Phú Thọ: Khởi sắc làng nghề chè Ngọc Đồng

Thục Luyện là một xã nằm ở vùng hạ của huyện Thanh Sơn có diện tích tự nhiên là 2.551,8 ha. Xã có quốc lộ 32A, tỉnh lộ 316, 317, 322 chạy qua. Dân số 5203 người với 1362 hộ, có 12 khu hành chính. Xã có 6 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 38%. Nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp với nhiều loại cây trồng, trong đó chè là cây công nghiệp chủ lực của địa phương.

Từ khoảng những năm 1970 - 1980, cây chè được trồng rải rác ở các đồi Gò Cũ, Ngọc Đồng. Đến năm 1980 cây chè được trồng nhiều tại đồi Ba Đà, Đầm Biên và tại vườn của các hộ dân trong làng Ngọc Đồng, xã Thục Luyện. Thời điểm đó, nhân dân ở Ngọc Đồng thường hái chè bằng tay, xao chè bằng chảo thủ công nên hiệu quả kinh tế không cao.

Đến năm 1995, ông An Văn Tiếp, một nghệ nhân giỏi làm chè lúc bấy giờ ở Ngọc Đồng cùng với một số hộ dân khác đi học hỏi kinh nghiệm tại một số địa phương như Ba Vì (Hà Nội), Tuyên Quang, mua về những chiếc thùng quay chè đầu tiên để chế biến búp chè tươi sang chè khô. Từ đó, người dân trong làng tự học hỏi lẫn nhau, cách chế biến chè từ những chiếc thùng quay chè ngày càng lan rộng.

Ông An Văn Tiếp - khu Ngọc Đồng (xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn) chăm sóc đồi chè của gia đình.
Ông An Văn Tiếp - khu Ngọc Đồng (xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn) chăm sóc đồi chè của gia đình.

Nhận thức được giá trị kinh tế từ cây chè là cây công nghiệp dài ngày, trồng một lần sẽ cho thu hoạch khoảng 30 - 40 năm, nhân dân Ngọc Đồng đã tập trung vào phát triển cây chè, bà con đã lựa chọn giống chè đen, chè xanh, chè bát tiên, là những giống chè phù hợp với đất đồi dốc thoai thoải, có mạch nước ngầm, đất đỏ tơi xốp, PH 4 - 6 như ở Ngọc Đồng.

Theo kinh nghiệm của ông An Văn Tiếp, cây chè tán nhỏ thì trồng dày, tán lớn thì trồng thưa, đất có độ dốc lớn thì trồng dày, đất có độ dốc nhỏ thì trồng vừa phải, trồng chè phải đầu tư phân bón, nước tưới. Người dân Ngọc Đồng trồng chè theo phương pháp dâm cành, sau khi trồng, người dân thường dự trữ một lượng giống chè để trồng dặm bằng 10% số cây đã trồng. Thời gian trồng dặm vào tháng 8 - 9 và tháng 2 - 3, chọn ngày râm mát, đất đủ ẩm để trồng. Đến giai đoạn chè phát triển, nhân dân tiến hành làm cỏ vụ xuân, xới sạch toàn bộ diện tích 1 lần/vụ, mỗi năm xới gốc 2 - 3 lần. Đồng thời, phun thuốc trừ sâu loại trừ sâu bọ theo đúng liều lượng.

Búp chè là sản phẩm cuối cùng của trồng trọt, là nguyên liệu khởi đầu cho quá trình chế biến, do vậy, số lượng và năng suất búp rất quan trọng. Người dân Ngọc Đồng tìm hiểu rất kỹ về kỹ thuật hái chè để làm tăng năng suất chất lượng sản phẩm, để cây chè sinh trưởng khỏe, bền vững.

Đảng ủy và chính quyền địa phương đã chú trọng chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng bằng hình thức chuyển các loại cây ăn quả, cây màu cho năng suất thấp, ít hiệu quả kinh tế sang trồng chè cho năng suất cao và chất lượng tốt hơn. Đưa khoa học kỹ thuật vào áp dụng cho chăm sóc chế biến, sản xuất chè sạch an toàn. Làng Ngọc Đồng được UBND tỉnh công nhận là làng nghề chè năm 2011.

Hiện nay, khu Ngọc Đồng có 96 hộ gia đình làm nghề chè, toàn xã có gần 400 ha chè đang thu hái, năng suất bình quân 98 tạ/ha, nguồn thu nhập chính của người dân là cây chè và cây lúa, nhưng cây chè là cây trọng điểm để phát triển nền kinh tế địa phương và giảm nghèo của người dân. Cây chè đã tạo nên một vùng lao động ổn định và thu nhập cao (trung bình gần 2 triệu đồng/tháng). Từ những sản phẩm làm ra chưa đạt tiêu chuẩn, nay sản phẩm đã được tiêu thụ trên khắp các thị trường, được nhiều nơi biết đến.

Nghề chè Ngọc Đồng hình thành và phát triển trong những năm qua, ngoài việc mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, cũng giúp chính quyền địa phương có cái nhìn mới trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Ngoài Làng nghề chè Ngọc Đồng, xã Thục Luyện còn có làng nghề chè truyền thống Đồng Lão, hiện toàn xã có 10 nghệ nhân làm chè tiêu biểu như ông Hà Thanh Quảng (sinh năm 1982), trưởng làng nghề chè Ngọc Đồng.

Ông Quảng chia sẻ kinh nghiệm: "Chè là cây công nghiệp dễ trồng, dễ chăm sóc mà lại sức sống vô cùng mãnh liệt. Giống chè rất đa dạng, tuỳ thuộc vào từng loại chè mà người ta có cách chăm sóc và thu hái khác nhau nhưng đều đạt tiêu chuẩn về hình thể búp “Một tôm hai lá”, chè được hái sau khi tan sương vào buổi sáng, không được hái chè vào những lúc nắng gắt, ngày mưa để đảm bảo chất lượng chè nguyên liệu khi chế biến. Để có được một ấm trà ngon cũng phải rất kỳ công ngay từ khâu chăm sóc cho đến khi chế biến ra sản phẩm cuối cùng."

Chè Ngọc Đồng đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây, để bảo tồn và phát huy hiệu quả làng nghề, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã chỉ đạo Đảng ủy, chính quyền xã Thục Luyện cần chú trọng một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp về mục tiêu, nhiệm vụ, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển làng nghề, nhằm làm chuyển biến nhận thức của nhân dân về phát triển các làng nghề. Chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, chất lượng hàng hóa, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để tiến đến một nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời khuyến khích các nghệ nhân tích cực truyền dạy nghề cho thế hệ sau góp phần xây dựng thương hiệu chè Ngọc Đồng ngày càng vững chắc trên thị trường.

Sơn Thủy