Để xây dựng thành công và nhân rộng mô hình chè hữu cơ tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ quy hoạch, xây dựng chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; đẩy mạnh áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sản xuất, người dân về các sản phẩm hữu cơ và xây dựng thói quen sử dụng sản phẩm nông sản an toàn.
Ông Nguyễn Chí Công, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Cách Tân (xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, Thái Nguyên) chia sẻ: “Hy vọng mạng lưới phân phối sản phẩm chè chuyên nghiệp trong toàn quốc sẽ nâng tầm giá trị chè, và chè Thái Nguyên trở thành thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị trường trong nước”.
Để làm được như vậy, doanh nghiệp sẽ đồng hành với các HTX sản xuất trong kế hoạch phát triển, định hướng sản phẩm và hệ thống phân phối, hình thành chuỗi cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm. Hiện, công ty này đang triển khai dự án "Xây dựng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thương hiệuTrà xanh Thái Nguyên tại thị trường nội địa, liên kết chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm". Dự án triển khai, hợp tác liên kết với các HTX sản xuất chè có xây dựng và quản lý vùng nguyên liệu tại các huyện thành của tỉnh, thiết lập và xây dựng hệ thống các cửa hàng, đại lý giới thiệu và bán hàng trên toàn quốc.
Trong đó, doanh nghiệp xây dựng website, phát triển thương mại điện tử và phối hợp với ngành bưu điện để thực hiện Logistics, bao gồm các hoạt động: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất.
Nằm tại xã Minh Lập, một trong những vùng chè đặc sản nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên, HTX được đánh giá là rất năng động và mạnh tay đầu tư cho hoạt động quảng bá sản phẩm chè. Hàng năm HTX Chè an toàn Nguyên Việt đầu tư hàng tỷ đồng để tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm nông sản trên toàn quốc, cũng có một số kết quả khá khả quan. Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường tiêu thụ vẫn chưa được như mong muốn.
Bà Uông Thị Lan, Giám đốc HTX Chè an toàn Nguyên Việt (Xóm Cà Phê 1, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ) rất hy vọng và đánh giá cao dự án này. Bà cho rằng nếu thực hiện được, dự án sẽ kết nối được các HTX lại với nhau, cùng hướng đến mục tiêu chung là "nâng tầm giá trị, phát triển bền vững" thương hiệu chè Thái Nguyên, chấm dứt cảnh mạnh ai nấy làm, thậm chí là “đấu đá nhau” tranh thị trường như thời gian vừa qua. Tham gia vào liên kết chuỗi cùng doanh nghiệp, HTX sẽ bớt “gánh nặng” tìm kiếm thị trường, có điều kiện tập trung vào sản xuất và chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Với sự liên kết này, các HTX và các xã viên là những người làm chè của tỉnh sẽ rất có lợi vì lợi nhuận chia dựa trên cơ sở giá sản phẩm là 20/80, trong đó doanh nghiệp là 20%, HTX 80%, doanh nghiệp đóng vai trò tiêu thụ, thiết lập, quản lý hệ thống đại lý, nắm bắt thông tin, nhu cầu khách hàng, HTX là nhà sản xuất. Hiện, các mức giá được đưa ra với 5 loại sản phẩm là: 300 nghìn đồng/kg; 500 nghìn đồng/kg; 800 nghìn đồng/kg; 1 triệu đồng/kg; 1,5 triệu đồng/kg; doanh nghiệp thiết kế bao bì riêng cho từng loại bằng chất liệu giấy krafs thân thiện môi trường, mỗi phân khúc giá có vệt màu riêng biệt để khách hàng dễ nhận biết.
Ông Nguyễn Chí Công tin tưởng vào sự thành công của dự án, bởi lẽ doanh nghiệp đảm nhận vai trò phân phối khép kín từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, đưa vào với đó là công nghệ quản trị, kết nối giữa doanh nghiệp với khách hàng và HTX bằng công nghệ 4.0. Qua đó sẽ tối đa hóa sản phẩm, tận dụng tất cả những nguồn lợi từ cây chè mang lại cho người nông dân.
Được biết, trong hơn 1 năm qua, Thái Nguyên tập trung phát triển sản phẩm chủ lực từ chè. Nhờ vậy, chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến chè ở Thái Nguyên được nâng cao rõ rệt, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Toàn tỉnh hiện có trên 91.000 hộ làm chè. Cây chè là nguồn thu chủ yếu của nhiều hộ dân, góp phần quan trọng trong giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững ở địa phương.
Được biết, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích chè của toàn tỉnh đạt 24.000 ha; trong đó, 100% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng tiêu chuẩn GAP, hữu cơ.
Dinh Vũ (t/h)