Tập trung triển khai kế hoạch, phấn đấu xây dựng hoàn thiện các tiêu chí Nông thôn mới
Trong 6 tháng, chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện: Tỉnh ủy tổ chức đoàn giám sát kết quả thực hiện phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Thường trực tỉnh ủy cho ý kiến vào kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình năm 2024 để UBND tỉnh ban hành, tổ chức thực hiện; Ban chỉ đạo 396 xây dựng huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, tổ chức các cuộc họp định kỳ theo quý hoặc đột xuất nhằm tháo gỡ các khó khăn cho cơ sở, quyết định thành lập 6 tổ công tác giúp việc ban chỉ đạo, ban hành quy chế và xây dựng kế hoạch đạt chuẩn 6 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Cùng với đó, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định thành lập đoàn giám sát chuyên đề và xây dựng kế hoạch giám sát tối cao về chương trình xây dựng NTM trong năm 2024; UBND tỉnh, Ban chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo quyết liệt thực hiện chương trình ngay từ đầu năm, tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thực hiện chương trình, nhất là về nhiệm vụ giải ngân các nguồn vốn và các dự án chuỗi giá trị theo quy định. Các sở, ban ngành theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục tham mưu các chính sách, tổ chức tuyên truyền, hội nghị, tập huấn và kiểm tra giám sát chương trình theo thẩm quyền. Các huyện, thành phố tổ chức thực hiện chương trình theo quy định trên phạm vi 188 xã nông thôn của tỉnh.
Riêng từ đầu năm đến nay, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã ban hành trên 1.200 văn bản các loại: Cấp tỉnh ban hành trên 200 văn bản chỉ đạo; cấp huyện, thành phố, cấp xã ban hành trên 1.000 văn bản tổ chức triển khai thực hiện chương trình, trong đó: Tỉnh ủy ban hành Thông báo kết luận về Chương trình giám sát chuyên đề phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Công văn số 4947-CV/TU ngày 29/3/2024 về cho chủ trương ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2024. UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 17/4/2024 về tổ chức triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2024; Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 02/5/2024 về kiểm tra công tác triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2024 và 46 văn bản chỉ đạo, thông báo kết luận tổ chức thực hiện chương trình. Các sở, ngành ban hành 58 văn bản về hướng dẫn, đề xuất hợp nhất các chỉ tiêu, tiêu chí theo Quyết định số 211/QĐ-TTg, hướng dẫn về rà soát, đánh giá lại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2015-2021 theo Quyết định số 03/QĐ-TTg, ban hành các báo cáo, kế hoạch triển khai chương trình theo thẩm quyền. Các huyện, thành phố ban hành 1.082 văn bản về nghị quyết, kế hoạch, văn bản chỉ đạo và triển khai đăng ký xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024, tổ chức thực hiện các dự án, nội dung thành phần của chương trình theo quy định.
Đi đầu trong công tác tuyên truyền và xây dựng các phong trào thi đua
Trong công tác thông tin tuyên truyền, phát động phong trào thi đua: Trong 6 tháng qua, tỉnh đã đưa được 1.049 tin bài, 25 chuyên mục, 16 phóng sự về các chủ trương, đường lối, các tấm gương người tốt, việc tốt trên Báo Sơn La, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Đài tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Bắc, Báo nông thôn ngày nay... Tổ chức được 35 lượt truyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, văn hóa, văn nghệ, hội thi, hội diễn, xe lưu động, chiếu phim; cấp phát được 23 băng zôn, 50 cờ, 81 ấn phẩm tuyên truyền trực quan; mở 764 Hội nghị chuyên đề, hội nghị đầu bờ thực hiện các nội dung thành phần của chương trình xây dựng nông thôn mới...
Phong trào thi đua “Sơn La chung sức xây dựng nông thôn mới” năm 2024 tiếp tục được phát động, thi đua dưới nhiều hình thức, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội triển khai bằng các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch gắn với việc xây dựng nông thôn mới” được đông đảo các tầng lớp nhân dân, các hội viên, thành viên hưởng ứng, tự nguyện tham gia, các huyện, thành phố phát động phong trào “Ngày về với cơ sở”, huy động các cán bộ, công chức tiếp tục hướng đến cơ sở vào thứ 7, chủ nhật, giúp nhân dân chỉnh trang nhà cửa, xóa nhà tạm, cải tạo môi trường, cảnh quan, không gian sống, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Nhờ vậy, phong trào đã huy động, đóng góp trực tiếp bằng tiền mặt được trên 6.600 triệu đồng, nhân dân đóng góp 58.754 m2 đất để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa...với 765 ngày công lao động, nhiều tài sản, vật liệu tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp, HTX, nhân dân đóng góp, mở ra được nhiều tuyến đường nông thôn khang trang, sạch đẹp, nhiều cơ sở thiết chế văn hóa nông thôn được đầu tư, phát triển, nhiều mô hình bản, tiểu khu nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu được xây dựng hướng tới những miền quê đáng sống như mô hình bản nông thôn mới kiểu mẫu tại các Bản Chiềng Thượng xã Quang Huy huyện Phù Yên, Bản Văn Minh xã Mường Bú huyện Mường La...
Ông Sùng A Dế, Phó Chánh Văn phòng điều phối Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La chia sẻ: Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường các nhiệm vụ, giải pháp về thông tin, tuyên truyền về xây dựng NTM, đổi mới, đa dạng hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức mới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, nhiệm vụ của nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trong tình hình mới; phát huy hiệu quả những thành tựu, kinh nghiệm, cách làm hay từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, nhất là trong xây dựng nông thôn 10 mới trong thời gian qua để học tập và nhân ra diện rộng. Trong 6 tháng đầu năm, số xã đạt 19 tiêu chí: 65 xã, đạt tỉ lệ 34,57%; Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí: 01 xã, đạt tỉ lệ 0,53%; Số xã đạt từ 10-14 tiêu chí: 45 xã, đạt tỉ lệ 23,94%; Số xã đạt từ 5-9 tiêu chí: 77 xã, đạt tỉ lệ 40,96%...
Bên cạnh tích cực trong Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Sơn La tiếp tục đảy mạnh Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2024. Phấn đấu có từ 50 sản phẩm từ 3 sao trở lên, tăng sản phẩm OCOP được công nhận của tỉnh từ 151 sản phẩm năm 2023 lên 204 sản phẩm năm 2024. Tiếp tục tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận lại 12 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao được UBND tỉnh công nhận tại Quyết định số 3246/QĐ-UBND ngày 30/12/2019; Phối hợp các các ngành, các huyện, thành phố tiến hành rà soát, đánh giá các sản phẩm tiềm năng để tổ chức lập hồ sơ, đánh giá công nhận vào cuối năm 2024. Phối hợp với các cơ quan, HTX trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Bắc. Thực hiện chuyển đổi mô hình “Sản xuất các sản phẩm OCOP từ tre gắn với phát triển vùng nguyên liệu, chế biến tre bền vững tại xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn” sang mô hình “Sản xuất sản phẩm OCOP từ táo Sơn Tra gắn với phát triển vùng nguyên liệu, hình thành liên kết chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm táo Sơn tra” tại xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu...
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đôn đốc các địa phương nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí chưa bền vững. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình để phát hiện, nhân rộng các cách làm sáng tạo, mô hình hiệu quả; cũng như kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.
A Trứ - Đại Phong/ VP Tây Bắc