Thái Nguyên: Nâng cao giá trị cây chè và sản phẩm trà gắn liền với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Đại Từ

Huyện Đại Từ hiện có khoảng 6.600ha chè, trong đó chè giống mới chiếm tới 90% diện tích. Thời gian qua, huyện thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ đó ngày càng khẳng định thương hiệu và uy tín của sản phẩm chè Đại Từ trên thị trường.

Vùng nguyên liệu chè huyện Đại Từ.
Vùng nguyên liệu chè huyện Đại Từ.

Đại Từ là vùng đất có điều kiện về đất đai, thời tiết khí hậu đặc biệt phù hợp cho cây chè phát triển.Trong sản xuất nông nghiệp, Đại Từ là huyện có diện tích chè lớn nhất Thái Nguyên (chiếm 30,47% diện tích toàn tỉnh), đứng thứ hai so với các huyện trong cả nước. Là vùng sản xuất chè có truyền thống lâu đời, có tiềm năng năng suất, nguyên liệu chè có chất lượng cao. Trong những năm qua, cây chè được huyện coi là cây trồng chủ lực, mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp, là cây giúp cho các hộ nông dân thoát nghèo và tiến tới làm giàu.

Tuy nhiên việc đầu tư, phát triển cho cây chè chưa nhiều, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh trong phát triển cây chè của huyện. Tổ chức sản xuất chè vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, thiếu hệ thống dịch vụ kỹ thuật, thương mại, chưa tạo ra và gắn kết các chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ chè, hiệu quả sản xuất chưa tương xứng tiềm năng. Chưa gắn việc hình thành và gắn kết ngành sản xuất chè - ngành sản xuất mũi nhọn với các ngành khác; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn chậm, thiếu đồng bộ.

Để phát huy những tiềm năng và thế mạnh của địa phương trong việc phát triển kinh tế của địa phương trong những năm qua huyện Đại Từ đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực phát triển cây chè và xác định đây là cây trồng mũi nhọn để phát triển kinh tế. UBND huyện quan tâm chỉ đạo quyết liệt bằng việc thực hiện quy hoạch phát triển cây chè huyện Đại Từ đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 1711/QĐ-UBND, ngày 27/4/2012 của UBND huyện Đại Từ; xây dựng đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè huyện Đại từ giai đoạn 2015-2020; Kế hoạch số 118/KH-UBND, ngày 15 tháng 6 năm 2020 của UBND huyện Đại Từ về việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 108/KH-UBND, ngày 26 tháng 4 năm 2021 của UBND huyện Đại Từ về viêc thực hiện kế hoạch Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Đại Từ, xây dựng các phương án, kế hoạch hàng năm để thực hiện các Đề án, Kế hoạch.

Nâng cao giá trị cây chè và sản phẩm trà gắn liền với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Đại Từ.
Nâng cao giá trị cây chè và sản phẩm trà gắn liền với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Đại Từ.

Ông Trần Đăng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, cho biết: Để nâng tầm thương hiệu chè, huyện đã tập trung chỉ đạo cải tạo, trồng mới các giống chè cho năng suất, chất lượng cao; sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ và đa dạng các sản phẩm từ chè; phát triển kinh tế tập thể, giảm dần sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến. Cùng với đó, địa phương cũng phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá, tạo đầu ra cho sản phẩm…

Theo đó, các chỉ tiêu đến năm 2025 trên địa bàn huyện Đại Từ với diện tích chè 6.500 ha, diện tích chè cho thu hoạch 6.200 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 77.400 tấn; diện tích chè VietGAP, Hữu cơ chiếm 60% diện tích chè (4.000 ha). Diện tích sản xuất chè đông 1.600 ha. Diện tích chè cành chiếm 80% tổng diện tích, gá trị sản xuất sản phẩm chè ước đạt 1.925 tỷ đồng, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng chè đạt 350 triệu đồng/ha.

Trong đó, kết quả thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu với tổng diện tích chè toàn huyện hiện có 6.599 ha, vượt so với chỉ tiêu là 99 ha, Đã hình thành 5 vùng chè sản xuất vùng tập trung cụ thể: vùng 1 xã Tiên Hội, Hoàng Nông: 800 ha; vùng 2 xã La Bằng, Bản Ngoại, Phú Xuyên, Yên Lãng: 1.100 ha; vùng 3 xã Phú Thịnh, Minh Tiến, Phú Cường, Phúc Lương, Đức Lương: 1.000 ha; vùng 4 Thị trấn Hùng Sơn, Tân Linh, Phú Lạc: 1.200 ha, vùng 5: vùng 5 TT Quân Chu: 430 ha với tổng diện tích hơn 4.500 ha, chiếm hơn 60 % tổng diện tích. Trong đó đã có 03 vùng sản xuất chè được lập quy hoạch chi tiết gắn với phát triển du lịch tại các xã Phú Xuyên - La Bằng, Hoàng Nông, Tân Linh với tổng diện tích 230ha.

Từ các lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, các mô hình thâm canh chè, phát triển các làng nghề chè gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đang dần hình thành các địa điểm, tua, tuyến du lịch thu hút du khách như: Suối Kẹm, xã La Bằng (gắn với các làng nghề chè truyền thống). Hồ Vai Bành, Đát Đắng- xã Phú Xuyên (gắn với các làng nghề chè: Chính Phú 1,2,3 và làng nghề chè truyền thống xóm Tân Lập). Cửa Tử - xã Hoàng Nông (gắn với các làng nghề chè: Xóm Cầu Đá, Đoàn Thắng). Đập La Tre - thác Ghềnh tổ chim xã Mỹ Yên. Thác Đát Ngao xã Quân Chu.

Về cơ cấu giống trên địa bàn huyện Đại Từ đã trú trọng trong việc đưa các giống mới chủ yếu là các giống chè lai có năng suất và chất lượng cao vào trong cơ cấu giống của Huyện để trồng thay thế, cải tạo dần các nương chè Trung du lá nhỏ đã cằn cỗi. Với chính sách hỗ trợ 100% giá giống chè cành, trong giai đoạn 2012-2020 huyện đã chỉ đạo trồng mới, trồng thay thế 3.585 ha bằng các giống chè có năng suất, chất lượng cao (năm 2012: 343 ha; năm 2013: 448 ha; năm 2014: 419 ha; năm 2015: 342 ha; năm 2016: 480 ha; năm 2017: 387 ha; năm 2018: 292 ha; năm 2019: 298 ha; năm 2020: 211 ha) nâng tổng diện tích trồng chè giống mới của huyện đạt 5.126 ha/6.433 ha, chiếm 79,7% tổng diện tích chè, tăng so với mục tiêu của Quy hoạch (mục tiêu QH 2012-2020: tỷ lệ chè giống mới đạt 65%; chè trung du ổn định khoảng 35% DT).

Thái Nguyên: Nâng cao giá trị cây chè và sản phẩm trà gắn liền với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Đại Từ - Ảnh 1
Lễ hội Trà Đại Từ năm Giáp Thìn 2024.
Lễ hội Trà Đại Từ năm Giáp Thìn 2024.

Trong giai đoạn 2021-2023 tiếp tục chỉ đạo nhân dân trồng mới trồng, trồng thay thế được 314 ha. Kết quả thực hiện chương trình trồng mới, trồng thay thế chè đến hết năm 2023 diện tích chè cành đạt 5.300 ha, chiếm 80,3% tổng diện tích, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao, tăng lên so với mục tiêu Quy hoạch.  Về cơ cấu giống: chủ yếu là các giống: LDP1; Kim Tuyên; TRI777... đều là những giống chè có năng suất, chất lượng cao; đánh giá thực tế cũng cho thấy đây là các giống chè rất phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng của huyện trong giai đoạn 2012-2023.

