Sự bùng nổ của matcha: Khi trà xanh Nhật Bản chinh phục phương Tây

Matcha, loại trà xanh bột truyền thống của Nhật Bản, đang chinh phục thị trường phương Tây nhờ lợi ích sức khỏe và sự sáng tạo trong ẩm thực. Từ latte đến bánh ngọt, matcha không chỉ là xu hướng đồ uống mà còn phản ánh sự giao thoa văn hóa, tạo nên cơn sốt toàn cầu.

Ngày nay, một tỷ lệ đáng kể người tiêu dùng phương Tây đã và đang nghe nói đến matcha, ngay cả khi họ chưa thử hoặc chưa biết chính xác nó là gì. Đối với nhiều người tiêu dùng phương Tây, họ sẽ thấy matcha xuất hiện trên thực đơn của các quán cà phê, chuỗi cửa hàng đồ uống, hoặc được dùng làm hương vị trong bánh nướng, kem, thậm chí cả các sản phẩm trà đóng gói. Sự phổ biến ngày càng tăng của matcha không chỉ thể hiện sự mở rộng của một sản phẩm mà còn là sự lan tỏa của một nền văn hóa.

Sự bùng nổ của matcha: Khi trà xanh Nhật Bản chinh phục phương Tây - Ảnh 1

Nguồn gốc và giá trị truyền thống của matcha

Matcha có nguồn gốc từ cây Camellia sinensis, được trồng và sử dụng làm trà từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên tại Trung Quốc. Tuy nhiên, mãi đến khoảng thế kỷ thứ 7 đến thể kỷ thứ 10, matcha mới được ghi chép lại như một phương thức tiêu thụ lá trà đặc biệt: lá trà được nghiền mịn thành bột, sau đó đánh tan với nước nóng và uống toàn bộ thay vì chỉ pha nước như các loại trà thông thường.

Vào thế kỷ 12, một nhà sư Phật giáo Nhật Bản đã mang matcha đến Nhật Bản, nơi nó nhanh chóng trở thành một thức uống quý hiếm, được tiêu thụ trong các nghi lễ thiền định. Đến thế kỷ 16, văn hóa thưởng trà matcha đã phát triển thành một nghi thức trang trọng với những dụng cụ đặc trưng như bát, chổi tre và phương pháp đánh trà đặc biệt. Ngày nay, dù không còn chỉ dành riêng cho tầng lớp quý tộc, nghi thức trà đạo với matcha vẫn mang giá trị tinh thần sâu sắc trong văn hóa Nhật Bản.

Tại Nhật Bản hiện đại, bên cạnh những buổi trà đạo truyền thống, matcha latte cũng trở nên phổ biến rộng rãi, xuất hiện trong các chuỗi cửa hàng cà phê và thậm chí là các sản phẩm đóng gói sẵn.

Sự lan tỏa của matcha đến phương Tây

Các nước phương Tây từ lâu đã khám phá và tiếp nhận văn hóa ẩm thực Nhật Bản, và matcha cũng không ngoại lệ. Sự bùng nổ của matcha đặc biệt rõ ràng tại Hoa Kỳ, nơi mà thị trường này đã đạt giá trị 2,7 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng lên 7,1 tỷ USD vào năm 2033, theo báo cáo của Future Market Insights (FMI). Sự phát triển mạnh mẽ này chủ yếu nhờ vào nhận thức ngày càng cao về lợi ích sức khỏe của matcha, ứng dụng của nó trong ngành thực phẩm và mỹ phẩm.

Ở châu Âu, công ty OMGTea tại Anh cũng chứng kiến sự tăng trưởng đột biến của thị trường matcha. Theo Katherine Swift, nhà sáng lập OMGTea, trước đây rất ít người biết đến matcha, nhưng hiện nay nó đã trở thành một xu hướng mạnh mẽ. Điều này thể hiện qua sự xuất hiện của các quán bar chuyên về matcha tại nhiều thành phố lớn như New York, Los Angeles, và London.

Một ví dụ điển hình là Blank Street, một chuỗi cà phê bắt đầu tại Brooklyn, New York vào năm 2020. Khi mở rộng sang London vào năm 2022, Blank Street đã tạo ra sự khác biệt bằng cách giới thiệu những sản phẩm matcha sáng tạo như Blueberry Matcha Latte. Sự kết hợp này nhanh chóng trở thành trào lưu trên TikTok và góp phần làm tăng mức độ phổ biến của matcha trong giới trẻ.

Sự hấp dẫn về mặt sức khỏe của matcha

Một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy sự bùng nổ của matcha là những lợi ích sức khỏe mà nó mang lại. Matcha chứa hàm lượng cao catechin, đặc biệt là EGCG (epigallocatechin gallate), giúp chống oxy hóa, giảm viêm và hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Theo nghiên cứu được công bố trên PubMed Central, việc tiêu thụ matcha thường xuyên có thể mang lại lợi ích cho cả thể chất và tinh thần.

Chính những lợi ích này đã truyền cảm hứng cho Katherine Swift sáng lập OMGTea. Cô bắt đầu quan tâm đến matcha khi mẹ cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Sau một thời gian tìm hiểu, Swift nhận ra rằng matcha có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, từ đó quyết định xây dựng thương hiệu OMGTea và thành lập tổ chức từ thiện The Healthy Life Foundation nhằm tài trợ nghiên cứu về các bệnh liên quan đến tuổi tác.

Chất lượng matcha: Yếu tố quan trọng quyết định giá trị

Không phải tất cả các loại matcha đều có chất lượng như nhau. Matcha cao cấp thường có màu xanh sáng, kết cấu mịn như phấn trẻ em, trong khi loại chất lượng thấp có màu xanh xỉn hơn và kết cấu thô hơn. Để đạt được chất lượng tốt nhất, matcha phải được trồng theo phương pháp truyền thống, trong đó các cánh đồng trà được che bóng ba tuần trước khi thu hoạch để tăng hàm lượng chất diệp lục và amino acid, tạo ra hương vị umami đặc trưng.

Khu vực Uji và Kagoshima tại Nhật Bản được xem là nơi sản xuất matcha chất lượng cao nhờ vào điều kiện thổ nhưỡng và kỹ thuật trồng trọt lâu đời. Tại đây, lá trà sau khi thu hoạch sẽ được hấp, làm nguội, sấy khô và nghiền mịn bằng cối đá để đảm bảo kết cấu mềm mượt nhất.

Sự bùng nổ của matcha trên toàn cầu là minh chứng cho sự giao thoa văn hóa và khả năng thích nghi của một sản phẩm truyền thống trong bối cảnh hiện đại. Dù được thương mại hóa với nhiều biến thể khác nhau, matcha vẫn giữ được giá trị cốt lõi về sức khỏe và văn hóa. Nhờ vào sự sáng tạo của các thương hiệu và sức mạnh lan truyền của mạng xã hội, matcha không chỉ là một thức uống mà còn là biểu tượng của lối sống lành mạnh, tinh tế, và đầy cảm hứng.

Tâm Ngọc

Từ khóa: