Trong những năm qua, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tỉnh thường xuyên ban hành các văn bản cấm những nghề mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến môi trường như: Xung điện, lặn, hóa chất, te xiệp... hạn chế nghề lưới kéo... Đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng, các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên biển. Năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 1.771 vụ tàu cá vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; qua đó thu phạt nộp ngân sách nhà nước hơn 10 tỷ đồng.
Đồng thời, tỉnh và các địa phương cũng thực hiện chuyển đổi nghề cho 1.286 phương tiện làm nghề cấm, nghề có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy sản sang nghề khác; khuyến khích phát triển các nghề thân thiện môi trường như: Chài chụp kết hợp ánh sáng, lưới rê, câu để tăng sản lượng khai thác.
Mặt khác, tỉnh còn thực hiện phân cấp đăng ký, đăng kiểm tàu cá và cấp giấy phép khai thác. Nhờ đó, nhiều địa phương như: Hải Hà, Đầm Hà, Quảng Yên... đã tích cực hơn trong cấp đăng ký, đăng kiểm tàu cá, cấp giấy phép khai thác cho các tàu.
Cùng với đó, tỉnh, các địa phương luôn khuyến khích các chủ đầu tư nâng cấp, cải hoán, đóng mới các tàu để chuyển hoạt động từ vùng ven bờ sang vùng lộng và từ vùng lộng ra vùng khơi. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 8.093 tàu khai thác thủy sản, trong đó tàu hoạt động vùng khơi (có chiều dài từ 15m trở lên) là 230 tàu, tăng gần 100 tàu so với năm 2017. Tàu hoạt động vùng lộng (12-15m) là 1.038 chiếc, còn lại là tàu hoạt động vùng ven bờ.
Hiện 230 tàu hoạt động xa bờ đều ứng dụng phương thức khai thác thân thiện môi trường, cùng với áp dụng công nghệ trong bảo quản sản phẩm khai thác nên có thể đi ra các ngư trường xa, bám biển dài ngày...
Tỉnh cũng tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, sản xuất trên biển nhằm cơ cấu lại đội tàu khai thác thủy sản theo hướng tăng tàu xa bờ, giảm tàu gần bờ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 22 mô hình liên kết sản xuất gồm 2 hợp tác xã với 112 tàu cá (795 lao động); 12 nghiệp đoàn nghề cá với 135 tàu (748 lao động), 8 đội sản xuất với 101 tàu (327 lao động), chủ yếu ở các địa phương Vân Đồn, Hải Hà, Quảng Yên, Cẩm Phả.
Việc hoạt động theo mô hình liên kết sản xuất trên biển giúp các chủ tàu thường xuyên có sự kết nối, trao đổi thông tin về thời tiết, ngư trường, nguồn lợi, giá trị thị trường; đồng thời kịp thời hỗ trợ nhau khi gặp sự cố trên biển hay gặp sự cố trong quá trình sản xuất trên biển.
Để thúc đẩy phát triển các tàu đánh bắt xa bờ, tỉnh phát triển mạnh mạng lưới thông tin liên lạc trên biển để hỗ trợ các tàu, thuyền. Đến nay, toàn tỉnh đã có 182 tàu đánh bắt xa bờ lắp đặt máy thông tin liên lạc VX-1700, 22 tàu có chiều dài lớn từ 24m trở lên được lắp thiết bị MOVIMAR để đáp ứng quy định của Luật Thủy sản cũng như khuyến nghị của EC nhằm góp phần tháo gỡ thẻ vàng đối với khai thác hải sản của Việt Nam và cảnh báo tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, hỗ trợ tàu khi gặp sự cố.
Bên cạnh đó, để góp phần bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản, các địa phương của tỉnh cũng đẩy mạnh nuôi thủy sản. Hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh lên tới hơn 21.000ha và 14.506 ô lồng. Trong đó nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ là 18.141ha, còn lại là nuôi nước ngọt. Thủy sản nuôi trồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là tôm, nhuyễn thể, cá nước mặn, cá nước ngọt. Sản lượng từ nuôi trồng thủy sản năm 2020 đạt 76.907 tấn, 5 tháng đầu năm 2021 được 26.640 tấn đáp ứng đáng kể cho nhu cầu của người tiêu dùng.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương đã giúp bảo vệ bền vững ngư trường trên địa bàn tỉnh; bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiệu quả.
Ngô Quảng