Sơn La: Huyện Mộc Châu xây dựng những miền quê đáng sống

Đến với cao nguyên Mộc Châu, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay trong đời sống, sinh hoạt của nhân dân, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang,...Kết quả đó là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận của người dân chung sức xây dựng nông thôn mới.

Mộc góc huyện Mộc Châu hôm nay. Ảnh: Nam Trứ.
Mộc góc huyện Mộc Châu hôm nay. Ảnh: Nam Trứ.

Đồng chí Lê Trọng Bình, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện đã phát động phong trào “Mộc Châu chung sức xây dựng nông thôn mới” được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và mọi tầng lớp nhân dân trong toàn huyện quan tâm, tích cực hưởng ứng và trở thành phong trào thi đua thường xuyên, sâu rộng. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Trung ương, của tỉnh theo quan điểm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”; “huy động nội lực là chủ yếu; hỗ trợ của doanh nghiệp là quan trọng; đầu tư của Nhà nước là cần thiết”, “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” trong đầu tư hạ tầng nông thôn, tạo sự thay đổi rõ nét khu vực nông thôn.

Chính sự đồng thuận của nhân dân đã phát huy nội lực quan trọng trong xây dựng hạ tầng nông thôn trên địa bàn. Từ năm 2020 đến nay, Mộc Châu đầu tư xây dựng 268 tuyến đường với chiều dài gần 68 km, tổng mức đầu tư trên 91 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ hơn 28,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 63 tỷ đồng; hiến trên 13.580 m2 đất làm đường giao thông nông thôn.

Đồi chè Mộc Châu thu hút du khách trải nghiệm, thăm quan. Ảnh: Nam Trứ.
Đồi chè Mộc Châu thu hút du khách trải nghiệm, thăm quan. Ảnh: Nam Trứ.

Đến nay, toàn huyện có 309 km đường giao thông nông thôn, trong đó, đã cứng hóa 202,6km, đạt tỷ lệ 65,5%; có 5/13 xã đã cứng hóa 100% đường đến bản, trục bản; có 7 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, người dân làm mới 188 km đường điện chiếu sáng ngõ, xóm tại các bản, tiểu khu trên địa bàn 13 xã theo hình thức nhân dân đầu tư, Nhà nước hỗ trợ tiền điện, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội trên địa bàn nông thôn.

Cơ sở vật chất đường giao thông thuận lợi cho các dịch vụ du lịch. Ảnh: Nam Trứ.
Cơ sở vật chất đường giao thông thuận lợi cho các dịch vụ du lịch. Ảnh: Nam Trứ.

Bên cạnh đó, Mộc Châu đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ; xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn.

Mộc Châu hiện có 293 cơ sở ứng dụng tưới tiết kiệm cho hơn 481 ha cây trồng; 36 cơ sở đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới với diện tích gần 46 ha; có 29 mã số vùng trồng được cấp mã số; 24 cơ sở áp dụng việc thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích gần 383 ha, tập trung chủ yếu trên các loại sản phẩm rau, chè và cây ăn quả. Có 1.673 tổ chức, cá nhân sản xuất theo hướng hữu cơ với tổng diện tích sản xuất hơn 2.300 ha và có 3 mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ...

Mộc Châu được vinh danh là điểm đến thên nhiên hàng đầu thế giới. Ảnh: Nam Trứ
Mộc Châu được vinh danh là điểm đến thên nhiên hàng đầu thế giới. Ảnh: Nam Trứ.
Thác Dải Yến, địa danh thu hút du khách. Ảnh: Nam Trứ
Thác Dải Yến, địa danh thu hút du khách. Ảnh: Nam Trứ.

Toàn huyện có hơn 100 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp với tổng vốn điều lệ trên 169 tỷ đồng, 1.045 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 1.224 lao động và trên 1.500 lao động theo mùa vụ. Việc phát triển các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm của các thành viên và nhân dân. Hoạt động của các HTX đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có 30 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp hạng, với 8 sản phẩm đạt 4 sao, 22 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh.

Đông Sang được công nhận xã nông thôn mới vào cuối năm 2018, ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Đảng bộ, chính quyền xã luôn tập trung vận động nhân dân khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương tập trung phát triển sản xuất hàng hóa. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau, trồng hoa, quả mang lại cho người dân thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Nhờ đó, đời sống của người dân trong xã ngày một nâng cao, thu nhập bình quân đạt 50,7 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 5%. Đến nay, toàn huyện có 8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 bản đạt chuẩn nông thôn mới, 2 bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...

Trong bước đi tiếp theo, huyện Mộc Châu tập trung chỉ đạo các xã mở rộng quy mô phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế hàng hóa. Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng tại cơ sở, triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, xây dựng nông thôn mới thực sự là những miền quê đáng sống.

Nam Trứ /Văn phòng Tây Bắc