Phúc Trìu nâng cao giá trị cây chè

Xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên) có gần 400ha chè, chiếm khoảng 1/4 tổng diện tích chè của TP. Thái Nguyên. Xác định chè là cây trồng chủ lực của địa phương, Phúc Trìu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Xã Phúc Trìu, thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, có độ cao vừa phải và khí hậu nhiệt đới khô, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cây chè. Với hơn 400ha diện tích trồng chè, chiếm gần 1/4 tổng diện tích chè của thành phố Thái Nguyên, Phúc Trìu khẳng định vai trò quan trọng của cây chè trong nền kinh tế địa phương. Đất đai ở đây có độ thấm nước tốt và giàu chất dinh dưỡng, phù hợp điều kiện sinh trưởng của cây chè, mang lại sản phẩm chè chất lượng cao. Xác định chè là cây trồng chủ lực của địa phương, thời gian qua xã Phúc Trìu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Tỉnh Thái Nguyênkhuyến khích bà con trồng mới, trồng thay thế các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao như: LDP1, Kim Tuyên, Thúy Ngọc... Ảnh minh họa
Tỉnh Thái Nguyên khuyến khích bà con trồng mới, trồng thay thế các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao như: LDP1, Kim Tuyên, Thúy Ngọc... Ảnh minh họa

Trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm chè, xã Phúc Trìu đã áp dụng nhiều giải pháp hiệu quả. Đầu tiên là việc khuyến khích người dân sử dụng các giống chè cành như LDP1, TRI777, Kim Tuyên có năng suất cao để thay thế diện tích chè đã cũ kỹ. Đồng thời, địa phương cũng đã tăng cường hợp tác với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và thành phố để triển khai các khoá đào tạo và chuyển giao công nghệ, hướng dẫn các tổ chức xã hội liên kết với ngân hàng để hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế cho người dân.

Hiện nay, hầu hết diện tích trồng chè tại Phúc Trìu đều tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn như VietGAP và hữu cơ. Quy trình sản xuất từ trồng, chăm sóc đến chế biến và đóng gói được người dân thực hiện và kiểm soát một cách cẩn thận. Nhờ vào những nỗ lực này, giá trị của sản phẩm chè tại địa phương ngày càng tăng cao, dao động từ 500 nghìn đồng đến 3 triệu đồng mỗi kilogram chè búp khô.

Để nâng cao giá trị sản phẩm, xã Phúc Trìu đã dẫn đầu trong việc hướng dẫn và khuyến khích người dân tạo liên kết chuỗi sản xuất từ trồng trọt đến chế biến, đồng thời liên kết cây chè với phát triển du lịch. Hiện nay, có hơn 10 doanh nghiệp và HTX trong và ngoài địa phương đã thiết lập hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ dân. Nhiều hộ dân cũng đã phát triển mô hình du lịch trải nghiệm nhằm giới thiệu và quảng bá sản phẩm chè đặc sản của địa phương.

Gia đình ông Ngô Trung Thái tại xóm Khuôn, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong trồng chè, đã quy hoạch toàn bộ diện tích hơn 10.000m2 chè theo hướng gắn liền với du lịch trải nghiệm. Ông Thái cho biết,ông đã tính toán và triển khai xây dựng đường đi vòng quanh nương chè, cung cấp các điểm dừng chân cho du khách thưởng trà và trải nghiệm các hoạt động như thu hái, chăm sóc và sao sấy chè. Kế hoạch này đã hoàn thành khoảng 70%, dự kiến sẽ hoàn thiện toàn bộ các tuyến đường trong vòng 1-2 năm tới.

Hợp tác xã (HTX) chè Thủy Thuật, đặt tại xóm Phúc Thành, xã Phúc Trìu, là một trong những đơn vị tiên phong của tỉnh Thái Nguyên được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, với diện tích trồng chè 5ha. Chị Phạm Thị Thủy, Giám đốc HTX, cho biết rằng theo quy trình hữu cơ, mặc dù năng suất không cao hơn so với sản xuất thông thường, nhưng chất lượng sản phẩm được cải thiện đáng kể, làm tăng niềm tin của khách hàng. Đặc biệt, với 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 và 4 sao, HTX đã khẳng định được thương hiệu và thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Mỗi tháng, HTX xuất bán ra thị trường khoảng 1 tấn chè búp khô, đem về doanh thu 600-700 triệu đồng, tăng 20% so với sản xuất trước khi chuyển sang tiêu chuẩn hữu cơ.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBDN xã, cho biết: Ở xã Phúc Trìu, với địa hình bán sơn địa và nhiều đồi núi xanh mướt, là một điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch. Chính quyền địa phương đã định hướng và khuyến khích mô hình kết hợp nông nghiệp với du lịch cộng đồng, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân, các tổ hợp tác và hợp tác xã như HTX Hương Vân Trà và HTX trà Sơn Dung.

Nhờ vào sự quan tâm đặc biệt và triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy cây trồng chủ lực, đời sống của người dân tại Phúc Trìu ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người tại xã đã đạt gần 60 triệu đồng/người/năm, tăng 15 triệu đồng so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 0,45%, hộ cận nghèo giảm xuống còn 2,55%. Giá trị thu nhập từ sản phẩm chè đạt 550 triệu đồng/ha/năm, cho thấy sự thành công trong việc khai thác tiềm năng kinh tế và du lịch của địa phương.

Tâm Ngọc

Từ khóa: