Quảng Ninh khẩn trương hoàn thành các công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện trọng đại của đất nước, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn xã hội. Đến nay, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử trong toàn tỉnh Quảng Ninh đã được thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với cả nước, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào ngày 23/5/2021 là sự kiện chính trị trọng đại, để nhân dân toàn tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyền làm chủ thông qua lựa chọn bầu những đại biểu tiêu biểu, có trình độ, năng lực, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện nghiêm túc, bài bản, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, hoàn thành sớm hơn so với yêu cầu đề ra, cụ thể như sau: 

Quảng Ninh khẩn trương hoàn thành các công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử - Ảnh 1

Thành lập Ban chỉ đạo, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn

Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 10-KH/TU ngày 23/10/2020 triển khai thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW; thành lập Ban Chỉ đạo cuộc bầu cử gồm 15 thành viên là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Ban.

Bám sát quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sau đây gọi tắt là Luật Bầu cử) và hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban bầu cử tỉnh, các cơ quan chức năng đã ban hành 08 kế hoạch, 01 hướng dẫn, 06 thông báo và nhiều công văn khác để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai công tác bầu cử trên địa bàn tỉnh, như: về công tác nhân sự; tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp; việc tổ chức các hội nghị cử tri tại nơi công tác, nơi cư trú; triển khai lập, nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử; kê khai tài sản thu nhập đối với người ứng cử; hướng dẫn nghiệp vụ về công tác bầu cử và một số nội dung vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện được Hội đồng bầu cử quốc gia trao đổi, hướng dẫn. 

Quảng Ninh khẩn trương hoàn thành các công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử - Ảnh 2

Với sự quyết liệt, đổi mới, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác bầu cử; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban bầu cử tỉnh đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đảm bảo vừa tuân thủ quy định của pháp luật, vừa mở rộng dân chủ, vừa phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương như hướng dẫn tổ chức hội nghị cử tri đối với một số mô hình đặc thù (Cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan Tổ chức - Nội vụ; cơ quan Kiểm tra - Thanh tra cấp huyện); tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú tại thôn, bản, khu phố theo mô hình của tỉnh Quảng Ninh…; nhất quán chỉ đạo đối với  tỷ lệ về cơ cấu nữ, người ngoài đảng, dân tộc, trẻ, tái cử trong việc chuẩn bị và giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND. 

Tổ chức hội nghị toàn tỉnh quán triệt, triển khai công tác bầu cử 

Ngay sau hội nghị triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của Trung ương; trong chiều ngày 21/01/2021, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai, phổ biến đầy đủ các văn bản của Trung ương, của Tỉnh về công tác bầu cử đến 177 xã, phường, thị trấn (mời đại biểu là Bí thư - Trưởng thôn, bản, khu phố của 1.543 thôn, bản, khu phố).

Đến ngày 30/01/2021, Ban Chỉ đạo và Ủy ban bầu cử cấp huyện, cấp xã trong toàn tỉnh đã chủ động tổ chức hội nghị triển khai công tác bầu cử trên địa bàn mình đảm bảo nội dung và tiến độ theo yêu cầu.

Tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử 

Công tác tập huấn nghiệp vụ được đặc biệt chú trọng, tập trung đội ngũ cán bộ của các tổ chức phụ trách bầu cử, thời điểm phù hợp trước mỗi nội dung công việc để có sự thống nhất thực hiện trong toàn tỉnh. Đến nay, Ủy ban bầu cử tỉnh đã tổ chức 02 hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử: 

- Ngày 10/3/2021 (ngay sau khi thành lập các Ban bầu cử), tổ chức hội nghị trực tuyến đến điểm cầu của 13 huyện, thị xã, thành phố và 177 xã, phường, thị trấn; mời báo cáo viên Trung ương (Bộ Nội vụ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) trực tiếp phổ biến các quy định, trao đổi kinh nghiệm, giải đáp khó khăn vướng mắc về nghiệp vụ công tác bầu cử cho 15.720 thành viên Ban Chỉ đạo, Ủy ban bầu cử các cấp, các Ban bầu cử và các Tiểu ban, bộ phận giúp việc về bầu cử. 

- Ngày 12/4/2021 (ngay sau khi thành lập các Tổ bầu cử), tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh chuẩn bị cho hội nghị hiệp thương lần thứ ba; việc tổ chức tiếp xúc cử tri (vận động bầu cử);... trao đổi về các kỹ năng, nghiệp vụ trong bầu cử, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác bầu cử;...

Trên cơ sở đó, 13/13 Ủy ban bầu cử các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức tập huấn nghiệp vụ sâu đối với thành viên Tổ bầu cử với tổng số 24.214 người tham gia.

Đồng thời Ủy ban bầu cử tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục hướng dẫn nghiệp vụ cho các thành viên tổ bầu cử theo hình thức “cầm tay chỉ việc” (dự kiến từ ngày 05/5/2021 đến ngày 20/5/2021) tập trung vào những lưu ý trước ngày diễn ra bầu cử, trong việc tổ chức ngày bầu cử, nghiệp vụ kiểm phiếu và tổng hợp kết quả bầu cử; thực tập quy trình tổ chức bầu cử, thực tập thử kiểm phiếu và tổng hợp kết quả bầu cử, cách ghi biên bản...

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn cơ sở trong công tác bầu cử

Để kịp thời nắm bắt tình hình triển khai công tác bầu cử, chỉ đạo, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các địa phương, tại Quy chế hoạt động của Ủy ban bầu cử tỉnh quy định cụ thể chương trình kiểm tra công tác bầu cử; theo đó, Ủy ban bầu cử tỉnh thực hiện kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức triển khai bầu cử tại các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức phụ trách bầu cử theo hai đợt:  Đợt 1: Kiểm tra tình hình triển khai công tác bầu cử (các nội dung công việc và thời gian tại Bước 1 và Bước 2 của Kế hoạch bầu cử); Đợt 2: Kiểm tra trước ngày bầu cử và trong ngày bầu cử (các nội dung công việc và thời gian tại Bước 3 của Kế hoạch bầu cử). Ngoài ra, thực hiện kiểm tra đột xuất khi cần thiết hoặc khi có kiến nghị, đề xuất.

Bám sát tiến độ triển khai công tác bầu cử trên địa bàn toàn tỉnh, tính đến ngày 13/4/2021 Ủy ban bầu cử tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra do các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn thực hiện kiểm tra, giám sát một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử, công tác tiếp dân, tiếp nhận đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra Ủy ban bầu cử cấp huyện, cấp xã về các nội dung như: quán triệt triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh về bầu cử; thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; công tác nhân sự, hiệp thương; tổ chức hội nghị giới thiệu người ứng cử; việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử… để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh sơ suất của các tổ chức phụ trách bầu cử trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; nắm tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và tư tưởng Nhân dân. 

Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban bầu cử tỉnh đã chủ động thực hiện kiểm tra trong phạm vi lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, phản ánh những khó khăn, vướng mắc về Ủy ban bầu cử tỉnh tổng hợp, xin ý kiến chỉ đạo, giải quyết. Ngoài ra, Tỉnh còn tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần, nghe các địa phương và thành viên Ủy ban bầu cử tỉnh báo cáo, phản ánh những nội dung phát sinh đột xuất để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc cho cơ sở. Qua kiểm tra cho thấy, các địa phương đã chủ động triển khai các nội dung công việc đảm bảo đúng trình tự và thời hạn Luật định, một số khó khăn vướng mắc của cấp huyện, cấp xã được các đoàn kiểm tra kịp thời giải đáp, hướng dẫn cụ thể để địa phương tiếp tục thực hiện đúng quy định. 

Thành lập Ủy ban bầu cử các cấp đảm bảo đúng thành phần, số lượng và sớm hơn so với thời gian luật định

Căn cứ Luật Bầu cử và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; sau khi thống nhất với Thường trực HĐND và Ủy ban MTTQ cùng cấp, Ủy ban nhân dân các cấp đã ban hành Quyết định thành lập Ủy ban bầu cử các cấp, tính đến ngày 15/01/2021 toàn tỉnh đã thành lập 191 Ủy ban bầu cử các cấp (cấp tỉnh, 13 đơn vị cấp huyện và 177 đơn vị cấp xã).

Ngay sau khi Hội đồng bầu cử Quốc gia ban hành Kế hoạch số 42/KH-HĐBCQG ngày 19/01/2021 triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 20/01/2021 Ủy ban bầu cử tỉnh ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBBC triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

 Để chủ động triển khai các nội dung cuộc bầu cử, Ủy ban bầu cử tỉnh đã ban hành Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; Quyết định thành lập 3 Tiểu ban phục vụ cuộc bầu cử; Cơ quan thường trực Ủy ban bầu cử tỉnh (Sở Nội vụ) thành lập Tổ giúp việc công tác bầu cử. Trên cơ sở đó các thành viên Ủy ban bầu cử tỉnh, các Tiểu ban và Tổ giúp việc bám sát kế hoạch bầu cử của Tỉnh, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Căn cứ kế hoạch của Ủy ban bầu cử tỉnh, Ủy ban bầu cử cấp huyện, cấp xã đã ban hành kế hoạch; thành lập các tiểu ban phục vụ bầu cử và triển khai các công việc theo kế hoạch đảm bảo nội dung, trình tự, thời hạn Luật định.

Thành lập và công bố các Ban bầu cử ở mỗi đơn vị bầu cử 

Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp đã ấn định và công bố 1.353 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cụ thể: 

- 03 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội (02 đơn vị bầu 3 đại biểu; 01 đơn vị bầu 2 đại biểu)

- 21 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh (05 đơn vị bầu 2 đại biểu; 09 đơn vị bầu 3 đại biểu; 06 đơn vị bầu 4 đại biểu; 01 đơn vị bầu 5 đại biểu); 

- 125 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện (22 đơn vị bầu 2 đại biểu, 61 đơn vị bầu 3 đại biểu, 17 đơn vị bầu 4 đại biểu; 25 đơn vị bầu 5 đại biểu); 

- 1.204 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã (267 đơn vị bầu 2 đại biểu, 623 đơn vị bầu 3 đại biểu, 222 đơn vị bầu 4 đại biểu, 92 đơn vị bầu 5 đại biểu).

Trên cơ sở công bố các đơn vị bầu cử; sau khi thống nhất với Thường trực HĐND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp, UBND các cấp quyết định thành lập các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (Ban bầu cử đại biểu Quốc hội do UBND tỉnh quyết định thành lập trên cơ sở công bố đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng bầu cử quốc gia); theo đó, toàn tỉnh đã thành lập 1.353 Ban bầu cử, trong đó 03 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, 21 Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, 125 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện và 1.204 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã đảm bảo số lượng, thành phần và sớm hơn so với thời gian Luật định (tỉnh thực hiện xong trước ngày 09/3/2021, theo Luật ngày 14/3/2021). 

Chia khu vực bỏ phiếu và thành lập các Tổ bầu cử 

- Chia khu vực bỏ phiếu (KVBP): Đến ngày 25/3/2021, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành phê chuẩn việc chia KVBP, theo đó toàn tỉnh có 1.438 KVBP, trong đó có 46 KVBP riêng (gồm 42 KVBP của đơn vị vũ trang, 01 cơ sở giáo dục, cai nghiện và  03 trại giam), 21 KVBP chung giữa địa phương và đơn vị vũ trang. 

Qua tổng hợp cho thấy, số lượng cử tri ở các KVBP có sự chênh lệch giữa đô thị và miền núi, giữa các KVBP của địa phương với các KVBP riêng của đơn vị vũ trang, theo đó có 276 KVBP dưới 300 cử tri; 1.144 KVBP từ 300 đến dưới 2.000 cử tri; 18 KVBP có trên 2.000 cử tri (KVBP lớn nhất toàn tỉnh có 3.332 cử tri).

