Bệnh phồng lá chè
Bệnh gây nhiều tác hại nghiêm trọng đến cây chè như: Gây chết cành non, lá non; cây chè bị bệnh hồi phục chậm, sau khi bị nhiễm bệnh 2 tháng vẫn có thể không thu hoạch được; búp chè bị bệnh có màu đen không chỉ làm giảm năng suất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến phẩm chất (thường có vị đắng không đúng phẩm chất cần thiết).
Ban đầu vết bệnh là các đốm nhỏ màu da cam hoặc đỏ lợt trong suốt, vết bệnh bóng lên bất thường. Sau đó vết bệnh lớn dần, mặt trên lõm xuống, mặt dưới phồng lên, trên vết bệnh phủ một lớp phấn màu trắng. Cuối cùng vết bệnh chuyển sang màu nâu,vết phồng khô xẹp xuống.
Điều kiện phát triển: Bệnh phát triển thuận lợi trong điều kiện mát, nhiệt độ trung bình 15-20oC và ẩm độ >85%. Nhiệt độ <11oC hay >25oC nấm ngừng phát triển. Bệnh thường phát sinh nhiều ở những vùng có độ cao từ 600-700m so với mặt biển vì những vùng này có nhiệt độ thấp, cường độ ánh sáng yếu, số giờ chiếu sáng thấp.
Bệnh thối búp chè (do nấm Colletotrichum thaee sinensis)
Bào tử nấm không màu hình hạt đậu được sinh ra từ vết bệnh lan truyền theo gió đến các búp chè khác. Bào tử nấm bám trên búp hay lá ướt, nảy mầm thành các tơ nấm trắng tấn công mô tế bào.
Vết bệnh đầu tiên chỉ là các chấm nhỏ màu đen về sau phát triển nhanh và rộng (có thể rộng 2cm) khiến các lá non, cành non và búp chè trở nên có màu đen và rụng.
Bệnh nặng có thể làm cho cây chè bị khô lá, rụng hết lá và búp không thể thu hoạch được. Khác với bệnh chết cành, bệnh không lan tới các cành già ở dưới mà bệnh thối búp thường dừng lại ở phần vỏ nâu của cành
Điều kiện phát triển: Bệnh lan truyền nhờ gió, mưa, tàn dư cây bệnh. Bệnh thường gây hại nhiều trong các tháng mùa mưa từ tháng 5-10, ít gây hại trong mùa khô.
Bệnh tắc rễ
Cây chuyển vàng, cành khô, lá úa vàng, xuất hiện các sợi giống như sợi tóc trên thân, cành thường, từ dưới đất lên, cây chè chết từng chòm nếu bị bệnh nặng là những triệu chứng cây chè gặp phải khi mắc bệnh tắc rễ.
Nấm gây bệnh Marasmius equicrinis, sợi nấm bện vào nhau tạo thành sợi đen, cứng như lông ngựa. Người ta gọi đó là bệnh tóc đen. Các sợi nấm này leo từ cành này sang cành khác và từ cây này sang cây khác.
Điều kiện phát triển: Nấm gây bệnh phổ biến trong mùa mưa. Thời tiết nóng và ẩm thuận lợi cho bệnh phát triển. Xác hữu cơ chưa hoai mục thuận lợi cho bệnh phát triển.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, để phòng trừ dịch hại, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên chăm sóc nương chè, làm sạch cỏ dại, tỉa bớt cành cây che bóng tạo độ thông thoáng cho nương chè; bón cân đối phân đạm, lân, kali, có thể tăng cường thêm phân kali để tăng sức chống bệnh cho cây chè, đặc biệt là vào mùa đông.
Đối với những nương chè hoặc những vườn ươm giống chè xuất hiện bệnh phồng lá phải ngừng bón phân hóa học, xử lý bằng một trong các loại thuốc hóa học như Manage 5WP, Starsuper 20WWP, Diboxylin 4SL… phun 2 lần, cách nhau 7 đến 10 ngày, phun khi trời khô ráo, khuyến cáo người trồng chè chỉ sử dụng các loại thuốc trong danh mục được phép sử dụng khi thực sự cần thiết. Tuyệt đối không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vì sẽ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây chè và sức khỏe con người, môi trường. Những nương chè bị bệnh nặng cần áp dụng biện pháp đốn đau hoặc đốn phớt. Sau đốn phải thu dọn sạch cành, lá chè đem đốt hoặc chôn sâu để tiêu diệt nguồn bệnh… Đồng thời, cán bộ khuyến nông chủ động hướng dẫn người dân tăng cường kiểm tra, phân loại các nương chè để phát hiện sớm những diện tích nhiễm bệnh.
Văn Chung (t/h)