Thái Nguyên: Tiếp tục định hướng sản xuất chè hữu cơ tháo gỡ khó khăn trong đại dịch COVID-19

Thái Nguyên là một trong những vùng sản xuất chè lớn của cả nước, với diện tích gần 22.000 ha. Chè là cây trồng chủ lực giúp người nông dân tại đây ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Việc sản xuất chè theo hướng hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20 - 40% so với sản xuất chè theo phương thức truyền thống
Việc sản xuất chè theo hướng hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20 - 40% so với sản xuất chè theo phương thức truyền thống

Để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm từ chè, tỉnh đã sản xuất chè tập trung theo hướng an toàn, áp dụng quy trình VietGAP, sản xuất an toàn hữu cơ đạt chuẩn Organic cho ra các sản phẩm trà chất lượng cao, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Tỉnh có vùng trồng chè tập trung, chế biến, đóng gói, tiêu thụ mang tính chất chuyên nghiệp tại các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương và TP. Thái Nguyên. Tại huyện Đại Từ, chè là cây trồng chủ lực với hơn 6.300 ha, chiếm gần 25% diện tích chè của toàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ hiệu quả như hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giúp gia tăng năng suất, chất lượng chè, bình quân mỗi ha đạt doanh thu từ 400 - 500 triệu đồng/ năm, sản xuất chè cao cấp đạt gần một tỷ đồng/ha/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn hơn 6%.

Quá trình chuyển đổi sang sản xuất chè hữu cơ mất ít nhất 3 năm để được chứng nhận. Quãng thời gian trên mới đủ để nền đất trồng khử được toàn bộ chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng trước đó. Cùng với việc thay đổi thói quen sản xuất, canh tác và quá trình thích nghi của cây chè, sản phẩm sẽ được đơn vị, tổ chức có thẩm quyền thẩm định, chứng nhận và giám sát việc thực hiện.

Bà Ngô Thị Luyến, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên thông tin: “Bà con sẽ cải tạo lại từ hệ sinh thái môi trường canh tác cho đến quá trình quản lý đầu vào, đầu ra của sản phẩm là phải đảm bảo tiêu chuẩn về chè hữu cơ cho phép".

Thực hiện mô hình chuyển đổi sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam năm 2017, toàn tỉnh đã có trên 60ha diện tích chè hữu cơ tập trung tại thành phố Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ, Phú Lương và Đại Từ. Các đơn vị tham gia chương trình được Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên tập huấn thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác. Trong đó, nguồn kinh phí hỗ trợ cho tập huấn, đào tạo là 100% và hỗ trợ 40% về phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên thông tin: “Hỗ trợ về phương thức canh tác và công tác phân tích sản phẩm hữu cơ chuyển đổi theo từng năm. Đến hết năm 2022, nếu bà con đáp ứng được tiêu chuẩn thì sẽ cấp chứng nhận chè hữu cơ”.

Toàn tỉnh hiện có trên 22000 ha chè nhưng diện tích sản xuất chè theo hướng hữu cơ còn ít. Trong khi đó, việc sản xuất chè theo hướng hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20 - 40% so với sản xuất chè theo phương thức truyền thống. Vì vậy, việc triển khai mô hình sẽ góp phần khuyến khích người dân nhân rộng diện tích chè hữu cơ trên địa bàn tỉnh để hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững.

PV (Tổng hợp)