Để chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho ngày bầu cử, Ủy ban bầu cử tỉnh đã kịp thời chỉ đạo Ủy ban bầu cử các địa phương rà soát kỹ các địa điểm là nhà văn hóa, trung tâm văn hóa thể thao; đơn vị lực lượng vũ trang; trường học, trụ sở cơ quan, đơn vị, công ty (không tổ chức khu vực bỏ phiếu ở nhà dân). Qua rà soát, toàn tỉnh có 04 địa điểm bỏ phiếu dựng nhà khung bạt. Các địa điểm bỏ phiếu được lựa chọn cơ bản đảm bảo khang trang, phù hợp, thuận tiện để cử tri tham gia bỏ phiếu; có lối vào, lối ra theo quy định.

- Thành lập Tổ bầu cử: Trên cơ sở phê chuẩn khu vực bỏ phiếu của UBND cấp huyện, UBND cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực HĐND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã quyết định thành lập 1.438 Tổ bầu cử, số lượng thành viên tham gia Tổ bầu cử trong toàn tỉnh là 24.214 người (trung bình 17 người/tổ); một số địa phương có phương án dự phòng thêm thành viên Tổ bầu cử để chủ động trong trường hợp diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp

- Việc thực hiện quy trình giới thiệu người ứng cử 

Căn cứ kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và điều chỉnh cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã triển khai thực hiện quy trình lựa chọn và giới thiệu người ứng cử tại các cơ quan, tổ chức, cụ thể: Ủy ban MTTQ tỉnh đã triển khai ngay việc thông báo đến các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh xong trong ngày 19/02/2021; Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã triển khai đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị và thôn, bản, khu phố (đối với cấp xã) để tiến hành lựa chọn và giới thiệu người ứng cử đảm bảo thời gian theo Kế hoạch của tỉnh; tập huấn, hướng dẫn về quy trình, thủ tục, hồ sơ giới thiệu ứng cử, tự ứng cử.

Từ ngày 22/02/2021 đến ngày 11/3/2021, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức hơn 10.000 hội nghị Ban lãnh đạo, hội nghị cử tri, hội nghị Ban lãnh đạo mở rộng với khoảng hơn 250.000 lượt người tham gia, đảm bảo mở rộng dân chủ, khách quan và phát huy trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc giới thiệu 13.615 người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Hầu hết các ứng viên được giới thiệu đều đạt tỷ lệ tín nhiệm cao.

- Tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác đối với người ứng cử

Ngày 23/3/2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến đến 13 huyện, thị xã, thành phố với 406 đại biểu đại diện Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các cấp và đại diện các cơ quan, tổ chức đơn vị có người ứng cử để hướng dẫn, triển khai việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, nơi làm việc. Đến hết ngày 10/4/2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã hoàn thành tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú.

- Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba

Đến ngày 17/4/2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ 3, lập danh sách chính thức 7.048 người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.  

Việc lập và niêm yết danh sách cử tri

Theo kế hoạch của tỉnh, từ ngày 07/4/2021 UBND các xã, phường, thị trấn đã thực hiện việc niêm yết danh sách cử tri (sớm hơn 06 ngày so với thời gian Luật định) nhằm phát huy dân chủ, tạo điều kiện để cử tri có thêm thời gian kiểm tra, giám sát, phát hiện và kiến nghị, phản ánh những sơ suất, sai sót về danh sách cử tri và quyền bầu cử của cử tri. 

Theo số liệu tổng hợp, đến ngày 17/4/2021, toàn tỉnh có 933.956 cử tri (nam 474.008 người, nữ 459.948 người) trong đó 933.956 cử tri được bầu cử 2 cấp (đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh); 932.765 cử tri được bầu 3 cấp (đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND cấp huyện)902.828 cử tri được bầu cử 4 cấp. Cử tri 18 tuổi lần đầu đi bỏ phiếu là 5.353 người; cử tri trên 80 tuổi là 25.843 người; tạm xác định 5.074 người không được ghi tên vào danh sách cử tri (mất năng lực hành vi dân sự 2.709 người; đang chấp hành án phạt tù là 2.365 người).

