Sơn La: Phát huy vai trò của Hợp tác xã trong xây dựng sản phẩm OCOP

Kết quả xây dựng sản phẩm OCOP trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” trên địa bàn tỉnh Sơn La có sự đóng góp hiệu quả của các Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (One Commune One Product - OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị đầu tiên được Việt Nam triển khai trên toàn quốc từ năm 2018 tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Chương trình là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, ra đời nhằm thực hiện bền vững các tiêu chí về sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt khu vực nông thôn. Theo đó, trọng tâm chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế tại mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.

Trên địa bàn huyện Thuận Châu hiện có 51 HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, doanh thu bình quân đạt 1 tỷ đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 35 triệu đồng/năm. Các HTX đã đổi mới phương thức hoạt động; năng động kết nối, hình thành các chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và thị trường; chủ động áp dụng khoa học, kỹ thuật, tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất, tạo sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Điển hình là chế biến chè; chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm quả an toàn; liên kết tiêu thụ sản phẩm khoai sọ, gà đen; hoa quả an toàn...

Vùng nguyên liệu chè của HTX Sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận (xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La).
Vùng nguyên liệu chè của HTX Sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận (xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La).

Các HTX trên địa bàn đang là những đơn vị tiên phong tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện, các HTX đã triển khai chuẩn hóa sản phẩm OCOP đối với sản phẩm Coffee Arabica Minh Trí; thịt hun khói Tông Cọ; mật ong Phổng Lái. Huyện có 5 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, gồm sản phẩm du lịch điểm du lịch Pha Đin Top; trà Olong Thu Đan; cá rô phi phi lê sông Đà; cá trắm hun khói Chiềng La; chè Trọng Nguyên.

HTX chè Chiềng Pha, huyện Thuận Châu liên kết tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi cho nhân dân.
HTX chè Chiềng Pha, huyện Thuận Châu liên kết tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi cho nhân dân.

Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Châu, cho biết: Hoạt động hiệu quả của các HTX đã góp phần hoàn thành tiêu chí về các hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM. Được thể hiện rõ nét ở lĩnh vực sản xuất theo quy hoạch, tạo sản phẩm hàng hóa chủ lực tham gia thị trường trong nước và phục vụ chế biến xuất khẩu. Đến nay, huyện có 11/28 xã đạt tiêu chí số 13 về các hình thức tổ chức sản xuất.

Khai thác lợi thế của địa phương có nhiều nguồn hoa, nhất là hoa sa nhân, nhãn, năm 2019, 13 hộ dân xã Phổng Lái phát triển mô hình nuôi ong lấy mật và liên kết thành lập HTX ong Phổng Lái. Hiện nay, HTX đang nuôi trên 1.000 đàn ong. HTX đã áp dụng thành công quy trình và ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trong chăm sóc đàn ong và khai thác mật.

Các HTX trên địa bàn cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng NTM của các xã, như các tiêu chí về: Chợ nông thôn, hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo, chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng tích cực... Đồng thời, cùng cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng, phát triển các sản phẩm tiềm năng, chủ lực, có lợi thế so sánh của địa phương, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Nhiều HTX còn tích cực vận động các thành viên tham gia ngày công lao động, tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng.

Thương hiệu chè Trọng Nguyên là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Sơn La.
Thương hiệu chè Trọng Nguyên là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Sơn La.

Cùng với đó, có hơn 68 ha cây ăn quả, trong đó, có 46 ha nhãn đang được sản xuất theo hướng hữu cơ, hằng năm Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Lộc, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, thu hoạch từ 500 đến 600 tấn nhãn tươi. Từ đó, tạo việc làm ổn định cho lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 7 đến 15 triệu đồng/tháng; không chỉ nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân nông thôn mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của huyện.

Hầu hết các hợp tác xã tại huyện Sông Mã phát triển kinh tế từ cây nhãn đều hoạt động hiệu quả và mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Trong đó, điển hình là Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Lộc, xã Chiềng Khương.

Cây nhãn được trồng ở Sông Mã bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi một số người tỉnh Hưng Yên quyết định lên huyện Sông Mã lập nghiệp. Họ đã mang theo giống nhãn Hưng Yên nổi tiếng và trồng giống nhãn này trên mảnh đất của huyện Sông Mã. Tuy vậy, giống nhãn Hưng Yên được trồng tại vùng đất mới đã không đem lại hiệu quả chất lượng như mong đợi, cây yếu và dễ sâu bệnh. Đánh giá được tiềm năng phát triển của cây nhãn, huyện Sông Mã đã hợp tác cùng Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương tiến hành nghiên cứu khoa học, nhằm cải tạo giống nhãn này để phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại huyện và đem lại năng suất cao. Đó là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của đặc sản nhãn Sông Mã ngày nay.

Vườn trồng nhãn ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La từ trên cao.
Vườn trồng nhãn ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La từ trên cao.

Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Lộc, chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi đã có nhiều năm gắn bó với cây ngô, nhưng thu nhập chẳng là bao, cuộc sống cũng không khá lên được. Sau đó, tôi đã quyết định lựa chọn cây nhãn, với tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao hơn, cùng với nhiều điều kiện hỗ trợ thuận lợi từ địa phương.

Đến nay, Hợp tác Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Lộc đã xây dựng được thương hiệu uy tín trên thị trường. Nhãn của Hợp tác xã được phân phối rộng rãi khắp các tỉnh thành miền Bắc và ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ vào chất lượng và hương vị độc đáo, quả nhãn từ Hợp tác Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Lộc không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn có tiềm năng để xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, như Trung Quốc, Mỹ, Úc, Vương quốc Anh và các quốc gia khác trong tương lai.

Nhờ vào những nỗ lực không ngừng, quả nhãn từ Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Lộc nói riêng và nhãn Sông Mã nói chung đã từng bước khẳng định vị thế, chất lượng của mình trên thị trường. Từ lâu, đó không chỉ là một loại cây ăn quả mà còn là biểu tượng cho ý chí vươn lên, sự đoàn kết và câu chuyện thành công của những người nông dân, hợp tác xã tại vùng đất dốc Sơn La trong việc tạo ra sản phẩm độc đáo đến tay người tiêu dùng trong nước và vươn ra thế giới.

Sản phẩm long nhãn của HTX dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh.
Sản phẩm long nhãn của HTX dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh.

Chiếm hơn 70% diện tích cây ăn quả toàn huyện, từ lâu nhãn đã trở thành cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế, đồng thời là một biểu tượng độc đáo của huyện Sông Mã. Quả nhãn được trồng tại đây có đặc điểm chung là quả to tròn, vỏ mỏng và có màu nâu sáng, hạt nhỏ, cùi dày và hương vị thơm ngọt. Theo báo cáo của UBND huyện Sông Mã, năm 2023, với hai giống chính là Miền Thiết và T6, sản lượng nhãn tươi ước đạt trên 70.000 tấn, tăng khoảng 16% so với năm 2022.

Nằm sâu trong vùng núi phía tây tỉnh Sơn La, huyện Sông Mã đang trở thành tâm điểm của sự phát triển đột phá trong sản xuất cây ăn quả, đặc biệt là cây nhãn và cam. Một trong những điển hình tiên tiến trong những năm gần đây là sự phát triển của Hợp tác xã Cây ăn quả Diên Việt Có Tre. Tính đến tháng 9/2023, Hợp tác xã có 18 thành viên, quy mô sản xuất trên 96 ha đất trồng cây ăn quả. Không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho bà con địa phương, Hợp tác xã còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của huyện Sông Mã và tỉnh Sơn La.

Nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn của quả khi thu hoạch, Hợp tác xã Cây ăn quả Diên Việt Có Tre đã áp dụng các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, trong đó có 32 ha cam đã được chứng nhận đạt VietGAP. Từ việc lựa chọn kỹ lưỡng cây giống và đất trồng phù hợp với từng loại quả, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định cho đến khi quả chín; quy trình thu hoạch, đóng gói và gửi hàng cũng rất được chú trọng để đảm bảo quả tươi ngon khi đến tay khách hàng. Những trái cây tươi từ Hợp tác xã Cây ăn quả Diên Việt Có Tre đều được ghi chép đầy đủ nhật ký trồng trọt để truy xuất nguồn gốc khi cần. Hiện Hợp tác xã đã cung cấp một loạt sản phẩm như nhãn, cam, bưởi, xoài và nhiều sản phẩm khác cho thị trường trong nước.

Vườn cam đang độ chín của Hợp tác xã Cây ăn quả Diên Việt Có Tre.
Vườn cam đang độ chín của Hợp tác xã Cây ăn quả Diên Việt Có Tre.

Những thành công của Hợp tác xã Cây ăn quả Diên Việt Có Tre đã góp phần đưa thương hiệu trái cây của tỉnh Sơn La vươn tầm ra cả nước và trên thị trường quốc tế. Những sản phẩm này không chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu mà còn đem lại niềm tự hào. Đồng thời, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân địa phương và đóng góp cho sự phát triển bền vững của khu vực và cả nước.

Theo Báo cáo của UBND huyện Sông Mã, năm 2022, huyện đã xuất khẩu được 4.358 tấn quả, trong đó, 3.158 tấn quả nhãn tươi và long nhãn, còn lại là xoài. Trong năm 2023, sản lượng dự kiến của nhãn và xoài tại huyện Sông Mã là khoảng 82.000 tấn quả, trong đó có dự định xuất khẩu khoảng 22.000 tấn quả đi các thị trường quốc tế như Trung Quốc, Úc, Vương quốc Anh, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác.

Việc xây dựng các mô hình kinh tế HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La đã và đang tạo động lực cho quá trình xây dựng nông thôn mới và tạo ra thương hiệu các sản phẩm OCOP gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển

Phi Long/VPTB