Nằm ở độ cao hơn 1.300 mét so với mực nước biển, Suối Giàng một xã vùng cao của huyện Văn Chấn, Yên Bái là nơi mây phủ quanh năm, khí hậu mát lạnh và đất đai màu mỡ, rất thích hợp cho giống chè Shan tuyết cổ thụ sinh trưởng. Chính nơi đây đã lưu giữ một trong những báu vật thiên nhiên quý giá nhất của vùng Tây Bắc: quần thể hàng nghìn cây chè Shan tuyết có tuổi đời từ 100 đến trên 300 năm, trải rộng trên gần 500 ha đất rừng. Với người Mông Suối Giàng, cây chè không chỉ là sản vật núi rừng mà còn là một phần hồn cốt văn hóa, là nguồn sống, là cây di sản gắn liền với hành trình vươn lên no ấm và tự hào.
Nhân dân xã Suối Giàng thu hoạch chè Shan tuyết.
Cây chè của trời, sản vật của đất
Không phải ngẫu nhiên mà Suối Giàng được ví như “thủ phủ chè Shan tuyết” của Việt Nam. Giữa đại ngàn xanh thẳm, những gốc chè cổ thụ sần sùi, rêu mốc phủ đầy thân cây như chứng nhân của thời gian, lặng lẽ hút tinh khí đất trời để chắt chiu từng búp chè thơm nồng, đượm vị. Chính khí hậu lạnh quanh năm cùng lớp sương mù dày đặc đã tạo nên một hệ sinh thái đặc biệt giúp chè Shan tuyết Suối Giàng có hương vị rất riêng chát dịu, hậu ngọt sâu và mùi thơm thanh khiết.
Điều đáng quý là toàn bộ quá trình chăm sóc và thu hái chè tại Suối Giàng đều mang đậm nét thủ công truyền thống. Người Mông không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật, mà để cây sinh trưởng tự nhiên giữa rừng. Mỗi búp chè được hái bằng tay vào buổi sớm, khi lá chè còn đẫm sương, theo phương pháp truyền thống đã được truyền lại qua nhiều thế hệ. Nhờ vậy, chè Shan tuyết nơi đây không chỉ sạch mà còn giữ được toàn bộ dưỡng chất và hương vị tinh túy nhất.
Cây chủ lực làm nên sinh kế bền vững
Từ chỗ chỉ là cây rừng mọc tự nhiên, ngày nay cây chè Shan tuyết đã trở thành trụ cột kinh tế cho người Mông Suối Giàng. Ông Vàng A Của, thôn Pang Cáng, cho biết: “Gia đình tôi đã gắn bó với cây chè hàng chục năm. Mỗi năm thu nhập từ chè búp đạt hơn 70 triệu đồng một con số trước kia chưa từng dám nghĩ tới.” Sự thay đổi không chỉ nằm ở con số, mà ở nhận thức: người dân đã ý thức sâu sắc giá trị lâu dài của cây chè cổ thụ, từ đó tăng cường chăm sóc, không chặt phá, không làm hại rễ cây, tích cực trồng mới, phục tráng vùng chè cổ.
Bên cạnh thu nhập trực tiếp từ chè búp, mô hình du lịch cộng đồng gắn với cây chè cũng đang mở ra nhiều cơ hội mới. Du khách đến Suối Giàng không chỉ để thưởng trà mà còn để sống trong không gian văn hóa Mông đặc sắc, được ngắm nhìn những cây chè to vài người ôm không xuể, trải nghiệm hái chè, sao chè, pha trà… Chính cây chè đã trở thành chiếc cầu nối giữa bản làng và thế giới, giữa thiên nhiên hoang sơ và nhịp sống hiện đại.
Những thách thức không thể bỏ qua
Tuy nhiên, không phải mọi điều đều thuận buồm xuôi gió. Do đặc tính phát triển tự nhiên, cây chè Shan tuyết cổ dễ bị mối mọt, gia súc phá hoại, hoặc tệ hơn là bị đào gốc để bán cho người chơi cây cảnh, dẫn đến suy giảm số lượng, diện tích và tuổi thọ cây. Để đối phó, chính quyền và người dân Suối Giàng đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ: đánh dấu cây đầu dòng để bảo tồn nguồn gen quý; tăng cường giám sát, xử phạt nghiêm hành vi chặt hạ; khuyến khích chăm sóc hữu cơ; và quan trọng nhất là bảo vệ tri thức bản địa từ chính cộng đồng người Mông.
Hơn nữa, xã đã phối hợp với huyện Văn Chấn quy hoạch vùng chè cổ gắn với khu du lịch sinh thái, tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Việc nhân rộng mô hình trồng chè hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu giúp nâng tầm giá trị sản phẩm và đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế. Đây không chỉ là bước đi chiến lược để bảo vệ cây chè mà còn là cách để chè Shan tuyết Suối Giàng tiếp tục vươn ra thế giới với vị thế mới.
Bước chuyển mình nhờ kinh tế hợp tác
Không thể không nhắc đến vai trò của các hợp tác xã trong quá trình chuyên nghiệp hóa ngành chè tại Suối Giàng. Bà Lâm Thị Kim Thoa –Giám đốc Hợp tác xã Suối Giàng cho biết: “Chúng tôi ký cam kết với bà con về bao tiêu sản phẩm, đảm bảo giá thu mua ổn định, từ đó giúp bà con yên tâm đầu tư chăm sóc chè lâu dài.” Hợp tác xã cũng kiểm soát chặt chẽ các khâu từ thu hái đến chế biến, đóng gói, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu. Nhờ vậy, chè Shan tuyết Suối Giàng đã trở thành sản phẩm OCOP, có mặt tại nhiều thị trường khó tính như Đức, Pháp, Nhật Bản...
Chè không chỉ là hàng hóa mà là một phần văn hóa. Khi người Mông uống chè Shan tuyết, họ không chỉ thưởng thức vị trà mà còn giữ gìn một phần lịch sử của dân tộc mình. Và khi thế giới nhấp ngụm trà từ Suối Giàng, họ đang chạm đến tầng sâu của thiên nhiên, văn hóa và con người Tây Bắc.
Niềm tự hào từ cây Di sản
Hiện nay, hơn 400 cây chè Shan tuyết cổ thụ tại Suối Giàng đã được công nhận là cây Di sản Việt Nam một danh hiệu không chỉ mang tính biểu trưng, mà còn là minh chứng cho giá trị bền vững của loại cây này trong hệ sinh thái, văn hóa và kinh tế. Những nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương đã biến cây chè từ tài nguyên thô thành giá trị bền vững, từ một loại cây rừng thành biểu tượng cho sự chuyển mình của cộng đồng người Mông.
Từ rễ sâu trong đất đến lá non ngậm sương, từ chén trà đượm tình đến câu chuyện thương hiệu vươn xa cây chè Shan tuyết Suối Giàng đã và đang làm nên một cuộc sống mới: no đủ hơn, văn minh hơn và đầy tự hào. Một cây di sản, một vùng đất thiêng và một hành trình đáng giá để gìn giữ cho thế hệ mai sau.