Thái Nguyên: Khám phá cây chè cổ Núi Bóng và giá trị lịch sử, văn hóa

Chè là cây gắn bó với người Việt từ lâu đời. Hiện nay, chè là một trong những cây sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên. Đến nay, cây chè tại nhiều địa phương đã được công nhận là cây di sản Việt Nam, như: Chè Suối Giàng, tỉnh Yên Bái năm 2006; chè Vân Hồ, tỉnh Sơn La năm 2022; chè Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên năm 2022; chè Shan tuyết Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang năm 2022 và chè Hoàng Thu Phố, tỉnh Lào Cai năm 2023… Mấy năm gần đây nhiều người nói đến cây chè cổ thụ ở núi Bóng, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

 Cây chè cổ ở Núi Bóng, Đại Từ (Thái Nguyên) ẩn mình trong rừng xanh với chiều cao từ 20 đến hơn 30m, có chu vi gốc chừng 90-150cm. Ảnh: Hoàng Tuấn.
Cây chè cổ ở Núi Bóng, Đại Từ (Thái Nguyên) ẩn mình trong rừng xanh với chiều cao từ 20 đến hơn 30m, có chu vi gốc chừng 90-150cm. Ảnh: Hoàng Tuấn.

Thái Nguyên là tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn nhất trong cả nước (22,2 nghìn ha và 267,5 nghìn tấn búp tươi), giá trị sản phẩm sau chế biến trên 12,3 nghìn tỷ đồng. Chè là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, giá trị kinh tế cao và có thể tích hợp nhiều giá trị về văn hóa và du lịch. Cây chè gắn bó với đất và người Thái Nguyên từ lâu đời, cho nên chúng được vinh danh là “Đệ nhất danh trà”.

Theo GS.TS Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Nông nghiệp hữu cơ Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên, cho biết, quần thể các cây chè cổ thụ Núi Bóng là tài sản quý của thiên nhiên và lịch sử để lại, so sánh với các cây chè cổ thụ ở các nơi khác như Suối Giàng (Yên Bái), Tủa Chùa (Điện Biên), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Chợ Đồn (Bắc Kạn)… thì các cây chè cổ thụ Núi Bóng thuộc hàng “anh chị” vì chưa đâu ở Việt Nam có.

Vị trí phát hiện các cây chè cổ thụ Núi Bóng phân bố nhiều ở độ cao từ 600 - 800 m so với mực nước biển, gần vùng đất trũng có bờ đất cao xung quanh, nơi truyền thuyết là giếng của nhà Mạc trữ nước từ thế kỷ XVI. Những cây chè cổ có chu vi gốc chừng 90-150cm, cao từ 20 đến trên 30 m. Qua truyền thuyết các cây chè cổ thụ Núi Bóng có từ thời nhà Mạc (1527 - 1592).

Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cuốn sử “Đại Nam Nhất Thống Chí” ghi chép tỉ mỉ, chính xác phần thổ sản của các tỉnh trong cả nước. Theo đó có hơn 10 tỉnh có chè, chè ngon hay không ngon, hương vị thế nào, được thẩm bình và ghi chép cẩn thận, công phu. Quyển 20 ghi chép về Thái Nguyên vào thời vua Tự Đức (1848 - 1883). Phần thổ sản của Thái Nguyên ghi chép như sau “Chè nam: Sản ở các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phổ Yên, vị ngon hơn chè các nơi khác”.

Riêu phong bao phủ thân của cây chè ở Núi Bóng, xã Minh Tiến, Huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Tuấn.
Riêu phong bao phủ thân của cây chè ở Núi Bóng, xã Minh Tiến, Huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Tuấn.

Để xác định chính xác tuổi đời, nguồn gốc, xuất xứ và giống của cây chè cổ cần có các nghiên cứu chuyên sâu, sự vào cuộc kịp thời của các nhà quản lý và nhà khoa học. Tuy nhiên, trước mắt cần có ngay các giải pháp để bảo vệ các cây chè cổ thụ ở Núi Bóng, Minh Tiến, Đại Từ (Thái Nguyên).

 Hoàng Tuấn