Tham dự kỳ họp có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy - HĐND tỉnh - UBND tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 66 đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 và các đại biểu mời: Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Đại biểu Quốc hội khóa XV Đoàn Quảng Ninh; Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIVcùng một số đại biểu Quốc hội khóa XV ứng cử trên địa bàn tỉnh; đại diện lãnh đạo một số cơ quan thuộc các Bộ, ban, ngành Trung ương; Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; lãnh đạo các cơ quan tư pháp, các sở, ban, ngành của tỉnh, Thường trực cấp ủy, HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố; Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, lãnh đạo cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; lãnh đạo, phóng viên một số cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương, của Tỉnh.
Tại Kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh đã nghe và đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021; nghe Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh báo cáo kết quả tham gia công tác xây dựng chính quyền và ý kiến, kiến nghị cử tri 6 tháng đầu năm; xem xét các báo cáo, dự thảo nghị quyết theo luật định của Thường trực Hội đồng nhân dân (04 báo cáo, 05 dự thảo nghị quyết), Ủy ban nhân dân (05 báo cáo, 11 dự thảo nghị quyết) và 03 báo cáo của các cơ quan tư pháp (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh) và 21 báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu bế mạc kỳ họp.
Chủ tọa kỳ họp đã dành thời gian thỏa đáng để đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu dự họp thảo luận tham gia đóng góp ý kiến vào các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết. Qua thảo luận tại 05 tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và thảo luận tại Hội trường đã có 59 ý kiến phát biểu (trong đó: 39 ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; 20 ý kiến của đại biểu khách mời).
Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường; song tỉnh Quảng Ninh đã luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, thống nhất ý chí và hành động, kiên trì thực hiện thành công phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, kiên cường vượt qua các làn sóng dịch, trụ vững, giữ yên địa bàn “An toàn - Ổn định trong trạng thái bình thường mới”, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, giảm thiểu ảnh hưởng tới đời sống xã hội, nhanh chóng khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Đc Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo
Tăng trưởng kinh tế GRDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 8,02% (cùng kỳ tăng 4,26%), là mức tăng trưởng cao. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 23.125 tỷ đồng, bằng 45% dự toán, 97% kịch bản, trong đó thu nội địa đạt 18.123 tỷ đồng, bằng 46% dự toán, tăng 4% kịch bản. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, lần đầu tiên năm 2020 dẫn đầu cả nước đồng thời 4 chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. An sinh xã hội được đặc biệt quan tâm. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường. Quốc phòng - an ninh, chính trị - xã hội được đảm bảo. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức thành công trên mọi phương diện, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an ninh, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân với tỷ lệ cử tri đi bầu cao, đạt 99,95%.
Niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ được củng cố và tăng cường. Đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và trách niệm của những hạn chế; nhận diện những khó khăn thách thức, cơ hội để đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, hiện ngành than, ngành du lịch, lữ hành, lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm, nhiều doanh nghiệp và khu vực dân doanh gặp khó khăn; đời sống của một bộ phận người dân, đặc biệt là lao động làm việc trong khu vực du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Quảng Ninh xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền nhằm cụ thể hóa kịp thời các chủ trương Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội 15 của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh thành các nghị quyết của HĐND tỉnh về chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 cũng như hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021.
Các đại biểu dự kỳ họp trao đổi trong giờ giải lao
Đồng thời, kỳ họp cũng quyết nghị thông qua 16 Nghị quyết, trong đó có nhiều Nghị quyết liên quan đến cơ chế chính sách, có ý nghĩa quyết quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh không chỉ trong 6 tháng cuối năm 2021 mà còn cho cả giai đoạn 2021 - 2025. Đáng chú ý là Nghị quyết về phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Việc ban hành Nghị quyết đã tạo nguồn lực để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp mà Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ tỉnh đề ra.
Ngoài ra còn xem xét quy định mức chuẩn và chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh chưa quy định trong Nghị định số 20 ngày 15/3/2021 của Chính phủ đảm bảo phù hợp với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tình hình thực tiễn của tỉnh, nhất là khả năng cân đối của ngân sách địa phương với lộ trình cụ thể trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Những quyết nghị này có ý nghĩa quan trọng liên quan đến sự thành công trong thực hiện khâu đột phá về phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.
Ngô Quảng