Quảng Trị: Phấn đấu đưa TP Đông Hà đạt đô thị loại I vào năm 2045

Quảng Trị vừa công bố điều chỉnh quy hoạch chung của TP Đông Hà, mục tiêu đến năm 2045, xây dựng TP Đông Hà cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I; trở thành đô thị xanh, thông minh, phát triển bền vững.

Một góc thành phố Đông Hà nhìn từ trên cao xuống.
Một góc thành phố Đông Hà nhìn từ trên cao xuống.

TP Đông Hà là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh Quảng Trị, là đô thị nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch và Hành lang kinh tế Đông - Tây. Với diện tích hơn 73 km2, dân số 100.156 người, hiện Đông Hà đang chuyển mình và phát triển mạnh mẻ để bắt kịp xu hướng phát triển.

Theo quy hoạch vừa phê duyệt, TP Đông Hà sẽ được phát triển theo mô hình, cấu trúc không gian đô thị gồm một trung trung tâm hiện hữu: ba tuyến, bốn điểm đột phá.

Ba tuyến bao gồm: Tuyến trung tâm là tuyến cảnh quan đô thị sông Hiếu gắn với thương mại – dịch vụ - du lịch. Tuyến phía Bắc là tuyến hành lang thương mại – dịch vụ, y tế, thể dục thể thao. Tuyến phía Nam là tuyến hành lang công nghiệp công nghệ cao thân thiện môi trường, kho tàng.

Bốn điểm đột phá của TP Đông Hà gồm: Khu thương mại dịch vụ, trung tâm động lực phía Bắc; khu đô thị sinh thái phía Nam; khu đô thị thương mại – dịch vụ phía Đông; khu sinh thái hồ Khe Mây và Trung Chỉ.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đông Hà đến năm 2045 với tính chất là đô thị tỉnh lỵ; trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, thương mại, tài chính, du lịch, công nghiệp của tỉnh và có vị thế cấp vùng Bắc Trung Bộ; một trong những đô thị động lực trên trục hành lang kinh tế Đông – Tây.

Theo quy hoạch, tỉnh Quảng Trị cũng xác định 4 hướng phát triển đô thị khác nhau, để phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế của các hướng nhằm thay đổi bộ mặt của tỉnh.

Khu vực phía Bắc tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khu đô thị mới, nông nghiệp đô thị, khai thác cảnh quan hai bên bờ sông Hiếu và Hói Sòng.

Khu vực phía Nam tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, sạch không gây ô nhiễm, kho tàng. Hình thành các trung tâm giáo dục, y tế kết hợp với các khu đô thị mới gắn với du lịch sinh thái sông Vĩnh Phước.

Khu vực phía Đông sẽ hình thành trung tâm hành chính cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia. Tập trung phát triển khu đô thị mới, phát triển nông nghiệp đô thị, du lịch sinh thái trải nghiệm, kết hợp với không gian cảnh quan sông Thạch Hãn.

Khu vực phía Tây tập trung phát triển cải tạo chỉnh trang khu vực hiện hữu, hình thành các khu du lịch sinh thái gắn với lâm viên khu vực hồ Khe Mây, hồ Trung Chỉ, hồ Km6. Phát triển công nghiệp, logistic gắn với tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường Điện Biên Phủ (Quốc lộ 9 tránh phía Nam).

Theo kế hoạch đặt ra, năm 2030, TP Đông Hà trở thành đô thị loại II; xây dựng đô thị xanh, thân thiện, năng động, hiệu quả với hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại, đồng bộ theo hướng phát triển bền vững, thông minh, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đến năm 2045, xây dựng TP Đông Hà cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I; trở thành đô thị xanh, thông minh, phát triển bền vững. Đồng thời đây là đô thị động lực trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, một trung tâm kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ.

Theo quy hoạch mới TP Đông Hà sẽ có diện tích khoảng 7.309 ha. Dự kiến đến năm 2030, quy mô dân số là 180.000 người, đến năm 2045 là 300.000 người.

Ngoài ra, việc phát triển Tp Đông Hà cũng cần đảm bảo có tính kết nối với các huyện lân cận Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, đáp ứng được nhu cầu phát triển của TP Đông Hà trong tương lai.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đông Hà đến năm 2045 là quy hoạch quan trọng cho hướng đi và phát triển, cũng như kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đến với Quảng Trị.

Diễm Phước