Quần thể chè Shan tuyết ở xã Tô Múa được công nhận cây di sản

UBND huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức Lễ đón Bằng Công nhận Cây Di sản Việt Nam cho quần thể 100 cây chè cổ thụ bản Pà Ngùa và bản Cho Đáy (xã Tô Múa, huyện Vân Hồ).

Xã Tô Múa hiện có trên 2.000 cây chè cổ thụ tuổi đời trên 200 tuổi, thân cây xù xì, mốc meo. Chè cổ thụ Tô Múa là giống chè Shan tuyết cao từ 2 - 3m, có búp to màu trắng xám, nước chè có mùi thơm dịu, sánh màu mật ong. 

Đầu năm 2022, đoàn công tác của Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã đến xã Tô Múa để khảo sát, đánh giá cây chè cổ thụ và đã lựa chọn 100 cây đủ điều kiện công nhận “Cây Di sản Việt Nam”, số cây còn lại được đưa vào tổng thể vùng cây chè cổ thụ cần được gìn giữ, bảo tồn.

Đầu năm 2022, đoàn công tác của Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã đến xã Tô Múa để khảo sát, đánh giá cây chè cổ thụ để công nhận Cây Di sản Việt Nam
Đầu năm 2022, đoàn công tác của Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã đến xã Tô Múa để khảo sát, đánh giá cây chè cổ thụ để công nhận Cây Di sản Việt Nam

Qua đánh giá, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam nhận định vùng chè cổ thụ ở Tô Múa là cả một quần thể đẹp, ngoài thu hoạch búp chè, nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, đúng cách sẽ là điểm du lịch sinh thái để mọi người có thể đến chiêm ngưỡng những cây chè cổ thụ này.

Tại Lễ công nhận, huyện Vân Hồ, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đề nghị xã Tô Múa và nhân dân 2 bản Pàn Ngùa, Cho Đáy bổ sung vào hương ước, quy ước của các bản để tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư về giá trị nhân văn của cây chè, ý nghĩa của việc bảo vệ cây chè di sản. 

Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho lãnh đạo địa phương
Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho lãnh đạo địa phương

Phối hợp với Công ty Cổ phần chè Hưng Phát bàn các giải pháp phát triển bền vững cây chè cổ thụ theo hướng xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị; đầu tư hệ thống dây chuyền, công nghệ mới để sản xuất, chế biến sản phẩm có sức cạnh tranh với thị trường hiện nay, tạo thương hiệu cho sản phẩm chè cổ đặc trưng của địa phương.

Việc công nhận Cây di sản Việt Nam là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, vinh danh những giá trị độc đáo, tiêu biểu về cảnh quan môi trường sinh thái ở Tô Múa; góp phần tuyên truyền, quảng bá những giá trị của cây xanh. nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường, thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị cây chè của người dân trên địa bàn.

Hương Trà