Từ thời điểm niêm yết, các địa phương đã phân công người trực, mở sổ theo dõi tiếp nhận ý kiến, phản ánh của cử tri về danh sách cử tri, tiếp tục rà soát dữ liệu về dân cư, tạm trú, tạm vắng, nắm bắt chặt chẽ cử tri cư trú và mọi di biến động cử tri; thường xuyên theo dõi, tiếp nhận, bổ sung, rà soát danh sách cử tri, đảm bảo không để sai sót thông tin cử tri, không để sót cử tri hoặc trùng lặp danh sách cử tri ở nơi thường trú và tạm trú (nhất là trường hợp đăng ký hộ khẩu thường trú nhưng không có mặt), có lưu ý đối với những cử tri thực hiện biện pháp cách ly y tế về phòng, chống dịch Covid-19 để có phương án xử lý thích hợp đảm bảo quyền bầu cử cho cử tri, thời gian cập nhật, điều chỉnh danh sách cử tri được thực hiện đến 24 giờ trước thời điểm bỏ phiếu.

Đến nay, danh sách cử tri đã được niêm yết công khai tại trụ sở 177 xã, phường, thị trấn và 1.438 khu vực bỏ phiếu trong toàn tỉnh, đảm bảo thuận tiện cho cử tri quan sát, theo dõi, Ủy ban bầu cử tỉnh đã quy định mẫu bảng niêm yết để thống nhất thực hiện trong toàn tỉnh. 

Chủ động rà soát, chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ bầu cử

Ủy ban bầu cử các cấp đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết như: khắc và bàn giao 2.605 con dấu; cấp phát trên 73.500 các loại tài liệu, tờ gấp…;

Các địa phương đã chủ động rà soát, lựa chọn 1.438 địa điểm bỏ phiếu đảm bảo phù hợp, thuận tiện cho cử tri tham gia bầu cử; chuẩn bị 1.615 bảng niêm yết danh sách cử tri (tại trụ sở UBND xã, phường thị trấn và các khu vực bỏ phiếu); các loại hòm phiếu (khoảng 5.752 hòm phiếu chính và gần 1.500 hòm phiếu phụ). Hiện nay, Ủy ban bầu cử các cấp đang dự kiến số lượng các loại tài liệu cần in ấn phục vụ bầu cử (thẻ cử tri, phiếu bầu, tiểu sử tóm tắt, danh sách chính thức những người ứng cử, biểu mẫu, thể lệ bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu, diễn văn khai mạc, tài liệu học tập thể lệ bầu cử cấp phát đến hộ gia đình…) và các điều kiện, cơ sở vật chất khác đảm bảo phục vụ tốt nhất cho cuộc bầu cử.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết bước 2 công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ngày 20/4 vừa qua, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh khẳng định công tác chuẩn bị bầu cử của tỉnh Quảng Ninh đã được thực hiện chủ động, tích cực. Trong đó kết quả nổi bật nhất thể hiện sự quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và Ủy ban MTTQ các cấp; qua 3 vòng hiệp thương, Quảng Ninh đã đảm bảo đáp ứng được 5 yêu cầu về cơ cấu, tỷ lệ nữ, trẻ, dân tộc, người ngoài Đảng, người tái cử gắn liền với nâng cao chất lượng người ứng cử. Cùng với đó, những kết quả nổi bật trong thực hiện “mục tiêu kép” tỉnh đạt được trong quý I/2021 đã củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; tăng cường sự đồng thuận của xã hội; khơi dậy niềm tự hào và phát huy cao độ truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" của giai cấp công nhân Vùng mỏ anh hùng; là tiền đề rất căn bản, tạo ra khí thế mới, động lực mới, niềm tin mới, sức mạnh mới để tỉnh Quảng Ninh tổ chức an toàn, thành công cuộc bầu cử.

Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh, đặc biệt cử tri Quảng Ninh tiếp tục phát huy truyền thống Vùng mỏ Anh hùng, truyền thống Kỷ luật - Đồng tâm và truyền thống yêu nước cách mạng tiếp tục triển khai các nội dung của công tác bầu cử đảm bảo đúng Luật, an toàn, dân chủ, công bằng để ngày bầu cử thực sự là ngày hội non sông, ngày hội của toàn dân trong tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và xây dựng chính quyền địa phương ngày càng hiệu lực, hiệu quả.

Ngô Quảng 

Từ khóa: