Sự chuyển mình của chè Phú Thọ qua nhãn hiệu chứng nhận và OCOP 5 sao

Chè Phú Thọ, từ những đồi chè xanh mướt, đã bước vào một hành trình mới đầy tiềm năng. Nhờ nhãn hiệu chứng nhận và sản phẩm OCOP 5 sao, chè Phú Thọ không chỉ khẳng định chất lượng mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu, mang giá trị địa phương ra thế giới.

Trên những triền đồi xanh mướt, nơi bóng cọ rì rào trong gió, cây chè đã từ lâu trở thành hình ảnh thân thuộc gắn liền với vùng đất trung du Phú Thọ. Không chỉ là cây trồng chủ lực mang lại sinh kế cho hàng vạn nông dân, cây chè còn là linh hồn trong bức tranh kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, phải đến khi nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” ra đời và được phát triển một cách bài bản, chuyên nghiệp, tiềm năng bấy lâu mới thật sự được khai mở, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình nâng tầm sản phẩm địa phương, chạm tới chuẩn quốc gia và vươn ra thị trường quốc tế.

Các thành viên HTX chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn thu hái chè bằng tay nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm.
Các thành viên HTX chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn thu hái chè bằng tay nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm.

Từ tiềm năng đến áp lực cạnh tranh: Cây chè cần một cú hích

Phú Thọ vốn nổi tiếng với những đồi chè bát ngát. Với tổng diện tích lên tới 14.800 ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 178.400 tấn mỗi năm con số này không chỉ thể hiện sức sống mãnh liệt của cây chè trên đất Tổ mà còn cho thấy tiềm năng lớn của địa phương trong việc phát triển ngành hàng nông sản có giá trị. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, sản phẩm chè Phú Thọ dù nhiều nhưng chưa mạnh, vẫn loay hoay ở dạng bán thành phẩm, giá trị thấp, thiếu tính nhận diện thương hiệu và chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường rộng lớn đầy khắt khe.

Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết và đặc biệt là thiếu một cơ chế quản lý thương hiệu thống nhất. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, khi người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng ổn định và đạt các tiêu chuẩn chứng nhận, thì cây chè Phú Thọ đứng trước yêu cầu cấp bách phải chuyển mình.

Nhãn hiệu chứng nhận – Cú huých làm thay đổi cục diện

Nhận diện được rào cản lớn nhất không nằm ở sản lượng mà ở giá trị gia tăng, tỉnh Phú Thọ đã chủ động kiến tạo một chiến lược phát triển mới: tạo lập và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ”. Đây không chỉ là bước đi đúng đắn về mặt pháp lý, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về kinh tế và thương hiệu khi chính thức công nhận giá trị bản địa và minh chứng cho sự tuân thủ quy chuẩn trong sản xuất, chế biến chè.

Kể từ khi Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận, các hoạt động đồng bộ được triển khai mạnh mẽ: từ xây dựng quy trình kỹ thuật, đào tạo kỹ năng cho người dân, phát triển bộ tiêu chuẩn về giống, chăm sóc, thu hái, chế biến cho đến truyền thông thương hiệu. Cùng với đó là hệ thống tem truy xuất, bao bì, logo, tạo nên một hệ sinh thái thương hiệu bền vững cho sản phẩm chè Phú Thọ.

Sự vào cuộc đồng bộ từ Sở Khoa học & Công nghệ cùng các sở, ngành và chính quyền địa phương đã biến “Chè Phú Thọ” từ một danh xưng địa phương trở thành một bảo chứng chất lượng được người tiêu dùng trong nước và quốc tế tin tưởng.

Thành quả nhìn thấy: OCOP 5 sao, xuất khẩu hàng trăm tấn chè mỗi năm

Một trong những ví dụ điển hình cho thành công của nhãn hiệu chứng nhận là Hợp tác xã (HTX) chè Cẩm Mỹ (xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn). Sau khi dừng hoàn toàn việc sử dụng hóa chất trong canh tác, chuyển sang quy trình sản xuất hữu cơ và đầu tư nhà xưởng hiện đại, HTX này đã đạt được nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” cùng với 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao. Đặc biệt, các sản phẩm chè xanh thơm Kim Tuyên và chè móc câu Cẩm Mỹ không chỉ góp mặt trên kệ siêu thị mà còn mang lại doanh thu trên 3 tỷ đồng trong năm 2024.

Không kém phần ấn tượng, HTX sản xuất và chế biến chè Đá Hen (huyện Cẩm Khê) cũng ghi dấu với mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP kết hợp chuyển đổi số. Nhờ áp dụng công nghệ và truy xuất minh bạch, sản phẩm chè Đá Hen đạt OCOP 4 sao, tiêu thụ đều đặn hơn 2.000 sản phẩm mỗi tháng và xuất khẩu khoảng 300 tấn chè mỗi năm. Điều đáng nói là các HTX không chỉ tăng trưởng về doanh thu mà còn tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mường minh chứng cho giá trị nhân văn và bền vững của mô hình sản xuất gắn với nhãn hiệu chứng nhận.

Từ giá trị kinh tế đến giá trị cộng đồng

Sự phát triển của nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp, hợp tác xã, mà còn lan tỏa đến cộng đồng trồng chè trên địa bàn tỉnh. Người dân không còn đơn độc với mô hình “mạnh ai nấy làm”, mà được tham gia vào chuỗi giá trị có tổ chức, được tập huấn kỹ thuật, kiểm tra chéo và truy xuất minh bạch. Từ đó, cây chè không chỉ là nguồn thu nhập, mà còn là niềm tự hào, là đại diện cho vùng đất trung du đang vươn mình mạnh mẽ trên bản đồ nông nghiệp sạch, chất lượng cao.

Sự thay đổi trong tư duy từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu, từ tự phát đến bài bản chính là yếu tố cốt lõi giúp chè Phú Thọ “lột xác”. Việc có tới 18 sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao, là một minh chứng thuyết phục cho nỗ lực chuyển đổi thành công, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Chè Phú Thọ đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với nhãn hiệu chứng nhận và các sản phẩm OCOP sẵn sàng vươn ra thị trường quốc tế. Để đạt được thành công lâu dài, cần duy trì chuỗi liên kết bền vững từ nông dân đến doanh nghiệp và thị trường, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối với các sàn điện tử và hệ thống phân phối hiện đại. Việc kết hợp truyền thông thương hiệu gắn với bản sắc văn hóa sẽ là chiến lược quan trọng trong tương lai. Với sự hỗ trợ của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, chè Phú Thọ không chỉ khẳng định giá trị địa phương mà còn vươn xa, trở thành biểu tượng của sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Đây là minh chứng cho sức mạnh của trí tuệ, sự đoàn kết và tầm nhìn chiến lược trong hành trình phát triển bền vững.

Nguyễn Tuấn Dũng

Từ khóa:
#h