Tây Côn Lĩnh: Hương trà cổ thụ từ mây ngàn

Tây Côn Lĩnh, nơi hội tụ tinh hoa trà shan tuyết cổ thụ, mang đến hương vị tự nhiên độc đáo. Khí hậu khắc nghiệt và phương pháp chế biến truyền thống đã tạo nên những búp trà thơm ngon, quyến rũ lòng người.

Tây Côn Lĩnh, đỉnh núi hùng vĩ nằm giữa vùng núi Hà Giang, là nơi sinh trưởng của những cây chè shan tuyết quý giá, mọc ở độ cao từ 800 đến 1000 mét so với mực nước biển. Khí hậu khắc nghiệt và thổ nhưỡng đặc biệt, chủ yếu là đá vôi, đã tạo điều kiện thuận lợi để các búp chè nơi đây tích lũy được hàm lượng catechin và tannin cao. Những cây chè này mang vẻ đẹp đặc biệt với lớp lông tuyết mịn màng phủ trên búp, đặc biệt ở lá 1 và lá 2, càng làm tăng thêm giá trị về hương vị lẫn dinh dưỡng.

Những cây chè cổ được chăm sóc một cách tự nhiên nhất, không hề can thiệp bởi các hóa chất nhân tạo, giúp cho từng búp chè giữ được trọn vẹn hương vị và chất lượng từ ngàn xưa.
Những cây chè cổ được chăm sóc một cách tự nhiên nhất, không hề can thiệp bởi các hóa chất nhân tạo, giúp cho từng búp chè giữ được trọn vẹn hương vị và chất lượng từ ngàn xưa. Ảnh Tâm Ngọc

Vùng núi quanh Tây Côn Lĩnh không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, mà còn là "vùng đất thiêng" của nghệ thuật chế biến chè truyền thống. Tại các bản làng nơi đây, người dân tộc thiểu số vẫn giữ gìn các phương pháp thu hoạch và chế biến chè thủ công, không dùng phân bón hay thuốc trừ sâu, để bảo tồn hương vị tinh túy tự nhiên. Mỗi búp chè sau khi được hái ngay lập tức được mang về sao chế tại các thôn bản cheo leo trên sườn núi. Hương vị của chè Tây Côn Lĩnh vì thế mà thơm ngọt, tự nhiên, và phong phú, mang đậm bản sắc vùng miền.

Trà shan tuyết có màu nước vàng óng ánh, hương thơm dịu nhẹ.
Trà shan tuyết có màu nước vàng óng ánh, hương thơm dịu nhẹ. Ảnh Tâm Ngọc

Ở Tham Vè, người Dao đã trồng và khai thác chè cổ thụ từ nhiều thế hệ. Những cành chè vươn dài, chắc chắn như bàn tay con người góp sức qua bao thế kỷ. Cây chè cổ nơi đây được chăm sóc một cách tự nhiên nhất, không hề can thiệp bởi các hóa chất nhân tạo, giúp cho từng búp chè giữ được trọn vẹn hương vị và chất lượng từ ngàn xưa. Với những cây chè lâu năm nhất, sản phẩm từ chúng được gọi là "trà mây" loại trà chứa đựng hương gió, vị sương và tinh hoa của đất trời.

Rừng chè Bó Đướt là một minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của cây chè cổ thụ, khi những cây chè rừng mọc giữa các bờ đá vôi xám bạc và khí hậu đặc thù của Hà Giang. Búp chè nơi đây không chỉ mang vị chát đắng đặc trưng, mà còn có hậu vị ngọt nhẹ, thanh mát nhờ vào khí hậu ẩm và ít nắng. Những cây chè cổ thụ, với thân cây to khỏe và tán rộng, tạo nên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ giữa núi rừng.

Một trong những người nghệ nhân đầy tâm huyết với chè cổ thụ Tây Côn Lĩnh là ông Ngấn, người dân tộc Cờ Lao. Ông đã gắn bó với nghề làm trà hơn 20 năm, từng làm việc tại các nhà máy chè lớn ở Hà Giang. Dù từng có lúc nản chí và muốn từ bỏ do vất vả, nhưng tình yêu với trà và quê hương đã giúp ông vượt qua những khó khăn. Hiện tại, ông điều hành một xưởng nhỏ chế biến chè ngay tại bản làng, tiếp tục truyền lại những kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ sau.

Trong không gian giản dị của xưởng trà, khi thưởng thức từng ngụm trà thơm ngát, ta cảm nhận được cả hương vị của núi rừng và tâm huyết của người nghệ nhân. Nhấp một ngụm trà shan tuyết, ta như hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, hương vị trà tựa như sự kết tinh của mây trời, gió núi và những năm tháng lao động cần mẫn của con người nơi đây.

Trên đường trở về, ánh đèn le lói từ các xưởng trà mini giữa núi rừng như những ánh đom đóm trong đêm. Dù nhỏ bé và mong manh, những ánh sáng ấy vẫn đang âm thầm giữ gìn và truyền lại giá trị văn hóa, hương vị của Tây Côn Lĩnh cho thế hệ tương lai.

Tâm Ngọc

Từ khóa: