Anh Hà Văn T sống tại TP.HCM cho biết, anh đang nhờ môi giới bán 3 lô đất nền tại tỉnh Long An mà anh mua từ thời điểm đầu năm 2021. Lý do bởi 3 lô đất này anh T đã phải vay ngân hàng với gần nửa giá trị nên phải bán để giải tỏa áp lực tài chính.
Anh T chia sẻ, do các đợt dịch thời gian vừa qua diễn ra trong thời gian dài, trong khi hàng tháng phải gánh lãi ngân hàng nên anh T sốt ruột phải bán ngày sau hết giãn cách. Các nền đất của anh T hiện nay giá chỉ nhích khoảng 5% so với lúc mua vào.
"Xót tiền đóng ngân hàng hàng tháng quá, trong khi do dịch nên đất chỉ nhích giá nhẹ. Giờ muốn bán nhanh cũng khó vì thị trường cũng chưa khởi sắc, nhà đầu tư cũng chỉ mới bắt đầu trở lại thị trường, nên tôi phải đợi thêm", anh T cho hay.
Cùng tâm trạng, anh H ngụ Tp.HCM đang có một nền đất cần bán gấp tại Q.3. Anh H mua từ đầu năm 2021, hiện giá vẫn giữ nguyên do dịch bùng phát kéo dài tại Tp.HCM, nhưng anh vẫn muốn bán ra vì không còn gồng nỗi khoản nợ gần 12 triệu đồng mỗi tháng vay mua đất. Trước đó, anh H kì vọng sẽ bán chênh khoảng vài trăm triệu đồng vào cuối năm nay khi đầu tư miếng đất nền này. Thế nhưng, đợt dịch vừa qua khiến việc kinh doanh riêng lẻ của anh gặp trắc trở, nhiều khoản phí phải bù vào nên gần như không còn gánh nỗi lãi ngân hàng. Được biết, anh H đã gửi môi giới khu vực chào bán nền đất, và cũng mong mỏi từng ngày sẽ bán được nhanh để chi trả khoản nợ ngân hàng.
Trên đây chỉ là một trong số những nhà đầu tư đang bị những khoản lại đè xuống vai bởi họ đã cố gồng gánh kể từ khi đợt dịch COVID bùng phát thời gian vừa qua nên chỉ cần thị trường có tín hiệu trở lại là nhờ môi giới rao bán. Tuy nhiên, đây không phải dạng nhà đầu tư bán tháo hoặc giảm giá mạnh. Họ vẫn căn theo giá thị trường hiện tại để chào bán hoặc có thể thương lượng để giảm chút đỉnh từ 3-5%.
Theo chuyên gia BĐS, ngoài những nhóm nhà đầu tư có nhu cầu đi tìm hiểu bất động sản để tìm sản phẩm mua sau mùa giãn cách thì vẫn còn những nhà đầu tư có nhu cầu bán ra bất động sản để giải quyết vấn đề trước mắt. Bởi suốt 4 tháng qua, nhiều nhà đầu tư phải gồng mình trả lãi vay ngân hàng chưa nói đến nhiều chi phí khác, nên họ có nhu cầu bán ra bất động sản để giải quyết vấn đề trước mắt.
Đối với những nhà đầu tư muốn bán BĐS sau dịch đa số là những người dùng đòn bẩy tài chính cao, sức chịu đựng gần như hết trong mấy tháng dịch bệnh. Thậm chí, họ không dám ăn, dám mặc để đi trả nợ lãi ngân hàng. Những nhà đầu tư này chỉ mong mở cửa để bán được BĐS.
Chia sẻ tại Talk show toàn cảnh “Thanh khoản lao dốc: Bán tháo cắt lỗ hay vay tiền ôm đất”, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hoà, chuyên gia BĐS cho rằng, hiện nay muốn giao dịch được BĐS gặp khó, nên nhà đầu tư buộc phải bán giảm giá nếu cần tiền mặt.
Có hay không nhà đầu tư BĐS đang cố gắng bán tháo, cắt lỗ BĐS khi dịch Covid-19 bùng phát?, ông Trần Khánh Quang cho rằng, chúng ta đang ở thời kỳ thứ 4 của đại dịch Covid nhưng dịch đợt này có vẻ kéo dài hơn các đợt trước. Mặc dù các nhà đầu tư và khách hàng có tư thế phòng thủ và cơ hội ở trước dịch, cũng như chờ đợi cơ hội mua BĐS giá tốt trong thời điểm dịch này.
Tuy nhiên trong lúc này, thị trường BĐS diễn ra xu hướng: Mặc dù tình hình dịch ngày càng phức tạp, nhưng không thấy hiện tượng bán tháo trên thị trường. "Thị trường sẽ diễn ra một cách âm thầm lặng lẽ, không phải bán tháo mà gọi là bán để thu hồi tiền mặt. Vì có một số nhà đầu tư hiện nay đang cơ cấu lại tài sản", ông Quang nhấn mạnh.
Chuyên gia Trần Khánh Quang cho rằng, các nhà đầu tư chuyên nghiệp hiện nay đã chuẩn bị sẵn cho đợt dịch này rồi. Sau đợt dịch thứ nhất, thứ hai, thứ ba tới đợt dịch thứ tư, họ đã có một phương án phòng thủ, tức là chuẩn bị sẵn tiền mặt để có thể sống được qua mùa dịch.
Tuy nhiên, chúng ta thấy có một số người không chuẩn bị kịp thành ra cũng gặp một số khó khăn nhất định.Theo tôi đánh giá, khoảng 80% nhà đầu tư chuyên nghiệp cũ đã có phương án dự phòng tài chính để vượt qua mùa dịch này trong thời điểm 2-3 tháng. Còn 20% các nhà đầu tư chưa chuẩn bị kịp trong thời điểm hiện nay bắt đầu khó khăn trong việc cầm cự.
"Nếu tham lam giữ lãi thì tốn rất nhiều tiền nếu không có sự chuẩn bị. Một tháng, hai tháng, ba tháng tôi nghĩ còn gồng được. Nhưng đến tháng thứ tư, thứ năm, thứ sáu thị trường bắt đầu xảy ra chuyện khó. Số lượng 20% nhà đầu tư chưa có phương án dự phòng lúc đó sẽ gặp rủi ro rất lớn.Thành ra lúc đó phải bán giá thấp xuống rất nhiều so với hiện nay. Lúc đó có người sợ hãi thì mới có người tham lam nhảy vào. Người muốn mua BĐS nhảy vào", ông Quang khẳng định.