Thái Nguyên: Chè “trượt” giá do đại dịch COVID-19

Thái Nguyên hiện có 22,6 nghìn ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh chiếm gần 18 nghìn ha. Hàng năm, chè chính vụ cho thu hoạch từ 7-8 lứa, sản lượng bình quân đạt gần 200 tấn chè búp tươi. Thời điểm này đang vào mùa thu hoạch chè chính vụ, nhưng do nắng nóng kéo dài, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến chất lượng và đầu ra của sản phẩm chè. Theo đó, giá bán chè búp khô đang thấp hơn từ 15-20% so với mọi năm.

Bà con xóm Giữa, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên đang thu hái chè.
Bà con xóm Giữa, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên đang thu hái chè.

Là một trong những vùng chè nổi tiếng, xã Tân Cương hiện có 447ha với trên 1.300 hộ sản xuất, chế biến chè. Sản lượng chè búp tươi năm 2020 của toàn xã đạt hơn 5 nghìn tấn. Năm nay, giá chè xuống thấp khiến nhiều hộ dân bị giảm nguồn thu. Chị Đào Thị Thơm ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương chia sẻ: Gia đình tôi có 8 sào chè. Từ đầu năm đến nay, tôi đã thu 3 lứa (mỗi lứa trên 2,4 tạ chè búp khô). Với giá bán từ 300 đến 450 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi lứa, tôi thu về hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, mức thu này vẫn thấp hơn từ 10-15% so với mọi năm.

Tương tự, tại xã Khe Mo (Đồng Hỷ), giá chè búp tươi cũng giảm, ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của bà con. Chị Trương Thị Phương, thành viên Hợp tác xã chè BKQ cho hay: Không chỉ trực tiếp sản xuất, mỗi ngày, tôi còn thu mua khoảng 1 tạ chè búp tươi của người dân trong xã để sản xuất chè khô. Dịp này năm ngoái, bình quân mỗi kg chè búp khô bán được với giá từ 170-250 nghìn đồng. Vì thế, tôi thu mua chè búp tươi với giá từ 25-32 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay, giá chè chè búp khô đã giảm xuống còn 140-200 nghìn đồng/kg nên tôi chỉ có thể thu mua với giá từ 20-25 nghìn đồng/kg chè búp tươi.

Còn tại xóm Đồng Dong, xã La Hiên (Võ Nhai), giá bán chè cũng đã giảm 20-30 nghìn đồng/kg so với vụ mùa năm ngoái. Hiện nay, chè búp khô ở đây đang được người dân bán với giá 150 nghìn đồng/kg. Lý giải về việc chè búp khô chính vụ “rớt” giá, một số hộ sản xuất chè cho rằng, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID -19 nên việc vận chuyển chè đi ngoại tỉnh gặp khó khăn. Các thị trường tiêu thụ chính như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… có số ca mắc cao, nhiều khu vực bị phong tỏa nên việc tiêu thụ tại đây hầu như “đóng băng”.

Dịch bệnh bùng phát, việc tiêu thụ khó khăn lại cộng thêm tình trạng nắng nóng kéo dài khiến cho chất lượng chè ở một số địa phương giảm khiến người dân khó càng thêm khó. Anh Nguyễn Đức Trọng, Trưởng làng nghề chè xóm 9, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) cho biết: Nắng nóng kéo dài, người làm chè phải đầu tư nước tưới, phân bón… nhiều hơn mọi năm. Tuy vậy, chất lượng chè vẫn bị giảm. Nắng nóng làm cho cánh chè cứng, nước chè sẽ bị đắng, chát… 

Chè là cây trồng chủ lực, giúp người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh xóa nghèo và vươn lên làm giàu. Thời gian qua, giá thu mua ở nhiều nơi giảm đã ảnh hưởng đến đời sống của người trồng chè. Tuy nhiên, đây chỉ là khó khăn tạm thời nên nhiều địa phương đang tích cực tuyên tuyền, động viên bà con không chặt bỏ cây chè để chuyển đổi sang cây trồng khác.

Cùng với đó, vận động bà con chăm bón, thu hái, chế biến đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm chè; từng bước hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm chè của bà con khi dịch bệnh tại các tỉnh miền Bắc đã cơ bản được kiểm soát… Cùng với đó, ngành Nông nghiệp đang tích cực phối hợp với ngành Công Thương tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho nông sản Thái Nguyên tại các kênh thương mại trực tiếp và trực tuyến. Trong đó, chè Thái Nguyên là một trong những mặt hàng trọng điểm được quảng bá, giới thiệu đến các doanh nghiệp, thị trường trong và ngoài nước./.

Sơn Thủy