Thái Nguyên rộn ràng vào vụ chè xuân

Những cơn mưa xuân đã đánh thức những cây chè “tỉnh giấc” sau đợt ngủ Đông. Từ những cành chè khẳng khiu, bật ra những mắt chè xuân nhỏ như hạt đậu xanh. Đó là lúc vụ chè xuân bắt đầu! Mặc dù sản lượng chỉ bằng 50% so với chè chính vụ nhưng chè xuân lại là sản phẩm được khách hàng rất mong chờ.

Người dân xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên thu hái chè vụ xuân
Người dân xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên thu hái chè vụ xuân.

Đến thăm vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên) vào những ngày đầu tháng 3, chúng tôi được hòa mình vào không gian xanh mướt của những đồi chè và cảm nhận không khí lao động sôi nổi, hăng say. Theo người dân ở đây, chè xuân là những búp chè non mọc lên sau khi cây chè đốn để lại gốc khoảng 30-40cm tùy loại. Đây là vụ chè đầu tiên trong năm, mầm được mưa xuân tưới tốt nên còn được gọi là chè lộc. Hái chè xuân chính là đi hái lộc. Tay thoăn thoắt hái chè, chị Nguyễn Thị Phúc, thành viên Hợp tác xã (HTX) chè Tân Cương - Phúc Linh chia sẻ: Vụ xuân năm nay khác biệt nhiều so với các năm. Thời tiết rét đậm nên chồi mầm chậm, sản lượng cũng giảm hơn. Chúng tôi đã áp dụng các biện pháp ủ gốc giữ ấm cho cây và bón phân, tưới nước theo hướng dẫn. Hiện nay, HTX có trên 15 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, doanh thu đạt 100 tấn/năm. Sản lượng chè vụ xuân dù chỉ đạt khoảng 50-60% so với chính vụ, nhưng hương vị riêng có, điều này giúp giá chè tăng cao đáng kể, từ 20-30%.

Trước đây, người dân thường quan niệm hái chè đúng kỹ thuật là phải “một tôm hai lá”. Nhưng hiện nay, người làm chè vùng Tân Cương nói riêng và toàn  tỉnh Thái Nguyên nói chung không còn duy trì cách thu hái truyền thống này. Đa phần sản xuất chè theo nhu cầu thị trường hoặc đơn đặt hàng của người mua. Khách hàng thích chè đinh hay chè tôm nõn, chè móc câu… thì sẽ thu hái nguyên liệu đáp ứng đúng tiêu chí của người mua. Và quy trình chế biến, cung ứng chè vụ xuân cũng nằm trong “quy luật” chung này.

Với nhiều năm gắn bó với nghề trồng và chế biến chè, mặc dù thời tiết vụ xuân không thuận lợi, nhưng HTX chè Hảo Đạt (TP. Thái Nguyên) vẫn đảm bảo năng suất nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăm sóc. Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt cho biết: Hiện nay, HTX đang sản xuất theo 2 phương thức truyền thống và công nghệ cao. Chúng tôi cố gắng ứng dụng khoa học kỹ thuật, hướng dẫn thành viên và người dân cắt lứa chè đúng thời điểm để có thể thu hoạch đúng vụ xuân và cho sản phẩm chất lượng nhất; đáp ứng nhu cầu của khách hàng có thể thưởng thức những ấm trà hảo hạng, cảm nhận được hương vị tinh túy của trà xuân vùng Tân Cương.

Vị chè xuân có sự “giao thoa” giữa chè vụ đông và vụ hè, không quá đậm cũng không nhạt khiến cho những người thưởng trà vương vấn mãi hương vị chè xuân. Không chỉ vậy, người làm chè Thái Nguyên còn rất hài lòng khi chè vụ xuân cho màu nước trong xanh, sóng sánh bắt mắt hơn chè vụ đông.

Thành viên Hợp tác xã chè sạch Đạt Phát (ở xóm Liên Hồng 2, xã Vô Tranh, Phú Lương) chế biến chè.
Thành viên Hợp tác xã chè sạch Đạt Phát (ở xóm Liên Hồng 2, xã Vô Tranh, Phú Lương) chế biến chè.

Còn tại HTX chè sạch Đạt Phát, ở xóm Liên Hồng 2, xã Vô Tranh (Phú Lương), rót mời chúng tôi chén trà xuân sóng sánh, anh Vũ Thành Thơm, Giám đốc HTX, nói: Năm vừa qua, lần đầu tiên HTX thử nghiệm trồng chè theo hướng hữu cơ và đã thu được những kết quả bước đầu. Sang năm nay chúng tôi tiếp tục triển khai với quy trình sản xuất, đánh giá chặt chẽ hơn. Vì vậy, dù mới là vụ chè đầu tiên trong năm, nhưng các thành viên HTX cũng tất bật.

HTX chè sạch Đạt Phát có 7 thành viên chính thức và 30 hộ liên kết, với vùng nguyên liệu chè VietGAP rộng 15ha. Để có những sản phẩm chè chất lượng, đạt tiêu chuẩn, các hộ liên kết đã cam kết tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đốn, bón phân, chăm sóc, thu hái chè đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn.

Bình quân mỗi năm, sản lượng chè búp tươi của HTX đạt 175 tấn, tương đương khoảng 35 tấn chè búp khô, với các sản phẩm đa dạng như trà móc câu, trà tôm nõn, trà đinh được đóng gói, đóng hộp lịch sự, phù hợp với thị hiếu của khách hàng.

Sau khi thu hoạch lứa đầu, các thành viên HTX sẽ tập trung chăm sóc, bổ sung đủ nước, phun chế phẩm sinh học phòng sâu bệnh để cây chè sinh trưởng và phát triển tốt và dự kiến khoảng hơn 10 ngày nữa sẽ thu hái lượt 2.

Cũng theo anh Thơm: Mặc dù chỉ đạt 50% sản lượng so với chè chính vụ nhưng chè xuân được nhiều khách hàng ưa chuộng và đặt hàng từ rất sớm. Đặc biệt, năm nay, HTX còn có thêm sản phẩm Chè Đinh Đạt Phát đạt OCOP 4 sao và trà tôm nõn được công nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu nên lượng khách đặt mua chè xuân đã tăng từ 20-30%. Đây là bước khởi đầu để trong năm 2024 HTX tiếp tục có thêm sản phẩm tham gia chương trình OCOP và hướng tới đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Với 22,7 nghìn héc-ta, Thái Nguyên là tỉnh có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước, sản lượng đạt gần 245 nghìn tấn. Trong đó, sản lượng chủ yếu rơi vào chính vụ, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 11 hằng năm. Thời gian qua, để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con nông dân mở rộng diện tích trồng chè cũng như đầu tư chế biến, quảng bá thương hiệu.

Cụ thể như hỗ trợ máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ; hỗ trợ nông dân liên kết trong các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; cấp mã số vùng trồng; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; xây dựng mô hình sản xuất, chế biến chè an toàn, hữu cơ...

Với những nỗ lực này, tỉnh hướng đến mục tiêu phát triển cây chè theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh. Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.500ha, sản lượng chè búp tươi đạt 273 nghìn tấn; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng chè đạt 350 triệu đồng.

PHI LONG