Diện tích tự nhiên của xóm Tân Thái khoảng 65ha; xóm có 78 hộ, gồm 277 khẩu, diện tích chè kinh doanh trên 53,8 ha, trong những năm qua người dân địa phương đã chuyển đổi được 10,8 ha chè cành giống mới; với 43 ha chè trung du phát triển trên đồi có độ dốc từ 300 trở lên đã được cải tạo nhờ phân bón, nước tưới và chăm sóc. Sản lượng chè búp tươi của xóm bình quân đạt 12 tấn/ha/năm.
Trao đổi với ông Tô Văn Khiêm - Trưởng xóm kiêm Trưởng Ban quản lý Làng nghề chè Cụm Khe Cốc - xóm Tân Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc, chúng tôi được biết, nhân dân làng nghề đã chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như chuyển đổi giống chè, lắp đặt hệ thống tưới tiêu bằng van xoay và đầu tư dụng cụ sao chè chạy bằng động cơ điện.
Xóm Tân Thái hiện có 40 hộ có hệ thống tưới chè bằng van xoay, 57 hộ có tôn sao inox 304 tiêu chuẩn Nhật, 1 hệ thống tôn sao chè bằng ga, 1 hệ thống sản xuất bột trà Matcha bằng cối đá theo công nghệ Nhật Bản, 3 khu vực có camera giám sát nương chè cảm biến, theo dõi nhiệt độ ánh sáng.
Trước đây, người dân trong xóm chỉ có sản phẩm chè búp khô bán ra thị trường; hiện nay một số hộ trong làng nghề đã sản xuất chè tôm nõn đạt hiệu quả kinh tế cao hơn; đặc biệt chè Đinh tôm có giá bán 5 triệu đồng/kg, chè Matcha theo tiêu chuẩn Nhật Bản mới đưa ra thị trường đã được người tiêu dùng đón nhận. Trước đây mỗi ha chè người dân chỉ lãi 20 - 30 triệu đồng/năm, nay lãi từ 80 - 100 triệu đồng.
Đời sống người dân đã được nâng cao rõ rệt, xóm đã có 100% nhà kiên cố và bán kiên cố; 100% các hộ có thiết bị nghe nhìn và phương tiện xe máy; 100% đường trục chính trong xóm được bê tông hóa; các ngõ xóm đã đạt 60% cứng hóa. Cũng theo ông Khiêm, xóm Tân Thái đang hướng tới sản xuất tập trung, khẳng định thương hiệu làng nghề; tuyên truyền mở rộng sản xuất chè sạch, chè an toàn; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè.
Năm 2013 làng nghề thành lập Tổ sản xuất chè VietGAP gồm 13 hộ với 8,77 ha chè kinh doanh giống chè trung du, sản phẩm chè đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận thực phẩm an toàn. Tháng 4/2018, Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh được thành lập với 15 thành viên, diện tích 15 ha chè; vốn điều lệ 450 triệu đồng. HTX có nhiệm vụ cung cấp sản phẩm nông sản với một số mặt hàng có thế mạnh như: Chè an toàn VietGAP, chè hữu cơ đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm tới cùng sản phẩm của mình.
Hiện nay, các xã viên HTX đang sản xuất chè theo hướng hữu cơ; các hộ đều xây bể hoặc đào hố trải bạt để ủ phân chuồng, ủ các phế phụ phẩm nông nghiệp và sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bón cho chè; tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, giảm dần thuốc BVTV độc hại.
Là một trong tứ đại danh trà của Thái Nguyên, trà Khe Cốc lấy đặc trưng hương vị và yếu tố sạch để phát triển thương hiệu rộng rãi. Mỗi năm, cụm làng chè Khe Cốc thu hoạch khoảng 100 tạ trà/hecta.
Đánh giá về chè Khe Cốc, anh Phan Văn Tường- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phú Lương cho biết: Chè Khe Cốc là niềm tự hào của quê hương Phú Lương. Hiện nay HTX chè an toàn Khe Cốc đã đầu tư máy móc và công nghệ đề nâng cáo giá trị của sản phẩm và đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước”. HTX đang có kế hoạch xây dựng vùng diện tích chè đạt tiêu chuẩn TCVN 11041 trong năm 2021. Khi đó các sản phẩm của HTX sẽ còn mở rộng thị trường tiêu thụ hơn nữa.
Với tên làng nghề chè cụm Khe Cốc, và vị nồng, đượm có sẵn được trồng trên mảnh đất đồi màu mỡ cùng nguồn nước từ dòng suối chảy về thuận lợi cho việc phát triển, nâng cao chất lượng chè. Thương hiệu chè Khe Cốc trong tương lai gần sẽ trở thành một thức uống nổi tiếng đậm đặc vị nồng, đượm ở đất chè Thái Nguyên.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Sơn Thủy