Thời gian gần đây, món ăn gỏi gà măng cụt hay trà mãng cầu đang được nhiều người săn đón trên nhiều nền tảng. Các tiểu thương đã sử dụng cơ hội này để quảng cáo sản phẩm của mình trên các kênh mạng xã hội, đơn cử như mãng cầu đã được bán với mức giá dao động từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg. Nhiều nơi đã "hét giá" lên tới 70.000 đồng/kg và vẫn nhận được rất nhiều đơn đặt hàng.
Thực tế, không chỉ riêng măng cụt xanh và mãng cầu, nhiều loại nông sản và đặc sản vùng miền khác cũng đang trở nên phổ biến như thịt lợn, thịt trâu gác bếp, gà ủ muối, thịt chua, củ sâm đất,... Động lực thúc đẩy xu hướng này đến từ các video và bài viết trên Tik Tok cũng như các mạng xã hội khác. Bên cạnh đó, ngành F&B cũng có lợi thế lớn vì rất dễ tiếp cận người dùng và tạo cảm xúc cho họ thông qua các nội dung trên mạng xã hội, từ đó kích thích họ mua sản phẩm của mình.
Việc sử dụng phát trực tiếp (livestream) để bán nông sản đang trở thành một xu hướng phổ biến tại một số quốc gia trên thế giới. Tại Trung Quốc, trong thời kỳ đại dịch COVID - 19 làm mọi hoạt động kinh tế tê liệt, những trang thương mại điện tử như JD.com và Taobao đã nhanh chóng triển khai các sáng kiến livestream tại các vùng nông thôn, tận dụng định dạng tập trung vào tương tác mà đã tăng đáng kể mức độ phổ biến tại Trung Quốc trong vài năm qua. Nay Taobao có hơn 200.000 người phát livestream tại các vùng nông thôn.
Những người trồng trọt, từng bán 90% sản phẩm của mình bên ngoài, đã chuyển sang bán 90% sản phẩm của mình trực tuyến. Livestream không chỉ giúp ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn mà còn mang lại một cách kinh doanh hoàn toàn mới có khả năng tiếp tục phát triển sau khi đại dịch kết thúc. Thông qua việc livestream, người nông dân có thể trực tiếp giới thiệu sản phẩm của mình và tăng lượng chốt đơn cũng như cải thiện doanh số.
Tại Việt Nam, hình thức livestream cũng đã bắt đầu phát triển tại một số địa phương ở Việt Nam. Một số ví dụ tiêu biểu là buổi livestream bán cam bóc Phủ Quỳ (một loại nông sản của Nghệ An) của trang Tik Tok Anh Nông Dân đã đạt hơn 3,3 triệu lượt xem, 10.000 lượt tương tác, và hơn 3.000 lượt bình luận, giúp cho người nông dân Quỳ Hợp tiêu thụ 72 tấn cam chỉ trong một buổi sáng.
Hay kênh Tik Tok Nông Cẩm Quỳnh cũng đầu tư cho căn phòng nhỏ với đầy đủ trang thiết bị như đèn led, thiết bị ghi hình, microphone, giá đỡ điện thoại để chăm chỉ livestream khoảng 2-3 lần mỗi ngày, giới thiệu các mặt hàng nông sản như măng rừng, chè, thịt trâu, thịt lợn sấy, lạp sườn, sâm đất,...
Các chuyên gia đánh giá việc đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, bao gồm việc đưa các sản phẩm này lên nền tảng số là bước đi tất yếu. Thông qua việc phát triển các kênh livestream bán hàng, nông sản và các sản phẩm đặc sản có thể tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn, làm mở ra thị trường mới và gia tăng hiệu quả kinh tế cho các địa phương.
Tuy nhiên, ngành nông sản và kinh doanh F&B có tính chất thời gian rất quan trọng. Thị trường F&B thường chỉ duy trì trend trong khoảng 3-6 tháng, tối đa là 1 năm, trong khi thời gian nuôi trồng nông sản lại kéo dài hơn rất nhiều. Do đó, việc phải đồng bộ hoá giữa sản xuất nông sản và xu hướng thị trường là rất quan trọng để đảm bảo cho sản phẩm được tiêu thụ một cách hiệu quả và bền vững.
Do đó, người kinh doanh nên lựa chọn các sản phẩm nông sản phổ biến như cà phê, trà, đào, vải, chanh,... Các loại sản phẩm này đã được thị trường và ngành F&B chấp nhận và sử dụng trong nhiều năm, giúp tăng độ bền vững trong sản xuất và tiêu thụ. Song, đối với những sản phẩm mới như trà mãng cầu, cần thêm thời gian để chứng minh tính bền vững của chúng trong ngành F&B tại Việt Nam. Khi phát hiện hàng hóa vào trend, người kinh doanh cần tập trung nguồn lực để kinh doanh sản phẩm đó, và chủ động chuyển đổi sang mặt hàng khác khi thị trường chuẩn bị bão hoà.
Bảo Anh