Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh ước đón khoảng hơn 8,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 69,6% kế hoạch năm 2023; tổng thu từ du lịch ước đạt trên 15.000 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 63,2% kế hoạch năm 2023. Riêng TP. Sầm Sơn đón hơn 5,3 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt hơn 9.100 tỷ đồng.
Tháng 6 là tháng bắt đầu cao điểm cho du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng. Để thu hút và phục vụ khách du lịch, nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch biển mới được đưa vào khai thác như: Quảng trường biển, nhạc nước, phố đi bộ, chợ đêm, các họat động biểu diễn nghệ thuật đường phố (tại khu du lịch Sầm Sơn).
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, có được kết quả trên là do địa phương đã chủ động tập trung đẩy mạnh các hoạt động liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch đến các địa phương, doanh nghiệp lữ hành trong cả nước. Bên cạnh đó, phát triển tour, tuyến du lịch mới, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
Nhiều hoạt động Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra, trong đó, có chuỗi hoạt động khai trương du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa; xúc tiến du lịch kết nối 4 huyện gồm: Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc và Cẩm Thủy...
Những địa phương có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú với nhiều di tích, danh thắng cấp tỉnh và quốc gia, tiêu biểu như: Thành Nhà Hồ, Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Đền thờ Lê Hoàn, Đền Đồng Cổ, Suối cá Cẩm Lương… Nhờ đó, nguồn khách từ các thị trường phân phối khách lớn như Hà Nội, TP. HCM… đến với Thanh Hóa ngày càng đông.
Thanh Hóa sẽ tiếp tục ưu tiên cho du lịch biển, đảo, phát triển các sản phẩm có khả năng cạnh tranh với các tỉnh có du lịch biển, phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, sinh thái biển và du lịch tàu biển, các trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp, có thương hiệu.
Cùng với đó là du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh: phát triển các sản phẩm đặc trưng gắn với di sản, lễ hội, kết nối các di sản nội tỉnh, liên vùng , khu vực và cả nước; gắn kết du lịch với di sản văn hoá.
Xu hướng du lịch thân thiện môi trường, thiên nhiên là sinh thái cộng đồng sẽ được tập trung phát triển bài bản. Phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái dựa trên các lợi thế về tài nguyên tự nhiên, đặc biệt là các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên phục vụ tham quan và tìm hiểu phong tục - tập quán, ẩm thực của các dân tộc thiểu số của tỉnh Thanh Hóa.
Theo kế hoạch, năm 2023 Thanh Hóa sẽ tổ chức gần 70 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời, Thanh Hóa sẽ tiếp tục làm mới sản phẩm du lịch chủ lực hiện có và đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đón 12 triệu lượt khách trong năm 2023.
Hoài Thanh