Thái Nguyên: Khơi dậy tiềm năng, nâng giá trị chè Sông Cầu sau Covid-19

Những năm gần đây, được sự quan tâm của nhà nước và các đơn vị tâm huyết với vùng chè Nông trường Sông Cầu, thương hiệu chè nơi đây đang dần tìm lại được vị trí trên thị trường và chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.

Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên ký hợp đồng với Hợp tác xã chè Thịnh An (thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ) triển khai mô hình “sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tại các xóm Tân Tiến, Tân Lập, Liên Cơ, xóm 4, xóm 7, xóm 9 và xóm 12 (thị trấn Sông Cầu); quy mô 50ha, 150 hộ nông dân tham gia. Dự án đã mang tới cho các hộ dân kiến thức sản xuất chè an toàn, kỹ thuật trồng chè an toàn; đồng thời hỗ trợ phân, thuốc trừ sâu để người dân yên tâm thực hiện.

Sau 03 năm thực hiện và kết thúc dự án, tới nay, những người dân tham gia mô hình đã có ý thức tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật trong sản xuất, như: sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh; chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép; ưu tiên nhóm thuốc sinh học và thảo mộc đưa vào sử dụng; các hoạt động bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch diễn ra trên nương chè, đồi chè đều được ghi chép đầy đủ trong sổ nhật ký.

Do được đầu tư thâm canh, bón phân cân đối, tưới nước hợp lý nên cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất bình quân tăng từ 8,6 tấn/ha lên 11,4 tấn/ha/năm, tăng 33% so với trước khi thực hiện mô hình. Về hiệu quả kinh tế, nếu bán chè tươi, trung bình 1ha (sau khi đã trừ các khoản chi phí, chưa tính công lao động) thu được 277 triệu đồng, cao hơn trước khi thực hiện mô hình 134 triệu đồng.

Bà Vũ Thị Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Thịnh An, chia sẻ: Trước kia, tôi công tác trong lĩnh vực giáo dục mầm non. Những ngày nghỉ, tôi thường đem vài kilôgam chè về Hà Nội bán kiếm lời. Được va chạm với tư thương, am hiểu thị trường nên tôi quyết định nghỉ nghề giáo viên mầm non về chuyên tâm sản xuất, kinh doanh chè. Năm 2016, tôi thành lập HTX Thịnh An với 7 thành viên, đến nay, HTX có 8 thành viên chính và 150 hộ liên kết. Năm 2017, HTX đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình “sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” với 50 ha chè an toàn; ngoài ra, HTX còn triển khai trồng thêm 20 ha chè theo hướng hữu cơ.

Bà Vũ Thị Thanh Hảo, Giám đốc HTX giới thiệu sản phẩm của đơn vị
Bà Vũ Thị Thanh Hảo, Giám đốc HTX giới thiệu sản phẩm của đơn vị

Trồng chè an toàn, chè theo hướng hữu cơ giúp bà con nông dân có cuộc sống khỏe mạnh hơn do môi trường được đảm bảo; sản xuất chè hữu cơ sẽ có điều kiện để xuất khẩu, sẽ cho giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, việc hái và sao sấy chè là khâu rất quan trọng. Muốn có được sản phẩm chè chất lượng, hương vị thơm ngon, từ khâu thu hái đến khâu sao sấy phải được chú trọng. Bởi vậy, trong quá trình liên kết với nông dân, chúng tôi luôn tận tâm, theo sát, hướng dẫn bà con từ cách hái tới cách sao..., chúng tôi thường hướng dẫn hái ngắn, hái non một chút; khi hái xong phải tiến hành sao ngay.

Bên cạnh đó, HTX còn trang bị cho mỗi nhóm hộ một xưởng sấy nhỏ, gia đình nào có kinh nghiệm, làm đúng với hướng dẫn sẽ được giao phụ trách việc sao sấy cho nhóm hộ ấy. Chính vì vậy, thời gian qua, chè của HTX Thịnh An luôn đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng đón nhận, được sự tin tưởng của nhiều đối tác; chè của HTX bước đầu xuất sang Nhật Bản, Malaysia. Trong cuộc đánh giá sản phẩm OCOP năm 2020 của tỉnh Thái Nguyên, HTX đã có 02 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Mô hình sản xuất chè theo công nghệ VietGAP tại xã Tân Cương, TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên)
Mô hình sản xuất chè theo công nghệ VietGAP tại xã Tân Cương, TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên)

Dạo quanh vùng chè Nông trường Sông Cầu hôm nay, chúng ta luôn thấy những nương, đồi chè đều được cắm biển, bảng ghi các thông số về mô hình chè an toàn hay chè hữu cơ và tên hộ gia đình thực hiện. Những đồi chè cứ xanh ngút, thẳng tắp, đều đặn, tín hiệu của một sự vươn mình, bật dậy đi lên của vùng chè nơi đây./.

Sơn Thủy