Quần thể nhà thờ đá Phát Diệm rộng 22ha nằm trên địa bàn huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cách Hà Nội 120km về phía Nam. Quần thể kiến trúc này được linh mục Phê-rô Trần Lục - linh mục chính xứ Phát Diệm lúc bấy giờ (tên thật là Trần Thiêm, thường gọi là cụ Sáu - sinh năm 1825, qua đời năm 1899) thiết kế và chủ trì xây dựng. Sớm được tiếp cận với nền văn hóa công giáo Phương Tây nên cụ Sáu đã thiết kế nên một công trình tuyệt vời với sự kết hợp Đông - Tây hài hòa. Quần thể nhà thờ đá Phát Diệm được xây dựng trong 34 năm, từ năm 1875 đến năm 1898 thì hoàn thành xong cơ bản. Quần thể gồm 1 nhà thờ lớn, 5 nhà thờ nhỏ, phương đình, ao hồ và 3 hang đá nhân tạo được xây dựng hoàn toàn bằng thủ công với vật liệu chính là đá phiến và gỗ lim được vận chuyển từ nơi khác về bằng đường thủy và đường bộ.
Phương đình
Điểm nhấn quy mô nhất của quần thể này là phương đình (tháp chuông) được dựng lên từ những phiến đá lớn, kết cấu tam quan 3 tầng thường thấy trong kiến trúc đình chùa của người Việt. Tầng dưới cùng có 3 lòng xây dựng bằng đá xanh trong mỗi lòng có một sập đá nguyên khối lớn, phía trên là những vòm đá tượng trưng cho vòm trời, trong mỗi lòng đều được chạm khắc những bức phù điêu mang hình ảnh Chúa Jesus và các vị thánh.
Trên tầng 2 đặt một chiếc trống lớn. Tầng ba là nơi treo một quả chuông với chiều cao 1.4m, đường kính 1.1m và nặng gần 2.000kg, tiếng chuông vang xa được ví như cả ba tỉnh Nam Định, Thái Bình và Thanh Hóa đều nghe thấy. Trên thân chuông có 4 nút tượng trưng cho 4 mùa trong năm và được đánh bằng dùi gỗ theo mùa thể hiện sự kết hợp văn hóa giữa phương Đông và phương Tây.
Phía trước phương đình là ao hồ, ở giữa có một hòn đảo nhỏ đặt tượng chúa Jesus dang rộng cánh tay, dạo xung quanh đây ta sẽ có cảm giác rất đỗi gần gũi, thân thuộc vì có nhiều cây cổ thụ lớn như cây đa tạo ra khung cảnh như “cây đa, giếng nước, sân đình” của người Việt.
Nhà thờ đá
Đây là viên ngọc quý giá nhất trong quần thể, có tước hiệu là “nhà nguyện trái tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ được xây dựng đầu tiên trong cụm di tích này với 100% được làm từ đá nguyên khối. Bên ngoài nhà thờ là hai ngọn tháp như Tháp Bút (Hoàn Kiếm) nhưng thay vào đó là cây thánh giá - biểu tượng của Công giáo. Ngọn tháp ở giữa là hình ảnh Đức Mẹ với trái tim bị đâm xuyên qua rất đẹp biểu tượng cho trái tim vô nhiễm nguyên tội.
Để xây dựng được nhà thờ đá cần rất nhiều công sức của mọi người, thanh niên trai tráng thì làm những công việc khuân vác, kéo đẩy, còn những cụ già và trẻ nhỏ cũng góp sức bằng việc đánh bóng đá bằng lá chuối khô. Từ nền, tường, chấn song, phù điêu trong nhà thờ đá đều được điêu khắc vô cùng tỉ mỉ dưới bàn tay của những nghệ nhân với muôn hình vạn trạng như: Hoa sen, tứ quý (Tùng - Cúc - Trúc - Mai), Tứ linh (Long - Ly - Quy - Phụng) … vô cùng quen thuộc trong các tác phẩm nghệ thuật dân gian Việt Nam.
Nhà thờ chính tòa
Nhà thờ chính tòa là trung tâm của cả quần thể có tên gọi chính thức là nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi được khởi công xây dựng năm 1891. Phía bên trong nhà thờ có tổng 52 cột đỡ, xếp thành 6 hàng và chia thành 9 gian. Lối vào và lòng nhà thờ chính tòa cao vút theo kiến trúc Gothic của phương Tây, còn cột kèo, hoa văn chạm trổ uyển chuyển, tinh tế, nhẹ nhàng chính là đặc trưng của kiến trúc phương Đông. Và trên sàn gian cung thánh của nhà thờ là 6 ngôi mộ của 6 vị giám mục đây chính là điều vô cùng linh thiêng. Trên bàn thờ được mạ vàng hoàn toàn toát lên sự trang trọng, tôn nghiêm.
Nói về lối kiến trúc độc đáo này, khi thiết kế nó cha Trần Lục mong muốn qua công trình này có thể nói lên tính chất hòa hợp giữa đạo Công giáo với nền văn hóa dân tộc cũng như với các tôn giáo, tín ngưỡng khác ở Việt Nam. Nhà thờ đá Phát Diệm không chỉ đơn thuần là nơi cầu nguyện của giáo dân Công giáo mà nó còn là một địa điểm du lịch vô cùng hấp dẫn của tỉnh Ninh Bình thu hút cả du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Năm 1988, quần thể kiến trúc nhà thờ đá Phát Diệm được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Tồn tại hơn 100 năm dù trải qua nhiều tác động từ thiên tai, chiến tranh nhưng cụm di tích vẫn còn nguyên trạng cho tới ngày nay. Công trình này không chỉ mang những giá trị về thẩm mỹ, kiến trúc, tâm linh mà còn là một công trình quý báu mang đậm sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc Đông - Tây.
Hương Quỳnh