Theo ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long: đây là thông tin không có cơ sở và không chính xác bởi theo quy định của UNESCO, việc đưa một di sản ra khỏi danh sách Di sản thế giới (nếu có) cũng phải được thực hiện theo đúng quy trình.
Đối với trường hợp di sản thiên nhiên, một Di sản Thế giới có thể được Ủy ban ghi vào Danh sách Di sản Thế giới đang bị Đe dọa khi Ủy ban thấy rằng tình trạng của di sản phù hợp với ít nhất một trong các tiêu chí: sự suy giảm nghiêm trọng của các loài đang bị nguy hiểm hoặc các loài khác thuộc giá trị nổi bật toàn cầu di sản đã được xác lập về pháp lý để bảo vệ, do các yếu tố thiên nhiên như dịch bệnh hay các yếu tố nhân tạo như săn bắn.
Sự xuống cấp nghiêm trọng về vẻ đẹp thiên nhiên hoặc giá trị khoa học của di sản như do cư trú của con người, xây dựng các hồ chứa nước làm ngập nhiều phần quan trọng của di sản, phát triển công nghiệp và nông nghiệp, kể cả việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu, phân bón, các công trình công cộng lớn, khai mỏ, ô nhiễm, khai thác gỗ, nhặt củi…. hoặc có nguy cơ bị con người xâm phạm ranh giới hoặc ở các khu vực thượng nguồn đe dọa tính toàn vẹn của di sản; sự thay đổi về tình trạng bảo vệ hợp pháp của khu vực.
Các dự án tái định cư theo quy hoạch hay các dự án phát triển bên trong di sản hoặc ở vị trí có thể đe dọa di sản; sự bùng nổ hay đe dọa của xung đột vũ trang; kế hoạch quản lý hoặc hệ thống quản lý thiếu thốn hay chưa đầy đủ, hoặc không được thực hiện đầy đủ; các tác động đe dọa của các nhân tố địa chất, khí hậu hoặc môi trường khác.
Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới theo tiêu chí về cảnh quan thẩm mỹ năm 1994. Đến thời điểm hiện tại, Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long chưa bao giờ nằm trong Danh sách của Uỷ ban Di sản thế giới xét, ghi tên vào Danh sách Di sản lâm nguy. Nên thông tin “UNESCO xem xét loại vịnh Hạ Long khỏi danh sách Di sản thế giới” là không có cơ sở và không chính xác.
Quy trình giám sát Di sản thế giới quy định tại Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới là một trong những hệ thống giám sát toàn diện nhất được UNESCO xây dựng; là công cụ được sử dụng trong bảo tồn theo luật pháp quốc tế. Quy trình giám sát này được coi là một chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu lực của Công ước Di sản thế giới và cung cấp cách nhìn tổng quan mang tính toàn cầu duy nhất về tình trạng bảo tồn Di sản thiên nhiên và văn hóa.
Hàng năm, tại các kỳ họp thường niên, Uỷ ban Di sản Thế giới yêu cầu các Quốc gia thành viên có báo cáo về hiện trạng bảo tồn di sản thế giới nhằm mục đích phối hợp với các quốc gia trong việc việc thực hiện giám sát hành chính các khu di sản và giúp nhận diện, chỉ ra các mối đe dọa hay sự cải thiện lớn trong việc bảo tồn di sản kể từ khi có báo cáo gần nhất cho Ủy ban Di sản Thế giới; thông tin về kết quả thực hiện các quyết định trước đây của Ủy ban Di sản Thế giới về tình trạng bảo tồn di sản; thông tin về các mối đe dọa hoặc những tổn thất làm suy giảm Giá trị Nổi bật Toàn cầu, tính toàn vẹn, hoặc tính xác thực mà nhờ chúng di sản đã được ghi trong Danh sách Di sản Thế giới.
Tại kỳ họp lần thứ 46 (tháng 7/2024), Uỷ ban Di sản thế giới đã xét 130 báo cáo hiện trạng bảo tồn di sản, trong đó có báo cáo của vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà. Uỷ ban đã phê duyệt Quyết định số 46 COM 7B.67 về công tác quản lý, bảo vệ Di sản thế giới vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, trong đó biểu dương những nỗ lực, trách nhiệm của Quốc gia thành viên Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng trong công tác quản lý, bảo vệ khu Di sản thế giới như đánh giá sức tải di sản, đã xây dựng được đề cương chiến lược quản lý du lịch bền vững, hệ thống quản lý tổng hợp khách du lịch; ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh trong việc thực hiện các biện pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề rác thải và ô nhiễm môi trường nhằm duy trì chất lượng không khí và nước trong giới hạn cho phép…
Đồng thời, mời Đoàn Giám sát Phản hồi của Trung tâm Di sản thế giới và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đánh giá, tư vấn về khu Di sản thế giới mở rộng về các lĩnh vực: quản trị di sản, cơ cấu tổ chức quản lý, công tác bảo tồn và ranh giới di sản. Đây là đợt kiểm tra, giám sát định kỳ của liên ngành Trung tâm Di sản thế giới và IUCN theo quy định tại Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới đối với một Di sản được UNESCO ghi danh. Thực hiện Quyết định trên, Ban Quản lý vịnh Hạ Long báo cáo UBND tỉnhQuảng Ninh, tham mưu việc tổ chức triển khai các nội dung Quyết định thuộc trách nhiệm của tỉnh Quảng Ninh…
Theo thông tin trao đổi của Trung tâm Di sản thế giới, chuyến công tác sẽ được thực hiện vào khoảng đầu tháng 3/2025. Bản Điều khoản tham chiếu về chuyến công tác đang được Trung tâm Di sản thế giới UNESCO soạn thảo và sẽ gửi tỉnh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng phối hợp chuẩn bị nội dung và tài liệu để làm việc với Đoàn công tác. Ban Quản lý vịnh Hạ Long đang phối hợp với Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cập nhật thông tin và tham mưu UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với UBND TP. Hải Phòng chuẩn bị đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác đảm bảo chu đáo, trọng thị, hiệu quả để có được sự tư vấn tốt nhất của Đoàn công tác đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát huy bền vững khu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
Ngô Quảng