Về công tác quản lý chất lượng giống chè trên địa bàn huyện được thực hiện đúng quy định, các vườn ươm giống trên địa bàn đều được kiểm tra chất lượng theo quy định... Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh thẩm định, cấp giấy phép..... đảm bảo các giống chè được cấp theo kế hoạch trồng mới, trồng thay thế chè của huyện và cung ứng cho người dân theo nhu cầu đều được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, không có tình trạng giống không rõ nguồn gốc, giống không phù hợp với quy hoạch. Hỗ trợ triển khai xây dựng các vườn cây đầu dòng giống chè mới, xây dựng các vườn ươm giống trên địa bàn theo quy hoạch đã được duyệt. Đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh triển khai thực hiện dự án xây dựng vườn chè giống tại xã Cát Nê với diện tích 5,4 ha.

Song song với việc quy hoạch vùng trồng và cơ cấu giống chè, việc chỉ đạo ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất luôn được các cấp, các ngành và người làm chè quan tâm thực hiện. Công tác tập huấn, chuyển giao KHCN được thực hiện thường xuyên, liên tục; việc hỗ trợ sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Hữu cơ, cấp mã số vùng trồng, hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới chè tiết kiệm được thực hiện hiệu quả. Đến nay diện tích chè toàn huyện được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiện đạt trên 1.500 ha; diện tích sản xuất chè Đông đạt trên 1.600 ha; diện tích sản xuất chè VietGAP 1.836 ha; diện tích chứng nhận hữu cơ 15 ha; 18 vùng nguyên liệu chè được cấp mã số vùng trồng.

Đến nay với tổng diện tích chè 6.599 ha, Diện tích chè kinh doanh 6215 ha, năng suất chè đạt 129 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 80.103 tấn tạo ra giá trị chè hàng năm đạt trên 2.010 tỷ đồng. Giá trị trên 01 ha đất trồng chè đạt trên 400 triệu đồng/năm. Kết quả điều tra giá trị chè trên địa bàn huyện năm 2023 cho thấy năng suất chè tươi/ha/năm: 141,3 tạ/ha, sản lượng chè tươi: 88.793 tấn. Giá bán chè tươi trung bình: 27.157 đồng. Giá trị/1ha: 383,7 triệu đồng. Lợi nhuận/ha: 236,1 triệu đồng. Tỷ lệ lợi nhuận: 62%. Số công lao động/1ha chè/năm: 1.093 công, diện tích chè kinh doanh trên hiện nay là 6.284 ha, trung bình mỗi năm toàn huyện có khoảng 6.868.412 lượt ngày công lao động phục vụ sản xuất, chế biến chè...

Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam và
Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam và bà Nguyễn Thị Ngà - Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Chè Việt Nam,Chủ tịch Hội Chè tỉnh Thái Nguyên cùng sản phẩm của Hợp tác xã chè La Bằng (xã La Bằng) trúng đấu giá 68 triệu đồng của buổi đấu giá sản phẩm trà tại Hội thi "Bàn tay vàng chế biến chè huyện Đại Từ.

Bà Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Hội chè huyện Đại Từ, đánh giá: Chè Đại Từ ngày càng khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Bên cạnh việc liên kết các HTX, doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè; hỗ trợ các đơn vị xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chúng tôi cũng tăng cường quảng bá, xây dựng mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; đưa sản phẩm trà lên sàn thương mại điện tử để sản phẩm lan tỏa nhanh hơn, xa hơn.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm, năm 2023, sản lượng chè búp tươi của Đại Từ đạt trên 80.000 tấn (tăng khoảng 3.000 tấn so với năm 2022); giá trị sản phẩm thu được trên 1ha chè đạt gần 500 triệu đồng; trong tổng số 44 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của địa phương thì chè chiếm đến 80%...

Các thương hiệu chè có tiếng ở Đại Từ như La Bằng (Hợp tác xã chè La Bằng), Hà Thái (Công ty CP chè Hà Thái)… được khách hàng tin tưởng, lựa chọn. Đặc biệt, những sản phẩm này còn được lựa chọn, giới thiệu và làm quà tặng tại các hội nghị lớn, quan trọng ở trong và ngoài nước.

SƠN THỦY