Thái Nguyên: Thạc sĩ 9x say mê sản xuất chè

Hiện nay tình trạng thực phẩm bẩn đang là vấn đề hàng đầu khiến người tiêu dùng lo lắng, đặc biệt là vấn nạn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm nông nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, anh Hoàng Văn Tuấn ở xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã mạnh dạn tiên phong trong việc sản xuất chè hữu cơ với mong muốn đưa ra thị trường sản phẩm chè an toàn và từng bước góp phần thay đổi nhận thức của người dân.

Mô hình sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Hoàng Văn Tuấn
Mô hình sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Hoàng Văn Tuấn

Để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm từ chè, trong những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm đầu tư, sản xuất chè tập trung theo hướng an toàn, áp dụng quy trình VietGAP, sản xuất an toàn hữu cơ đạt chuẩn Organic…; giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học và các chế phẩm sinh học. Từ đó, tạo ra các sản phẩm trà chất lượng cao, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, chinh phục thị trường quốc tế.

Huyện Phú Lương (Thái Nguyên), nổi tiếng với các vùng chè như Tức Tranh, Vô Tranh, Khe Cốc, Phú Đô. Cây chè nơi đây được trồng đầu tiên của cả nước khi được chọn triển khai mô hình hữu cơ. Điểm đặc biệt, nét duyên quê ở xứ này, những đôi bàn tay từ chính những người đàn ông say mê lao động đang mang thương hiệu của xứ sở mình đến khắp các vùng miền.

Sở hữu mô hình trồng chè an toàn, hữu cơ, điển hình là hộ gia đình anh Hoàng Văn Tuấn, xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, huyện Phú Lương. Sinh ra và lớn lên nơi làng quê quanh năm gắn bó với cây chè, nhìn thấy cha mẹ, hàng xóm lăn lộn trên những đồi chè mà chưa bao giờ thấy được kinh tế cao mang lại. Với quyết tâm thay đổi tư duy phát triển cây chè, anh Tuấn đã tìm tòi được phương pháp độc, lạ gắn với quy trình sản xuất chè VietGap.

Sản phẩm chè của gia đình anh Tuấn được sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ
Sản phẩm chè của gia đình anh Tuấn được sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ

Năm 26 tuổi, cầm trên tay tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên, anh Hoàng Văn Tuấn quyết định rời phố thị về vùng chè quê hương khởi nghiệp và say mê với trà hữu cơ sạch.

Những ngày đầu để thay đổi được tư duy phát triển cây chè của gia đình và những người hàng xóm quả không đơn giản, vì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đòi hỏi phải rất tỉ mỉ, phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt về cách trồng, chăm sóc và chế biến.

Anh Tuấn kể, việc bón phân phải cân đối để hạn chế dư lượng thuốc BVTV, khi thu hái không được để lâu chè sẽ bị ban, bị ôi; khi sao sấy không được để lẫn nước, tránh chè bị dập búp, việc bảo quản chè nguyên liệu cũng như chè thành phẩm phải đúng quy chuẩn... nhưng rồi, nhìn thấy hiệu quả, mọi người thở phào nhẹ nhõm, khi năng suất và giá trị cao hơn gấp đôi so với chè thường.

Sản xuất theo quy trình hữu cơ để thấy an toàn cho sức khỏe, sản phẩm được thị trường đón nhận, đây lại là xu hướng chung của nền nông nghiệp... Do vậy, đến nay tất cả hộ gia đình tôi đã ký cam kết sản xuất trà an toàn, hữu cơ.

Thu hái chè sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ
Thu hái chè sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ

Trao đổi với ông Ngô Thành Trung - Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện luôn đặt nhiệm vụ đầu tiên là tái cơ cấu cây chè và phát triển các sản phẩm trà chất lượng cao để tạo công ăn việc làm, thu nhập cao cho người trồng chè. Muốn tạo ra sản phẩm trà từ nguồn nguyên liệu sạch, bắt đầu từ cây chè sạch an toàn về dịch bệnh, an toàn trong quá trình sửa dụng phụ phẩm chăm bón, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất sản phẩm, bảo hộ sản phẩm cho người dân.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 22.000 ha chè. Đến nay, bình quân năng suất chè 12 tấn/ha, có nơi đạt 15 - 20 tấn/ha, chất lượng chè tỉnh Thái Nguyên không ngừng được nâng cao. Các sản phẩm chè đã dần chinh phục được các thị trường quốc tế khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Canada, và các nước châu Âu.

Để khuyến khích người dân sản xuất chè sạch an toàn VietGap, chè an toàn hữu cơ… tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng nhiều cơ chế hỗ trợ người dân như: hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP và GAP khác.

Cùng đó, hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nâng cao kỹ thuật chế biến chè đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất hữu cơ; hỗ trợ 40% vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, biển báo cho tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề chè sản xuất theo chè theo quy trình VietGAP, GAP khác, sản xuất chè hữu cơ.

Đặc biệt, tổ chức xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm chè, hỗ trợ quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ 100% kinh phí phân tích mẫu, kinh phí dán nhãn xác nhận sản phẩm chè an toàn, phân tích mẫu đảm bảo tiêu chuẩn để dán nhãn sản phẩm chè an toàn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và bảo hộ sản phẩm trà an toàn... với mục tiêu cho ngành hàng chè Thái Nguyên đứng đầu cả nước về các chỉ tiêu sản xuất, giá trị và hiệu quả kinh tế, văn hoá xã hội và môi trường.

Sơn Thủy