Phục hồi cây chè sau ngập úng

Ngập úng là một vấn đề nghiêm trọng mà nhiều vùng trồng chè đang phải đối mặt sau lũ. Khi cây chè bị ngập úng, khả năng sinh trưởng và năng suất của chúng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, với những biện pháp và chiến lược phục hồi đúng đắn, việc khôi phục sức khỏe của cây chè là hoàn toàn khả thi.

Trận lũ vừa qua để lại hậu quả nặng nề cho người dân vùng ngập lũ tại các tỉnh thành trên cả nước, trong đó có bà con trồng chè công nghiệp. Nhiều diện tích chè bị ngập nước, hư hỏng. Trung bình phải mất 5 -6 năm trồng và chăm bón cẩn thận, mới có được ruộng chè tốt, tán có độ che phủ rộng, cho cắt búp đều đặn 5 - 6 lần/năm. Tuy nhiên, sau trận lũ vừa qua, những diện tích chè bị ngập trong nước lũ đều bị thiệt hại nặng nề, phải mất vài năm sau mới khôi phục được.

Phục hồi cây chè sau ngập úng  - Ảnh 1

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, khi bị ngập úng kéo dài cây chè bị suy kiệt là vì đất bị bão hòa nước, gây thiếu oxy vùng rễ. Sau khi nước rút thường tạo lớp váng bề mặt dày làm cho ô xy trong không khí không thể khuếch tán vào đất, rễ cây không thể lấy ôxy để hô hấp, cây trồng gặp khó khăn khi thực hiện quá trình trao đổi khí và hấp thụ các dưỡng chất. Ở điều kiện ngập nước kéo dài cây chè phải hô hấp yếm khí, sinh ra các chất độc hại đối với lông hút của rễ. Các lông hút trên rễ sẽ bị chết, không còn lấy được nước và các chất dinh dưỡng. Những nguyên nhân trên làm cho cây chè không thể hấp thu dinh dưỡng qua đường rễ và quang hợp qua đường lá để chuyển hóa dinh dưỡng nuôi cây. Biểu hiện của cây chè sau khi bị ngập úng là: Lá có màu xanh nhạt hoặc lá bị vàng úa, chồi non chậm phát triển, biểu hiện tăng thêm là rụng lá, kể cả lá non, và càng nặng hơn là toàn cây bị héo rũ và chết.

Khi nước vừa mới rút cây chè đang trong tình trạng yếu, cây chưa hồi phục tuyệt đối không được bón phân. Việc đầu tiên là phải tạo mọi điều kiện để thoát hết nước trong vườn cây, vườn nào thấp dễ đọng nước cần khai thông mương, đánh rãnh để nước rút xuống càng nhanh càng tốt.

Tiếp theo, bà con nông dân nên cắt tỉa các cành yếu, cành vượt, cành la để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng. Khi nước rút hoàn toàn, lưu ý không nên làm gì cả cho đến khi đất khô, không dẫm đạp nhiều làm ảnh hưởng đến hệ thống rễ của cây, làm cho cây bị ngạt khí và có thể chết. 

Khi đất khô, tiến hành phá váng (lớp bùn mặt) bằng cách dùng cào, cào nhẹ lớp đất bề mặt vừa khô, nứt nẻ để không khí đi xuống dưới dễ dàng, nhằm cung cấp ô xy cho rễ hô hấp tốt.

Sau khi cây chè phục hồi hoàn toàn, tiến hành bón bổ sung (bón nhẹ) phân NPK kết hợp trung vi lượng; chú ý theo dõi nấm bệnh hại lá nếu thấy xuất hiện thì cần phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu được phép sử dụng trên chè.

Không những thế, bà con cần theo dõi sự phát triển của cây chè sau khi áp dụng các biện pháp phục hồi. Kiểm tra thường xuyên tình trạng cây, đất trồng và các vấn đề tiềm ẩn để điều chỉnh chiến lược phục hồi khi cần thiết. Việc theo dõi liên tục giúp kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo cây chè phục hồi hiệu quả.

Phục hồi cây chè sau bão lũ là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và chăm sóc cẩn thận. Bằng cách cải thiện hệ thống thoát nước, xử lý đất trồng, cắt tỉa cây, bổ sung dinh dưỡng và quản lý tưới tiêu hợp lý, bạn có thể giúp cây chè phục hồi sức khỏe và năng suất. Việc áp dụng những biện pháp này một cách đồng bộ và hiệu quả sẽ giúp cây chè vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục phát triển trong tương lai.

Hương Trà

Từ khóa: