12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch
Năm 2023, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen nhưng với sự đoàn kết, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, nhân dân trên địa bàn nên tình hình KT- XH của TP. Huế tiếp tục chuyển biến tích cực, 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Đáng chú ý, thu ngân sách đạt trên 100%; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng 12%, doanh thu du lịch đạt 4.585 tỷ đồng - đạt 186% so với năm 2022, tổng vốn đầu tư trên địa bàn tăng gần 11%. Các chỉ tiêu văn hóa - xã hội - môi trường duy trì tốt. Thành phố cũng tổ chức thành công Festival Nghề truyền thống Huế 2023 và nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội tầm cỡ khác; quốc phòng - an ninh được bảo đảm. Thành phố thực hiện giảm nghèo đồng bộ hiệu quả (giảm 531 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, vượt 156% kế hoạch đề ra năm 2023). Đặc biệt, công tác chỉnh trang đô thị được chú trọng với việc đầu tư, nâng cấp các trục chính, hai bờ sông Hương, đường liên xã liên phường, đường vào các khu di tích, lăng tẩm... tạo diện mạo đô thị Huế khang trang. Những kết quả đạt được trong năm 2023 tiếp tục tạo động lực hoàn thành kế hoạch cho cả nhiệm kỳ và các mục tiêu to lớn tiếp theo.
Tâm thế phấn khởi, nổ lực đạt mục tiêu lớn
Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đẩy nhanh tiến trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Để thể hiện trách nhiệm, vai trò đô thị trung tâm, Thành phố ưu tiên tập trung trong chỉ đạo, điều hành với nhiều giải pháp quyết liệt, sâu rộng, cũng như tạo tâm thế cho người dân Thành phố khi Tỉnh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.
Tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho chỉnh trang đô thị, nâng cấp hạ tầng để toàn bộ Thành phố có “bộ mặt” tương xứng là “vùng lõi” của Thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai, có hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hạ tầng “xanh”, giao thông thông suốt, kết nối các vùng phụ cận; đồng thời phát triển không gian công cộng, điểm xanh nhằm tạo đà phát triển du lịch và để người dân, du khách hưởng thụ các thiết chế, tiện ích đô thị. Hình thành và kết nối các tour, tuyến du lịch mới nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và lợi thế khác biệt. Tiếp tục chỉnh trang công viên Thiên An, cồn Dã Viên, công viên Trịnh Công Sơn, công viên Kim Long, đồi Vọng Cảnh, kết nối đường đi bộ dọc sông Hương, sông Như Ý... Mục tiêu xuyên suốt là xây dựng hình ảnh đô thị hiện đại, thân thiện môi trường song song bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa.
Lập đề án rà soát, đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống đường kiệt toàn Thành phố. Tiếp tục lan toả phong trào “Chủ nhật xanh”, xanh - sạch – sáng, nâng cao chất lượng chiếu sáng đô thị, tạo diện mạo mới cho Thành phố. Tập trung 5 chương trình trọng điểm như: Chương trình đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; chương trình nâng cấp các xã lên phường... và các dự án trọng điểm: Dự án cải thiện môi trường nước (phần vốn dư), dự án Thành phố Văn hóa và Du lịch thông minh do KOICA tài trợ, dự án nâng cấp mở rộng đường Bà Triệu, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật tạo nguồn quỹ đất, Green City; di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích (phần mở rộng); giải tỏa một phần khu vực Trung tâm văn hóa Ngự Bình để phát triển các không gian công cộng, công viên...
Song song với đó đẩy mạnh công tác giảm nghèo, mở rộng hợp tác quốc tế, phát triển văn hóa, thể dục thể thao. Đặc biệt, chuẩn bị phương án, nguồn nhân lực khi toàn Tỉnh trực thuộc Trung ương và cho Thành phố khi chia quận. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di sản, di tích xuống cấp. Thúc đẩy, hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo cho người lao động. Thực hiện tốt các dự án giảm nghèo bền vững. Triển khai hiệu quả các chương trình vay vốn giảm nghèo, vốn giải quyết việc làm... Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng; xây dựng chính quyền điện tử gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác lập lại trật tự đô thị để tạo cảm nhận tốt cho người dân, du khách.
Trong năm 2024 này, Thành phố cũng tiếp tục nghiên cứu, tổ chức nhiều hơn nữa các lễ hội văn hóa chuyên nghiệp và quy mô, trọng tâm là các hoạt động hưởng ứng tại Festival Huế 2024 gắn với văn hóa Huế, con người Huế. Tiếp tục nghiên cứu để triển khai một số Đề án nhằm khai thác tốt tiềm năng phục vụ du lịch, như: Đề án du lịch cộng đồng phường Thủy Biều để khai thác lợi thế cây Thanh trà, Đề án bảo tồn Phố cổ Bao Vinh để khai thác hệ thống dịch vụ tại phố cổ, Đề án khu du lịch sinh thái cộng đồng Rú Chá - Cồn Tè (xã Hương Phong)... Khai thác hiệu quả các tuyến phố đi bộ, phát triển kinh tế đêm, du lịch biển và đầm phá. Xây dựng đề án gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực ẩm thực; tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, nâng cấp hệ thống chiếu sáng và hệ thống đèn trang trí… với kỳ vọng du lịch Huế trong năm 2024 sẽ đạt được nhiều kết quả khởi sắc hơn, qua đó tạo không khí vui tươi, rộn ràng trên toàn địa bàn.
Với trọng trách được giao, Thành phố nỗ lực đổi mới trong quá trình lãnh, chỉ đạo điều hành nhằm thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các giải pháp nhằm vượt qua thách thức, phát huy các tiềm năng lợi thế, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2024, đáp ứng sự kỳ vọng của Nhân dân trên địa bàn, để TP Huế xứng tầm là đô thị “hạt nhân”, động lực để đưa Thừa Thiên Huế thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh...
Võ Lê Nhật
TUV, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP. Huế