'Rộng cửa' cho trái cây chất lượng cao Việt Nam sang thị trường Trung Quốc

Đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là nghiên cứu thúc đẩy xây dựng các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, sớm mở cửa cho các sản phẩm trái cây của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

Trong hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chiều 24/6 tại Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh nhân dịp dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía Trung Quốc đẩy nhanh mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông - thủy sản, gia súc, gia cầm và các loại trái cây như bơ, na, roi, chanh leo của Việt Nam.

'Rộng cửa' cho trái cây chất lượng cao Việt Nam sang thị trường Trung Quốc - Ảnh 1

Ông cũng đề nghị hai nước sớm ký Nghị định thư, hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường với sầu riêng đông lạnh và dừa tươi Việt Nam. Hai bên cũng cần trao đổi các biện pháp tăng hiệu suất thông quan, nâng cấp hạ tầng cửa khẩu và xây dựng cửa khẩu thông minh.

Trong lĩnh vực hạ tầng, Thủ tướng mong muốn hai bên đẩy nhanh kết nối, nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng vào thời điểm phù hợp.

Thủ tướng Lý Cường nhận định hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước có mức độ bổ trợ cao và còn tiềm năng rất lớn. Ông cho biết Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông - thủy sản, trái cây chất lượng cao. Trung Quốc cũng tạo điều kiện thuận lợi về kiểm dịch, thông quan hàng và sẵn sàng cùng Việt Nam thúc đẩy giải quyết vướng mắc về chính sách để thương mại hai nước tăng trưởng bền vững.

Thủ tướng Trung Quốc đề nghị hai bên tăng cường kết nối chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông và thúc đẩy hợp tác về kinh tế - thương mại, đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất, chế tạo, nông nghiệp, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, mở rộng hợp tác tài chính - tiền tệ.

Năm ngoái, Việt Nam xuất khoảng 11,5 tỷ USD các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc, trong đó sầu riêng trên 2 tỷ USD.

5 tháng đầu năm, Trung Quốc đã mua 1,7 tỷ USD nông sản Việt, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Sầu riêng vẫn là một trong số nông sản được thị trường tỷ dân này ưa chuộng. Hồi tháng 4, Việt Nam lần đầu vượt Thái Lan về xuất khẩu  loại quả này sang Trung Quốc, với 32.750 tấn.

Ngoài sầu riêng, 13 loại nông sản khác được xuất chính ngạch sang thị trường này, như tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh leo.

Tại hội đàm, hai Thủ tướng nhất trí triển khai hiệu quả Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Hai lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên thực hiện nghiêm nhận thức chung cấp cao và "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc", tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, phát huy hiệu quả các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, xử lý thỏa đáng vấn đề tàu cá ngư dân.

Hai Thủ tướng cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, nhất trí duy trì phối hợp, hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chủ trương nhất quán kiên trì chính sách "một Trung Quốc", ủng hộ Trung Quốc phát huy vai trò ngày càng quan trọng và tích cực trong khu vực và trên thế giới. Việt - Trung sẽ tăng cường phối hợp, hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ WTO, APEC, ASEM, ASEAN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay tới Đại Liên, dự hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF và làm việc tại Trung Quốc ngày 24-27/6. Sự kiện năm nay có chủ đề "Những chân trời tăng trưởng mới", với sự tham gia của 1.600 đại biểu, nhằm tìm kiếm hướng đi cho động lực tăng trưởng trước bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang thúc đẩy mọi ngành nghề kinh tế.