.700 hộ tham gia; phối hợp với Hội Nông dân huyện thành lập và duy trì hoạt động các nhóm sở thích trồng chè, sơ chế, chế biến chè tại 4 xã Nậm Ty (4 nhóm), Túng Sán (4 nhóm), Hồ Thầu (2 nhóm), Sán Sả Hồ (1 nhóm).

Cây chè vốn là cây trồng thế mạnh của huyện Hoàng Su Phì và được đưa vào danh mục đầu tiên của cây trồng trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện này. Sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ của huyện đã sản xuất đa dạng các loại chè (hồng trà, bạch trà, bột trà, trà phổ nhĩ…) và dần tạo được thương hiệu trên các thị trường trong và ngoài nước. Tháng 8 năm 2018 Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2835/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00069 cho sản phẩm chè Shan tuyết “Hà Giang”. Sản xuất chè góp phần phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững.

Phát huy hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận chè Hoàng Su Phì, chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang, huyện Hoàng Su Phì đã xây dựng các chương trình nhằm nâng cao giá trị và thương hiệu chè Hoàng Su Phì. Đến nay, huyện đã ban hành quyết định thành lập Hội chè Hoàng Su Phì, phát triển chè thành sản phẩm OCOP với 12 sản phẩm chè các loại của 6 Hợp tác xã/Cơ sở chế biến. Qua chấm điểm các sản phẩm đều đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ đạt 5 sao được tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.

Tại Sơn La, huyện Tà Xùa đã trở thành một điểm sáng trong phát triển chè Shan tuyết. Với đề án phục tráng vùng chè Shan tuyết Tà Xùa, địa phương này không chỉ bảo tồn giống chè cổ thụ mà còn tập trung vào việc quy hoạch, cải tạo diện tích chè hiện có và xây dựng thương hiệu chè đặc sản Tà Xùa. Chè Shan tuyết Tà Xùa đã được nhiều người biết đến nhờ vào chất lượng vượt trội và hương vị đặc biệt. Các sản phẩm chè Shan tuyết tại Sơn La được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho địa phương và bảo tồn giống chè quý.

Những nỗ lực trong việc phát triển bền vững vùng chè Shan tuyết cổ thụ tại các tỉnh miền núi phía Bắc không chỉ giúp bảo tồn di sản tự nhiên mà còn tạo ra cơ hội phát triển kinh tế cho cộng đồng dân tộc thiểu số. Việc ứng dụng các mô hình sản xuất hữu cơ, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu quốc tế cho chè Shan tuyết sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và bảo vệ môi trường, tạo ra một nền nông nghiệp bền vững.