Thái Nguyên: Tôn vinh thêm giá trị chè Tân Cương

Tân Cương không chỉ là tên gọi của một xã thuộc TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) mà tiếng gọi thân thương ấy còn bao hàm cả một vùng chè rộng lớn, gồm nhiều xã của TP. Thái Nguyên như: Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Quyết Thắng và Phúc Hà. Từ lâu, vùng này đã nổi tiếng với sản phẩm chè búp khô mang tên gọi “Tân Cương” được chế biến từ giống chè trung du lá nhỏ.

Vùng đất chè Tân Cương là nơi tiếp giáp với vùng núi Tam Đảo, giống như một thung lũng dồn tụ các luồng gió ẩm từ Đồng bằng Bắc Bộ và vùng Đông Bắc thổi tới. Đất ở nơi đây được cho là có chứa những nguyên tố vi lượng với tỷ lệ phù hợp thuộc quyền đặc hữu của cây chè, được hình thành chủ yếu trên nền Feralitic, macma axit hoặc phù sa cổ, đá cát; có độ pH phổ biến từ 5,5 đến dưới 7,0.

Khí hậu tại vùng này là vùng tiểu khí hậu phía Đông dãy núi Tam Đảo cao trên dưới 1.000m so với mực nước biển, được cho là điều kiện lý tưởng để sản phẩm chè của vùng hoàn thiện. Các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến yếu tố bức xạ nhiệt tại khu vực, tổng bức xạ nhiệt là 122,4 kcal/cm2/năm, trong đó lượng bức xạ hữu hiệu là 61,2 kcal/cm2/năm, thấp hơn so với vùng chè khác, đây chính là yếu tố quyết định đến hương vị cốm non đặc trưng, vị chát đậm dịu, hài hòa, rõ hậu ngọt không có vị xít hoặc đắng của chè Tân Cương Thái Nguyên.

Mô hình sản xuất chè sạch đảm bảo chất lượng tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên - Ảnh: Sơn Thủy
Mô hình sản xuất chè sạch đảm bảo chất lượng tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên - Ảnh: Sơn Thủy

Một số bút tích ghi lại, năm 1935, cụ Đội Năm (người tiên phong đẩy mạnh phát triển chè ở Tân Cương) đã mang chè đi thi tại Đấu Xảo (Hà Nội) và đoạt giải nhất, được một số thương gia Ấn Độ nhập hàng chục tấn chè Tân Cương. Từ đó đến nay, người dân nơi đây suy tôn cụ là ông Tổ làng chè Tân Cương; việc sản xuất và kinh doanh chè của người dân trong vùng không ngừng phát triển.

Trong cuộc bình chọn các sản phẩm OCOP năm 2020 của tỉnh Thái Nguyên vừa qua, vùng chè Tân Cương có tới 17 sản phẩm chè đều đạt tiêu chuẩn 4 sao; các sản phẩm thuộc các đơn vị như: HTX Chè Tân Hương, HTX Chè Thủy Thuật, HTX Chè Sơn Dung...

Hợp tác xã Trà Sơn Dung (phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) được thành lập ngày 19/10/2018 trên cơ sở kế thừa thương hiệu chè Sơn Dung thuộc cơ sở sản xuất do bà Vũ Thị Dung - người làm trà chuyên nghiệp từ năm 1977 gây dựng. Hơn 40 năm gắn bó với nghề trà và gắn bó cùng các hộ nông dân trồng chè trong vùng chè Tân Cương Thái Nguyên, bà Dung không chỉ giúp nông dân trong việc thực hành nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị mà còn định hướng đưa thương hiệu Trà Tân Cương vươn ra khu vực và các thị trường khó tính trên thế giới. Với việc tiêu thụ hàng trăm tấn trà mỗi năm, HTX  Sơn Dung đã giúp và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động tại địa phương; đồng thời cung cấp Trà Tân Cương chất lượng cao, chính hiệu  để mọi người được thưởng thức...

Sản xuất chế biến chè thủ công tại HTX Trà Sơn Dung, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên - Ảnh: Sơn Thủy
Sản xuất chế biến chè thủ công tại HTX Trà Sơn Dung, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên - Ảnh: Sơn Thủy

Vùng chè nguyên liệu của HTX Trà Sơn Dung được trồng ở vùng chè Tân Cương thuộc địa phận các xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Quyết Thắng (TP.Thái Nguyên). Trà của HTX luôn có màu nước xanh ánh vàng mật ong, uống vào có vị đậm đà, bùi, ngậy, mùi hương cốm luôn làm mê lòng người. Trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2020, HTX Sơn Dung đã đóng góp cho tỉnh Thái Nguyên 03 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao với mức điểm khá cao, mỗi sản phẩm đạt 89 điểm.

Nhâm nhi chén trà “Trà Đinh thượng hạng” vừa đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, chúng tôi cảm nhận được mùi cốm nếp mới, vị chát nhẹ nơi đầu lưỡi, màu xanh ánh vàng sóng sánh, sau cùng là độ "ngọt giọng" nơi cuống họng, cảm giác thanh tao thư giãn vô cùng. Rời HTX Trà Sơn Dung trong tâm trạng thoải mái, chúng tôi nhớ mãi vị trà đặc biệt ở nơi đây./.

Sơn Thủy