Phú Thọ: Người dân xã Long Cốc trồng chè phát triển kinh tế trong mùa dịch COVID-19

Long Cốc là xã khu vực II thuộc huyện miền núi Tân Sơn với đa số đồng bào dân tộc Mường sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng và chế biến chè. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã là 201/830 hộ, chiếm 24,21%.

Xác định chè là cây mũi nhọn, Long Cốc phấn đấu mở rộng diện tích chè, nâng cao thu nhập cho người dân.
Xác định chè là cây mũi nhọn, Long Cốc phấn đấu mở rộng diện tích chè, nâng cao thu nhập cho người dân.

Để từng bước khắc phục những khó khăn trên, Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế hướng tới giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững. Ban chấp hành đảng bộ đã đề ra một số giải pháp nhằm chỉ đạo sản xuất đạt kết quả như: Tập trung phát triển diện tích cây chè, cây sơn và cây nguyên liệu giấy; phát triển đàn gia súc, gia cầm; đưa cây lúa lai vào đồng ruộng đạt trên 70% diện tích... phân công cán bộ phụ trách chỉ đạo công tác sản xuất ở khu dân cư; phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi, phòng chống lụt bão; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Theo định hướng của đảng bộ, chính quyền xã, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nên năng suất sản lượng thu hoạch của lúa, ngô, sắn đều đạt và vượt kế hoạch.

Trong những năm gần đây, nhờ thay đổi trong phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng nên sản phẩm chè của Long Cốc đã thực sự giúp đồng bào nơi đây thoát nghèo. Hiện nay xã đã có hơn 692ha chè, trong đó 657ha chè đang cho thu hoạch với năng suất 14,25 tấn/ha. Cây chè mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho người dân địa phương. Người lao động khi sản xuất và chế biến chè mỗi tháng có thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 8,22% (năm 2020).

Với trên 70% diện tích đất lâm nghiệp nhưng chủ yếu lại do Công ty lâm nghiệp Xuân Đài quản lý; trong khi đất lúa, diện tích nuôi trồng thủy sản ít. Vì vậy, đảng bộ xã chỉ đạo nâng cao năng suất lúa và các cây có hạt để đảm bảo an ninh lương thực. 5 năm qua, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của xã là 257ha, diện tích lúa nước là 202ha.

Bà con trong xã đã tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đưa tỷ lệ giống cây, con chất lượng cao vào sản xuất như: LDP1, LDP2, Bát tiên, Shan tuyết, thay thế những giống cũ năng suất thấp. Đến nay diện tích chè của toàn xã là 410ha, năng suất bình quân 14 tấn/1ha, sản lượng hơn 5.000 tấn/năm mang lại nguồn thu ổn định cho nhân dân. Để giải phóng sức lao động, nhân dân đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất; đồng thời xây dựng mô hình trồng chè năng suất, chất lượng cao, chăn nuôi thỏ thương phẩm; bảo tồn và phát triển gà nhiều cựa, lợn rừng lai...

Trên địa bàn xã hiện có 21 hộ có máy sơ chế chè và 5 hộ sản xuất và chế biến gỗ, các hộ kinh doanh hoạt động hiệu quả. Cùng với phát triển cây chè, xã Long Cốc còn đẩy mạnh trồng cây nguyên liệu giấy, chủ yếu là keo lai, nâng độ che phủ của rừng đạt 74,3%, ngoài ra xã đưa vào trồng thử nghiệm cây sơn lấy nhựa với diện tích khoảng 16,7ha, tập trung ở xóm Nhội, Cạn đang cho thu hoạch.

Chị Phạm Thị Hạnh - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất chè an toàn xã Long Cốc đóng gói sản phẩm chè an toàn của HTX. Từ nguồn vốn vay chương trình hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo, làm Giám đốc HTX và đang bao tiêu cho 24/40ha chè của 12 thành viên sản xuất chè giá trị cao, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng .

Trao đổi với ông Hoàng Văn Dũng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Sơn đánh giá, việc thúc đẩy liên kết để thành lập các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ là một trong những động lực giúp cây chè phát huy hiệu quả kinh tế bền vững trên địa bàn xã Long Cốc.

Đến nay, trên 95% diện tích chè xã Long Cốc được trồng và chăm sóc theo quy trình sản xuất VietGAP, an toàn sinh thái. Mỗi sản phẩm chè trước khi đưa ra thị trường đều được đóng gói theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem nhãn hàng và tem điện tử truy xuất nguồn gốc.

Ðồi chè Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ phát triển cây chè gắn liền với du lịch.
Ðồi chè Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ phát triển cây chè gắn liền với du lịch.

Theo đại diện UBND xã Long Cốc, nhằm phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng, những năm qua, xã đã nỗ lực thay đổi nhận thức, cách làm du lịch của người dân để vùng chè có thể thu hút nhiều hơn du khách, cũng như tìm đầu ra, quảng bá sản phẩm chè sạch an toàn đến với người tiêu dùng.

Cùng với phát triển kinh tế, xã Long Cốc còn đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư gắn với chương trình xây dựng NTM, ngăn chặn và đẩy lùi các tai tệ nạn xã hội. Trong quá trình xây dựng các công trình hạ tầng xây dựng NTM, nhân dân trong xã đã hiến hàng ngàn m2 đất, đóng góp hàng trăm nghìn ngày công lao động khiến cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống khoảng 14%.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Sơn Thủy