Xã Khe Mo là một xã miền núi nằm ở phía Đông bắc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên có nguồn tài nguyên đất phong phú thích hợp cho phát triển cây lâm nghiệp cũng như trồng cây lâu năm. Từ nhiều năm nay xã Khe Mo nổi tiếng là địa phương có thế mạnh về cây chè của huyện Đồng Hỷ. Thu nhập từ loại cây trồng mũi nhọn này đã giúp nhiều hộ dân trong xã có đời sống ngày càng sung túc hơn. Xã Khe Mo đặt kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây chè, phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm từ cây chè tập trung ở các xóm như Tiền Phong, Ao Rôm, Ao Đậu... Phát triển cây chè trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là biện pháp quan trọng của xã Khe Mo đặt ra để xã nhanh chóng xoá hết hộ nghèo, từng bước nâng cao mức thu nhập, đời sống của các hộ dân.
Được biết, giống chè bà con Khe Mo canh tác chủ yếu là các loại chè cành như Bát Tiên, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Hùng Đỉnh Bạch, Long Vân và chè lai F1. Đó là những loại chè thông dụng, cho năng suất cao và được người tiêu dùng ưa thích.
Một trong những Hợp tác xã được thành lập sớm tại xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên là Hợp tác xã chè Thu Hiền, được thành lập từ tháng 4 năm 2017. Hợp tác xã được thành lập gồm các thành viên tiền thân là các hộ gia đình sản xuất kinh doanh chè búp trong khu vực xã Khe Mo, các hộ gia đình sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ đều có kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh chè trên 20 năm và đều có thị trường tiêu thụ nhỏ lẻ riêng của từng hộ, sau khi HTX chè Thu Hiền được thành lập, các thị trường đầu vào và đầu ra của các hộ gia đình được tập trung lại và mở rộng hơn, việc thương lái đến thu mua chè cũng không còn ép giá như trước đây.
Hợp tác xã chè Thu Hiền đặt trụ sở tại xóm Ao Rôm 1, xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên có được thuận lợi về địa điểm kinh doanh, giao dịch kinh tế và đặc biệt có thuận lợi nằm trong vùng nguyên liệu của cây chè, thuận lợi tập kết nguyên liệu chính để sản xuất chè búp khô. Khu vực sản xuất của HTX liền kế với trụ sở giao dịch, với diện tích rộng HTX đảm bảo quy trình sản xuất chè được diễn ra thuận lợi, dễ dàng kiểm tra và giám sát. HTX đã đầu tư máy móc và các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh được thuận lợi. Thành viên của HTX là 7 người, đều là những người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực trồng, chăm sóc và chế biến chè, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/ tháng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Hợp tác xã chè Thu Hiền, giới thiệu cho chúng tôi biết khá kỹ về việc lựa chọn giống chè trên đất Khe Mo, kỹ thuật trồng và thu hái để đảm bảo sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.
Thừa hưởng chất chè đậm đà, hương thơm quyến rũ do vùng đất và khí hậu mang lại, sản phẩm của Hợp tác xã chè Thu Hiền, còn tạo thêm nét khác biệt riêng cho mình. Với lợi thế là mô hình kinh tế tập thể đầu tiên của xã, Hợp tác xã chè Thu Hiền đã được nhiều hộ trồng chè liên kết cung cấp nguyên liệu đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, Hợp tác xã vẫn tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu, cùng đội ngũ khuyến nông hướng dẫn các hộ nắm vững kỹ thuật sản xuất chè an toàn. Từ đó đầu tư thiết bị, tăng sản lượng chế biến chè. Để tôn vinh vùng đất quê hương, Hợp tác xã sử dụng toàn bộ mẫu mã bao bì khẳng định nguồn gốc xuất xứ sản phẩm tại Khe Mo.
Theo chia sẻ của bà con nơi đây thì, cây chè đã có mặt tại Khe Mo từ trên 50 năm nay. Tuy nhiên, số hộ chuyên canh cây chè và diện tích trồng chè các năm trước chưa nhiều. Những năm qua, chính quyền xã Khe Mo đã có nhiều biện pháp hỗ trợ các hộ dân phát triển cây chè từ tập huấn kỹ thuật làm đất, chọn giống, trồng và chăm sóc. Khuyến khích bà con tận dụng đất đồi bãi, khe lạch trồng chè, thay đổi tập quán canh tác và chuyển đổi một số loại cây trồng giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại chè mới.
Ông Lê Ngọc Dũng - Chủ tịch UBND xã Khe Mo cho biết, thực hiện chủ trương phát triển cây chè của tỉnh, những năm gần đây, xã lấy chè là loại cây mũi nhọn và vận động Nhân dân chuyển đổi cây trồng, tăng diện tích chè. Trước mắt, lãnh đạo xã tạo mọi điều kiện để thành lập thêm các làng nghề và các hợp tác xã.
Đặc biệt, khâu chế biến chè đặc sản đòi hỏi tay nghề cao, nên phần lớn hộ gia đình trồng chè chủ yếu bán chè búp tươi. Vì vậy, ngoài việc tổ chức tập huấn cho bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến, xã duy trì việc kiểm tra, hướng dẫn các hộ thực hiện yêu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo điều kiện mở rộng các cơ sở chế biến sâu và thực hiện các qui định về xuất xứ, truy xuất nguồn gốc. Từng bước tạo dựng thương hiệu và phấn đấu có các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của Chương trình OCOP.
PHI LONG