Qúy II/2020: Khó khăn do Covid, xuất khẩu chè ghi nhận tín hiệu tăng trưởng khả quan

Bức tranh xuất khẩu chè những tháng đầu năm 2021 được đánh giá là có nhiều màu sắc tươi sáng. Đây được coi là tiền đề để ngành chè Việt Nam vững bước với những kết quả xuất khẩu ấn tượng trong năm 2021. Tuy nhiên, với diễn biến khó lường của dịch Covid-19, các doanh nghiệp không thể chủ quan mà phải nhanh chóng thích ứng để vượt qua khó khăn.

Bức tranh xuất nhập khẩu chè trong quý I/2021

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè có xu hướng giảm về trị giá qua các quý trong giai đoạn 2019 – 2021. Tính đến hết quý I/2021, xuất khẩu chè đạt 26 nghìn tấn, trị giá 41,4 triệu USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 6,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong quý I/2021 đạt 1.588,9 USD/tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu chè sang châu Á trong quý I/2021 đạt 33 triệu USD, tăng 14% so với quý I/2020. Tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực này tăng 5,23 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019. Chè xuất khẩu sang khu vực châu Á chủ yếu tới một số thị trường chính như: Pa-ki-xtan, thị trường Đài Loan, Trung Quốc…

Qúy II/2020: Khó khăn do Covid, xuất khẩu chè ghi nhận tín hiệu tăng trưởng khả quan - Ảnh 1

Tiếp theo xuất khẩu chè sang châu Âu đạt 6,64 triệu USD, giảm 20,08% so với quý I/2020. Tỷ trọng xuất khẩu chè sang châu Âu quý I/2021 giảm 2,66 điểm phần trăm so với quý I/2020. Chè xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Nga trong khu vực châu Âu trong quý I/2021, đạt 4,89 triệu USD, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu sang Nga chiếm 73,7% tổng trị giá xuất khẩu chè sang châu Âu.

Ngoài ra, chè còn xuất khẩu tới một số khu vực thị trường khác nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong quý I/2021 như: châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi. Trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang châu Mỹ và châu Phi đều giảm, thì tỷ trọng xuất khẩu chè sang châu Đại Dương tăng 0,03 điểm phần trăm so với quý I/2020.

Chè đen và chè xanh là 2 chủng loại chè xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong quý I/2021. Trong đó, chè đen xuất khẩu đạt 19,5 triệu USD, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2020. Chè đen xuất khẩu nhiều nhất tới khu vực châu Á đạt 12,15 triệu USD, tăng 3,6% so với quý I/2020; tiếp theo là châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương.

Chè xanh xuất khẩu đạt 19,1 triệu USD, tăng 24,7% so với quý I/2020. Chè xanh xuất khẩu tới thị trường châu Á chiếm 95,5% tổng trị giá xuất khẩu chè xanh trong quý I/2021; xuất khẩu sang châu Âu chiếm 3,3% và một tỷ trọng nhỏ xuất khẩu sang châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi.

Chè ô long và chè ướp hoa chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu chủng loại chè xuất khẩu trong quý I/2021. Trong đó, đáng chú ý xuất khẩu chè ướp hoa đạt 269,6 nghìn USD, tăng 214,5% so với quý I/2020; chè ướp hoa xuất khẩu chính tới khu vực châu Á.

Xuất khẩu chè tăng mạnh ở các thị trường trọng điểm

Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè đạt 36,9 nghìn tấn, trị giá 58,85 triệu USD, tăng 1,2% về lượng và tăng 6,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong 4 tháng đầu năm 2021, giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.595,6 USD/tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu chè tới thị trường Pakistan chiếm tỷ trọng cao nhất trong 4 tháng đầu năm 2021, đạt 10,34 nghìn tấn, trị giá 19,6 triệu USD, tăng 12,4% về lượng và tăng 16% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, xuất khẩu chè tới thị trường Trung Quốc, Ấn Độ tăng rất mạnh. Xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 3,5 nghìn tấn, trị giá 5,3 triệu USD, tăng 175,2% về lượng và tăng 151,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu chè tới thị trường Ấn Độ đạt 805 tấn, trị giá 1 triệu USD, tăng 1.157,8% về lượng và tăng 1.091,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nhu cầu tiêu thụ chè tại các thị trường này tăng mạnh, nhưng nguồn cung hạn chế do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Đáng chú ý, thị phần chè của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu chè của Đức tăng. Số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho hay, Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 17 cho Đức trong 2 tháng đầu năm 2021, đạt 46 tấn, trị giá 158 nghìn Eur (tương đương 193 nghìn USD), tăng 91,2% về lượng và tăng 59,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Dự báo tăng trưởng xuất khẩu chè trong quý II/2021: Cơ hội trong khó khăn do dịch bùng phát

Theo Bộ Công thương, dự báo xuất khẩu chè của Việt Nam tăng trưởng khả quan trong quý II/2021 nhờ những tín hiệu tích cực từ thị trường nhập khẩu. Cụ thể, xu hướng tiêu thụ chè tăng do người tiêu dùng phải ở nhà nhiều hơn. Những ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do như EVFTA, CPTPP… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện tại. Nhiều quốc gia sản xuất chè bị gián đoạn sản xuất, do dịch Covid-19 và thời tiết khô hạn, làm chuỗi cung ứng chè trên thị trường toàn cầu gián đoạn.

Trong đó đáng chú ý là thị trường Ấn Độ, thị trường sản xuất chè và tiêu thụ chè lớn trên thế giới, đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 và hạn hán tại các khu vực trồng chè chính. Theo các nhà sản xuất chè của Ấn Độ, nếu tình hình dịch khó kiểm soát sẽ dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch bệnh mạnh làm đình trệ mùa thu hoạch và đẩy chi phí tăng cao. Ấn Độ vừa là thị trường tiêu thụ lớn vừa là thị trường xuất khẩu chính. Trong bối cảnh trên, Ấn Độ phải tăng mạnh nhập khẩu chè để tiêu thụ và tái xuất khẩu. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp chè Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu.

Tuy nhiên, điều kiện thời tiết thuận lợi tại các thị trường sản xuất chè chính như Kenya và SriLanka khiến nguồn cung tăng, trong khi nhu cầu vẫn chưa tăng nhiều, dẫn đến giá xuất khẩu giảm do áp lực nguồn cung tăng. Điều này cũng là yếu tố chính cản trở tốc độ tăng trưởng ngành chè của Việt Nam trong thời gian tới.

Qúy II/2020: Khó khăn do Covid, xuất khẩu chè ghi nhận tín hiệu tăng trưởng khả quan - Ảnh 2

Cũng cần lưu ý rằng hoạt động xuất nhập khẩu hiện vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản như: việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm… Do đó, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn về đầu vào, hỗ trợ về mặt thông tin, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nhằm giảm bớt khó khăn của thị trường do dịch Covid - 19 gây ra.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Bảo Anh