Trong báo cáo phân tích mới được cập nhật đối với CTCP Tập đoàn PAN (PAN), Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, doanh thu thuần hợp nhất trong quý III đạt 3,586 tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ), LNST đạt 142 tỷ đồng (tăng 94% so với cùng kỳ). Như vậy, CTCP Tập đoàn PAN đã hoàn thành 68% kế hoạch doanh thu và 71% kế hoạch LNST với doanh thu thuần và LNST luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022 đạt lần lượt 9,756 tỷ đồng (tăng 52%) và 539 tỷ đồng (tăng 133%).
Theo KBSV, KQKD cao trong quý III chủ yếu được đóng góp từ các công ty thành viên khi VFG tiếp tục duỳ trì mức tăng trưởng cao kể từ sau khi ký kết hợp tác với Syngenta; mảng kinh doanh bánh kẹo của Bibica (BBC) hồi phục mạnh mẽ, doanh thu gấp 3 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, mảng tôm xuất khẩu ghi nhận lợi nhuận tăng 40% so với cùng kỳ do vẫn tận dụng được những hợp đồng giá cao đã ký từ đầu năm.
Cơ cấu doanh thu có sự chuyển dịch khi mảng nông nghiệp (có biên lợi nhuận cao) chiếm tỷ trọng lớn nhất. Do vậy, biên lợi nhuận gộp 3Q2022 cải thiện lên mức 18.9%, tăng mạnh từ mức 15.9% cùng kỳ và khôi phục lại gần mức trước khi có dịch Covid-19.
Báo cáo phân tích của KBSV cũng cho biết, doanh thu giống cây trồng và gạo giảm 24.2% trong quý III do: Biến đổi khí hậu khiến mùa vụ kinh doanh của Vinaseed lùi từ tháng 9 sang tháng 10; Sự cố nhà máy Vinarice làm gián đoạn sản lượng quý III.
Hiện sự cố nhà máy đã được khắc phục và hoạt động trở lại từ tháng 9. Mặc dù doanh thu giảm đáng kể, song biên LN gộp chỉ giảm hơn 9% do cơ cấu mảng giống cây trồng (có biên LN cao) vẫn duy trì đóng góp 70% doanh thu của Vinaseed. BLĐ đánh giá những khó khăn trong quý III chỉ mang tính chất tạm thời, Vinaseed sẽ sớm hoàn thành kế hoạch năm 2022 do chuẩn bị bước vào mùa vụ cao điểm trong quý IV.
Lĩnh vực khử trùng & thuốc BVTV của VFG trong quý III ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 84% so với cùng kỳ, động lực chủ yếu đến từ hệ thống phân phối của Syngenta. Cũng trong quý này, VFG đã trả hết công nợ nhập khẩu hàng tồn kho của Syngenta, qua đó giúp công ty tránh được biến động của tỷ giá, đồng thời hưởng được mức chiết khẩu thanh toán (hơn 6%) của đối tác.
Mảng tôm xuất khẩu 9T2022 doanh thu tăng trưởng 19.6% so với cùng kỳ, riêng trong quý III chỉ tăng 7.8% so với cùng kỳ, phản ánh khó khăn của thị trường khi cầu tiêu dùng tại Mỹ và châu Âu giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát cao. Dù vậy, LNST quý III tăng trưởng mạnh mẽ 25.4% so với cùng kỳ do: (1) FMC vẫn tận dụng được những hợp đồng giá cao ký kết từ đầu năm nay; (2) FMC sử dụng nguồn nguyên liệu tại vùng nuôi (15% sản lượng tôm đầu vào) với chi phí nuôi thấp, hiệu quả hơn so với thu mua bên ngoài. Mảng kinh doanh cá tra tăng trưởng gấp đôi, hưởng lợi từ việc các sản phẩm thay thế (cá minh thái, cá rô phi) đang hạn chế nguồn cung.