Thái Nguyên: “Đệ nhất danh trà” chấp cánh thương hiệu vươn xa

Vùng đất được coi là “cái nôi” sản sinh ra những sản phẩm trà thơm ngon nức tiếng Thái Nguyên, với thương hiệu trà đã vang danh ở trong và ngoài nước.

Vùng chè Tân Cương.
Vùng chè Tân Cương.

Thái Nguyên là vùng đất bán sơn địa, thiên nhiên đã khéo tạo ra một vùng sinh thái rất phù hợp với cây chè, được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà”. Tựa vào dãy Tam Đảo, những đồi chè Thái Nguyên đón trọn vẹn nắng sớm bình minh và bức xạ mặt trời khi về chiều. Nền đất feralit và phù sa cổ với nguồn nước tưới từ sông Công, sông Cầu, hồ Núi Cốc cùng kinh nghiệm trồng, chế biến lâu đời của người dân đã tạo nên vị trà thanh đượm, vị chát nhẹ và ngọt hậu. Không phải vô cớ mà nói rằng, muốn thưởng trà đúng phải thưởng trà Thái Nguyên. Bởi, Thái Nguyên là vùng đất dường như sinh ra để nuôi dưỡng cây chè, cho ra những sản phẩm mang hương vị rất riêng.

Hiện nay diện tích, sản lượng chè Thái Nguyên đang dẫn đầu các tỉnh trồng chè trong nước. Đến hết năm 2022, tỉnh Thái Nguyên có 22,4 nghìn héc ta chè, trong đó: diện tích cho sản lượng đạt 20,9 nghìn ha; sản lượng búp tươi đạt trên 261 nghìn tấn; giá trị sản phẩm chè búp tươi đạt 7.8000 tỷ đồng; giá trị sản phẩm chè sau chế biến đạt 10.400 tỷ đồng; 91 hộ sản xuất chè; 251 làng nghề, 914 đơn vị sản xuất, kinh doanh chè; 12 sản phẩm chè đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Chè là 1 trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên, có giá trị kinh tế cao và đã có mặt tại một số nước, vùng lãnh thổ trên thế giới, chủ yếu là các nước Trung Đông, một số nước châu Á, Bắc Mỹ và Đông Âu. Chè chế biến được xuất khẩu với giá từ 1.500 -2.000 USD/tấn. Ở trong nước, chè Thái Nguyên có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định và giá bán luôn cao hơn các vùng chè khác trong  nước: chè móc câu từ 200.000 - 400.000 đồng/kg; chè nõn tôm từ 600.000 - 750.000 đồng/kg; chè đinh từ 1.500.000 - 5.000.000 đồng/kg.

Chè Thái Nguyên được chế biến bằng 2 phương pháp: Thủ công, bán thủ công và công nghiệp. Sản lượng chè chế biến đạt khoảng 52.000 tấn. Với chính sách đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè kết hợp ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất chè nguyên liệu gắn với chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đến nay tỉnh Thái Nguyên có diện tích chè giống mới chiếm 82,7%. Diện tích áp dụng tiêu chuẩn VieGAP được chứng nhận đạt 4.357ha, chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified và hữu cơ đạt 76ha; xây dựng và thiết lập được 31 mã số vùng trồng theo TCCS 774:2020/BVTV và được định vị trên hệ thống toàn cầu GPS. Qua đó, sản lượng chè búp tươi an toàn, hữu cơ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn chiếm 16% tổng sản lượng chè của tỉnh, cho giá trị sản xuất cao hơn so với sản xuất thông thường từ 15-25%.

Thái Nguyên: “Đệ nhất danh trà” chấp cánh thương hiệu vươn xa - Ảnh 1
Thái Nguyên: “Đệ nhất danh trà” chấp cánh thương hiệu vươn xa - Ảnh 2
Sản phẩm trà được những HTX, Doanh nghiệp kinh doanh chè chế biến rất công phu để có sản phẩm chất lượng cao.
Sản phẩm trà được những HTX, Doanh nghiệp kinh doanh chè chế biến rất công phu để có sản phẩm chất lượng cao.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Giám đốc HTX Nông sản Phú Đạt (xã Sơn Phú, huyện Định Hóa) cho biết: “Chúng tôi vận động, tuyên truyền bà con sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng VietGAP. Từ khi sản phẩm của HTX là sản phẩm chè đầu tiên của huyện Định Hóa được chứng nhận sản phẩm OCOP, bà con rất phấn khởi, có thêm động lực để chăm sóc, sản xuất chè theo đúng quy trình”.

Ở Thái Nguyên ngày nay có bốn vùng trồng chè nổi tiếng là: Tân Cương (TP. Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ) và Khe Cốc (Phú Lương) được mệnh danh là “Tứ đại danh trà” đất Thái Nguyên. Đây chính là các vùng nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm chè đặc sản nổi tiếng và đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Thường mỗi gia đình ở đây đều có vườn chè và lò sấy riêng. Chủ hộ đóng rất nhiều vai: Người nông dân cần cù khi trồng và chăm sóc cây chè, người công nhân giỏi khi chế biến và một thương nhân khi bán hàng. Mỗi một vùng, mỗi một nhà đều có hương vị trà khác nhau với các bí quyết riêng.

Đặc biệt, sản phẩm chè Tân Cương đã được chọn vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam, vùng chè đặc sản Tân Cương được vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương”.

Ông Lê Quang Nghìn, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, chia sẻ: Có những người khách vào thưởng trà, đi mấy cây số lại quay lại mua trà vì “say” vị ngọt hậu đặc trưng mà không nơi nào có được.

Bên cạnh những thương hiệu chè nổi tiếng của vùng “Tứ đại danh trà” là thương hiệu có tên tuổi của các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh chè. Điển hình như: Công ty CP Chè Hà Thái, Công ty CP Tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình, Công ty CP NTEA, Công ty CP Trà Việt Thái, Công ty TNHH Trung Nguyên, Công ty Xuất nhập khẩu Thái Nguyên, HTX Chè Hảo Đạt, HTX Chè La bằng, HTX Chè Tuyết Hương, HTX Chè Tân Hương, HTX Chè an toàn Khe Cốc…

Thái Nguyên: “Đệ nhất danh trà” chấp cánh thương hiệu vươn xa - Ảnh 3
Một số sản phẩm chè Thái Nguyên được giới thiệu bày bán tại các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP.
Một số sản phẩm chè Thái Nguyên được giới thiệu bày bán tại các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP.

Bà Nguyễn Thị Hải - Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng (huyện Đại Từ), cho biết: Chúng tôi đã xây dựng thành công thương hiệu chè La Bằng lọt vào “Tứ đại danh trà” của Thái Nguyên. Đó là sự kết quả từ sự cố gắng, nỗ lực, gắn kết của chính quyền địa phương với từng hộ trồng chè.

Ông Tô Văn Khiêm - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc (huyện Phú Lương), cho biết: Khe Cốc là một vùng chè trọng điểm và là niềm tự hào của huyện Phú Lương. Trà Khe Cốc có sợi dài, đều, màu nhạt. Vị trà chát dịu, êm ái, hậu vị ngọt sâu. Chúng tôi lấy đặc trưng hương vị và yếu tố sạch để phát triển thương hiệu rộng rãi.

Cùng với nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” và chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”, nhiều sản phẩm chè ở những vùng chè đặc sản như: La Bằng, Đại Từ, Trại Cài, Vô Tranh, Tức Tranh, Phổ Yên... đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể; “Chè Phú Lương”, “Chè Võ Nhai” đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận. Đến nay có 186 tổ chức, cá nhân sản xuất chè được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”; 57 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”.

Thực hiện đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2019 -2025” (Đề án OCOP), đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 121 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP, trong đó 01 sản phẩm đạt 5 sao và 120 sản phẩm đạt 3-4 sao. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng thương hiệu chè gắn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, thế mạnh.

Bà Nguyễn Thị Ngà - Chủ tịch Hiệp hội chè Thái Nguyên, cho biết: Hiện nay nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên đã được bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là sự khẳng định đối với uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị của sản phẩm chè Thái Nguyên, góp phần giới thiệu quảng bá và phát triển chè Thái Nguyên trở thành một thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam.

Phi Long/VPTB