Thái Nguyên: Phục hồi cây chè sau bão lũ

Thái Nguyên - một trong những tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam nổi tiếng với vùng chè rộng lớn đã phải đối mặt với nhiều thiệt hại nghiêm trọng sau cơn bão Yagi. Những đồi chè lớn bị đổ gãy, ngập úng và hư hại nặng nề ảnh hưởng đến sinh kế của hàng nghìn hộ dân nơi đây. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt UBND tỉnh, các địa phương đã nhanh chóng triển khai những giải pháp khắc phục, hạn chế thấp nhất thiệt hại về cây trồng, khôi phục lại sản xuất.

Hàng trăm hecta chè bị thiệt hại, nhiều vùng trồng chè tại các huyện như Đại Từ, Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) đã phải đối mặt với tình trạng ngập úng kéo dài làm giảm năng suất đáng kể. Lượng mưa lớn cùng lũ quét kéo dài cuốn trôi đất màu, gây xói mòn nghiêm trọng làm cho việc khôi phục đất trồng trở nên khó khăn hơn.

Theo thống kê sơ bộ, diện tích chè bị ảnh hưởng lên đến 135,5 ha, trong đó nhiều diện tích chè mất khả năng sinh trưởng. Cụ thể, những thông tin chi tiết về mức độ thiệt hại tại từng huyện vẫn đang được các cơ quan chức năng thu thập và sẽ cập nhật trong thời gian tới.

Đồi chè Thái Nguyên sau bão lũ. Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Đồi chè Thái Nguyên sau bão lũ. Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Biểu hiện của cây chè bị ngập úng sau bão

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khi ngập úng kéo đất bị bão hòa nước, gây thiếu oxy cho vùng rễ dẫn đến cây trồng bị suy kiệt. Sau khi nước rút thường tạo lớp váng bề mặt dày làm cho ô xy trong không khí không thể khuếch tán vào đất, rễ cây không thể lấy oxy để hô hấp, cây trồng gặp khó khăn khi thực hiện quá trình trao đổi khí và hấp thụ các dưỡng chất. Ở điều kiện ngập nước kéo dài cây chè phải hô hấp yếm khí, sinh ra các chất độc hại đối với lông hút của rễ. Các lông hút trên rễ sẽ bị chết, không còn lấy được nước và các chất dinh dưỡng. Những tình trạng trên là nguyên nhân trên làm cho cây chè không thể hấp thu dinh dưỡng qua đường rễ và quang hợp qua đường lá để chuyển hóa dinh dưỡng nuôi cây. Biểu hiện của cây chè sau khi bị ngập úng là: Lá có màu xanh nhạt hoặc lá bị vàng úa, chồi non chậm phát triển, biểu hiện tăng thêm là rụng lá, kể cả lá non, và càng nặng hơn là toàn cây bị héo rũ và chết.

Các phục hồi sinh trưởng cây chè sau bão

Ngay sau khi bão qua đi, thực hiện sự chỉ đạo từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thành lập 09 Tổ công tác hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất. Các tổ công tác phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Kinh tế và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện để kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật khôi phục sản xuất sau bão. Nên vệ sinh vườn chè bằng cách loại bỏ rác thải, rửa sạch bùn bám trên lá và cắt bỏ các cành bị gãy, yếu để giảm sự tiêu hao dinh dưỡng. Sau khi nước rút, tiến hành xới phá váng lớp đất mặt bằng cào nhẹ để cung cấp oxy cho rễ cây hô hấp tốt. Các biện pháp giúp tăng khả năng thoát nước và cải tạo đất nhanh chóng được triển khai​.

Trong giai đoạn đầu sau khi nước vừa rút, cây chè đang trong tình trạng yếu cần thời gian để phục hồi. Việc bón phân ngay có thể gây hại cho cây do rễ cây chưa đủ khả năng hấp thụ dinh dưỡng. Tiếp theo, tạo điều kiện để nước trong vườn chè thoát nhanh bằng cách khai thông mương rãnh, tránh để nước đọng lâu ngày làm tổn hại rễ​.

Bà con nên loại bỏ những cành yếu, cành vượt và các cành la không cần thiết nhằm hạn chế sự tiêu hao dinh dưỡng, giúp cây tập trung nuôi dưỡng phần còn lại.Khi đất đã khô, người dân tiến hành phá váng bằng cách cào nhẹ lớp đất bề mặt để không khí có thể thâm nhập, cung cấp oxy cho hệ thống rễ. Sau khi cây chè hồi phục, phun thuốc trừ nấm và sử dụng chế phẩm sinh học để kích thích sự phát triển của rễ mới, giúp cây tăng cường khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng​.

Trong tương lai, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục khuyến khích người dân trồng các giống chè chịu hạn tốt hơn và ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt. Các kỹ thuật canh tác tiên tiến cũng đang được áp dụng để tăng cường khả năng chống chịu của cây chè trước những biến đổi khí hậu​

Các chương trình hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng như các tổ chức trong và ngoài nước đang tiếp tục giúp nông dân cải thiện điều kiện sản xuất và ứng phó tốt hơn với thiên tai. Ngoài ra, sự phối hợp đồng bộ giữa người dân và chính quyền địa phương là yếu tố then chốt để ngành chè Thái Nguyên không chỉ phục hồi mạnh mẽ sau bão lũ mà còn hướng tới phát triển bền vững lâu dài.

Phương Linh

Từ khóa: