Nửa đầu tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước tiếp tục ghi dấu ấn. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả 15 ngày đầu năm 2024 đạt 229,37 triệu USD, tăng tới 50% so với cùng kỳ năm 2023 (tháng 1/2023 đạt 240,47 triệu USD).
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam kỳ vọng khả năng cả năm 2024, xuất khẩu rau quả sẽ đạt kim ngạch đến 6,5 tỷ USD. Hiện nay chất lượng rau quả Việt Nam đã có sự chuyển dịch lớn, bảo đảm các tiêu chí vào nhiều thị trường. Bên cạnh đó, sự đa dạng trong sản phẩm với nhiều mặt hàng trái cây được thị trường thế giới ưa chuộng. Đặc biệt, hiện nay nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, EU đã có những chuyển biến và động thái rất tích cực.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành hàng rau quả có đủ tiềm năng để có thể đạt kỷ mục mới là 6,5 tỷ USD trong năm nay.
Nông sản Việt hiện đã có mặt ở thị trường 190 quốc gia, nhưng với những thị trường lớn, thị phần còn khá khiêm tốn. Đơn cử như Trung Quốc, đến nay nông sản Việt mới chỉ chiếm 5% trong tổng sản lượng nông sản nhập khẩu của đất nước 1,4 tỷ dân này. Điều này đặt ra bài toán cho năm nay là làm sao để vừa giữ vững thị trường, vừa tăng thị phần, giá trị ở những phân khúc mà Việt Nam có thế mạnh.
Sau thành công của sầu riêng tươi, năm nay sầu riêng đông lạnh sẽ là đích đến tiếp theo. Việt Nam hiện đã hoàn thành thủ tục, hồ sơ và sẽ được thị trường Trung Quốc cấp phép nhập khẩu trong đầu năm nay. Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng thêm 30% nhờ mặt hàng này.
Nếu có sự chuẩn bị tốt, các mặt hàng nông sản tỷ USD của Việt Nam đều khá lạc quan trong năm 2024. Tuy nhiên mục tiêu trở thành nhà cung ứng hàng xuất khẩu nông sản ngày càng chất lượng vẫn đang cần những nỗ lực và thay đổi.
"Năm 2023, sản phẩm gạo đạt được mức giá kỷ lục, nhưng đó là nhờ vào thị trường nhiều hơn là thương hiệu. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng thương hiệu truy xuất nguồn gốc cũng rất cần thiết. Không chỉ EU, Nhật Bản yêu cầu mà cả Trung Quốc và các nước Đông Nam Á cũng đang quan tâm", ông Đỗ Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận định.
Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, vị trí nhất, nhì về sản lượng đã không còn nhiều tác động, mà thị trường đang cần những câu trả lời về chất lượng. Sản xuất nông sản không phá rừng, nông sản carbon thấp... sẽ là hướng đi để tăng giá trị và thương hiệu cho Việt Nam.